Bắc Kạn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu

17-11-2023 18:46 | Y học cổ truyền

SKĐS - Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Bắc Kạn có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu.

Bắc Kạn có lợi thế lớn về rừng, khí hậu trong lành, mát mẻ chưa bị tác động bởi môi trường hóa chất, khói bụi công nghiệp. Hơn nữa rất nhiều cây dược liệu quý phù hợp phát triển dưới tán rừng tự nhiên, nếu biết bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý thì sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu dồi dào, ổn định.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có các chính sách quan tâm phát triển, bảo tồn tài nguyên dược liệu song chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của địa phương. Việc nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học đã có nhưng áp dụng nhiều vào thực tế còn hạn chế, chưa thương mại hóa thành sản phẩm dược liệu từ các công trình nghiên cứu. Cơ chế quản lý thị trường dược liệu thiếu đồng bộ, nhiều sản phẩm chưa rõ xuất xứ vẫn xuất hiện trên thị trường.

Quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây dược liệu bền vững chưa rõ ràng. Việc nuôi trồng, khai thác, sản xuất dược liệu còn manh mún, tự phát, có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên dược liệu quý do tình trạng khai thác cây lấy gỗ, chặt phá chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp khiến một số cây thuốc biến mất. Việc tuyên truyền về phát triển cây dược liệu theo hướng thương mại chưa đúng mức, thị trường đầu ra cho các sản phẩm dược liệu thiếu sự ổn định. Trên địa bàn chưa tạo được cơ sở hạ tầng phát triển, thu mua dược liệu...

Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đặt ra phát triển các loại cây dược liệu theo hướng khai thác lợi thế, thực hiện theo chuỗi giá trị gia tăng, trên cơ sở định hướng quy hoạch vùng trồng, ứng dụng khoa học công nghệ chuỗi, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu, đưa ngành hàng trồng và chế biến dược liệu thành ngành hàng chủ lực của địa phương, tham gia vào ngành hàng chủ lực của Quốc gia.

Kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia vào trồng, sản xuất, chế biến dược liệu- Ảnh 1.

Bắc Kạn được thiên nhiên ưu ái có khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho trồng và phát triển các loại dược liệu quý hiếm.

Theo kế hoạch, dự kiến sẽ triển khai 04 vùng trồng dược liệu tập trung gồm: Tiểu vùng Trung tâm; tiểu vùng phía Đông; tiểu vùng phía Tây; tiểu vùng phía Bắc và Đông Bắc với 26 loài dược liệu, diện tích lên đến 545ha vào năm 2025, trong đó 345ha dược liệu theo hình thức thâm canh và 200ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.600 tấn dược liệu khô.

Từ năm 2020 đến nay tỉnh Bắc Kạn đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể như Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 22/4/2021, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/04/2022 của HĐND tỉnh có quy định các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu. Cụ thể hóa nghị quyết bằng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các chương trình hành động. Tận dụng, lồng ghép các nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, đến nay toàn tỉnh trồng được 529ha dược liệu, đạt 96% mục tiêu kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025.

Từ các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển vùng dược liệu, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có các chủ thể tham gia sản xuất dược liệu theo chuỗi, từ sơ cấp đến thứ cấp. Cụ thể có 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất sơ cấp 21 loài dược liệu như trồng, thu gom, phân phối; 14 đơn vị sản xuất thứ cấp, tham gia vào chế biến sâu dưới các dạng bào chế, đóng gói. Các sản phẩm dược liệu được các tổ chức kinh tế phân phối tại cơ sở, hội chợ, các đại lý, mạng xã hội...

Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu. Các dự án tham gia vào chuỗi sản xuất đang được kỳ vọng tạo ra vùng nguyên liệu ổn định có giá trị, đóng góp vào nguồn kinh tế cho tỉnh nhà.

Về giải pháp trong thời gian tới, tiếp tục vận dụng các chính sách linh hoạt, kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào trồng, sản xuất, chế biến dược liệu. Nghiên cứu, sử dụng, chọn tạo ra giống cho năng suất, chất lượng tốt phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai. Ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển dược liệu, đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng khâu sản xuất, phát triển các loại giống bản địa như: Ba kích, hà thủ ô, bình vôi, bảy lá một hoa, cát sâm, kê huyết đằng, giảo cổ lam, ích mẫu, lan kim tuyến, củ tắc kè... Sản xuất giống dược liệu nhập nội để tạo nguồn nguyên liệu trong tỉnh bao gồm: Actisô, bạch truật, bạc hà, đương quy, tam thất... Quan tâm đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, các giải pháp tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, giá trị của các loại dược liệu, từ đó vận động khai thác, sử dụng hợp lý, mở rộng gieo trồng, thu hái bền vững.


PV
Ý kiến của bạn