Bắc Kạn là địa phương duy nhất trong cả nước chỉ có 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, chưa có các bệnh viện chuyên khoa. Mô hình Trung tâm y tế tuyến huyện được lồng ghép giữa hệ y tế dự phòng và bệnh viện đa khoa hạng III tuyến huyện nên thiếu cơ sở vật chất cho hệ y tế dự phòng. 122/122 xã đã có trạm y tế (TYT), tuy nhiên đến nay đã có 17 trạm xuống cấp trầm trọng cần được xây mới, 2 phòng khám đa khoa khu vực hiện tại không thể hoạt động vì đã đưa vào sử dụng gần 30 năm nay, chưa được đầu tư nâng cấp sửa chữa. Nhu cầu về trụ sở làm việc của tuyến y tế cơ sở tại Bắc Kạn đang đặt ra vô cùng bức thiết.
Nhiều trạm y tế xuống cấp
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Bắc Kạn có 96/122 xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế. Trong đó, 49 xã đạt “Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010”, tuy nhiên nhiều xã đạt Chuẩn giai đoạn trước năm 2010 hiện nay các nhà trạm đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn theo quy định, cần được sửa chữa và đầu tư xây mới. Y sĩ Thang Thị Phương - Phụ trách trạm y tế thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông cho biết: “Trạm y tế thị trấn Phủ Thông nằm ngay giữa trung tâm huyện, đường lên khu di tích lịch sử Đồn Phủ Thông nhưng nhiều năm nay không có nguồn đầu tư, hiện chỉ có 4 phòng làm việc, chật chội, không đủ diện tích và thiếu phòng làm việc theo chuẩn”. Trạm y tế thị trấn Chợ Rã - huyện Ba Bể cũng chỉ là một ngôi nhà cấp IV chật hẹp được xây dựng từ năm 1998, nay đã xuống cấp. Ông Đinh Anh Hào - Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Rã cho biết: “Hoạt động của TYT rất khó khăn, nhất là những ngày tiêm chủng hàng tháng hoặc các chiến dịch CSSK không có chỗ cho người dân đứng hoặc ngồi chờ. Chúng tôi đã nhiều lần trình cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn vốn và cũng chưa có quỹ đất để đầu tư”.
PKĐKKV Nà Phặc không thể sử dụng được do đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong số các TYT được liệt kê vào danh sách cần xây mới, có lẽ TYT xã Lương Thượng, Na Rỳ là trạm xuống cấp nghiêm trọng nhất. Các cán bộ y tế ở đây cho biết: “Phòng làm việc vừa thiếu lại bị thấm dột, trời mưa to chúng tôi không dám ở trong phòng sợ bị bong trần gây tai nạn, các yếu tố vô trùng cho phòng tiêm, phòng đẻ, phòng thủ thuật không đảm bảo gây bất an trong công việc, trong khi các hoạt động không thể dừng lại, xã cũng không có cơ sở hoặc kinh phí để thuê nơi khác làm trụ sở nên hơn 10 năm nay tất cả chúng tôi vẫn luôn được động viên bằng hai câu nói quen thuộc “trông” và “chờ” hay bao giờ có dự án chắc xã ta sẽ... có TYT mới”. Như vậy, thống kê sơ bộ toàn tỉnh còn khoảng trên 20 trạm cần sửa chữa, nâng cấp; 17 TYT cần xây mới, nhưng hiện tại quỹ đất và nguồn vốn là một trong những bài toán rất khó có lời giải cho ngành y tế Bắc Kạn và chính quyền địa phương.
Phòng khám đa khoa khu vực không thể sử dụng được
Từ trước năm 2008, toàn tỉnh Bắc Kạn có 13 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV), sau đó được sáp nhập vào các TYT, chỉ giữ lại 2 phòng khám là Yên Cư (huyện Chợ Mới) và Nà Phặc (huyện Ngân Sơn). Tuy nhiên, hiện nay cả hai PKĐKKV này đã xuống cấp nghiêm trọng. Lãnh đạo ngành y tế và lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã khảo sát, kiểm tra và quyết định không thể tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất 2 phòng khám đa khoa này nữa, đồng thời thực hiện “giải pháp tình thế” là chuyển toàn bộ hoạt động vào ghép với TYT sở tại. Chứng kiến những tấm biển “Khu vực nguy hiểm cấm vào” cùng những sợi dây thừng nối các cột nhà với nhau làm “hàng rào” ngăn cấm người bệnh đi vào các khuôn viên, phòng làm việc tại PKĐK Nà Phặc và sự đông đúc chật chội khi người bệnh phải khám điều trị tại TYT thị trấn Nà Phặc mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế nơi đây. BS. Hoàng Thị Chuyên - Phó trưởng khoa PKĐKKV Nà Phặc chia sẻ, PKĐKKV Nà Phặc phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân các xã phía Nam của huyện và một số xã lân cận của huyện Ba Bể. Việc phòng khám phải ở và làm việc ghép với TYT gây ảnh hưởng rất lớn tới công tác chuyên môn nhất là công tác tiêm chủng mở rộng và các công việc khác, vì chức năng, nhiệm vụ của phòng khám khác với TYT. Trong quá trình làm việc chúng tôi rất lo lắng, bất an vì vẫn phải sử dụng một số phòng làm việc cũ, không đảm bảo an toàn cho cả con người và lĩnh vực chuyên môn”.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Học - Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, khó khăn lớn nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế Bắc Kạn phải kể đến đầu tiên là tại tuyến cơ sở: Trụ sở phục vụ hoạt động y tế dự phòng các huyện/thành phố đang ở ghép với hệ điều trị, cùng trong khuôn viên bệnh viện. 17 TYT xã và PKĐKKV Nà Phặc, Yên Cư cần được đầu tư xây mới nhưng hiện tại thiếu quỹ đất và nguồn vốn xây dựng... Do vậy, việc đầu tư xây mới 17 TYT, các PKĐKKV và trụ sở làm việc của Đội y tế dự phòng, Đội chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc 8 Trung tâm y tế huyện/thành phố lồng ghép với cơ sở điều trị methadon là nhu cầu đặt ra bức thiết cần có sự đầu tư từ TW và các nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức, các dự án trong và ngoài nước để xây dựng theo chuẩn và mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn...