Sinh thời, Bác Hồ đã 9 lần về thăm Hải Phòng. Từng bước chân của Người in dấu trên mảnh đất thành phố cảng như những mạch nguồn yêu thương, ấm áp và đầy kỳ vọng. Mỗi lần Người trở lại, là một lần để lại những câu chuyện cảm động, những chỉ dẫn sâu sắc, là hành trang tinh thần quý giá để quân và dân Hải Phòng kiên cường bước tiếp trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trách nhiệm của miền đất cửa biển
Ngày 20/10/1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - quốc gia độc lập đầu tiên ở Đông Nam Á, Người về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến Cầu Ngự - cảng Hải Phòng

Bác Hồ thăm cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu).
Cả thành phố cảng như vỡ òa trong niềm vui bởi đây là lần đầu tiên, kể từ ngày đất nước giành được độc lập người dân Hải Phòng được tận mắt nhìn thấy Bác – vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bên bờ sông Lấp hôm ấy, lời Người vang lên, chân thành và gần gũi: “Đồng bào miển bể thực hành đời sống mới, ra sức tiết kiệm". Lời dặn ấy giản dị mà sâu xa, thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Hải Phòng. Với tầm nhìn của nhà thiên tài cách mạng, Người đã nhìn thấy sức mạnh của Hải Phòng về địa chính trị, địa kinh tế đối với cả nước; về phong trào công nhân, phong trào cách mạng ở Hải Phòng... về những gian khổ và trách nhiệm của miền đất cửa biển đi trước về sau trong mỗi biến động của lịch sử.
Ngày 13/5/1955 khi thành phố vừa hoàn toàn giải phóng được 20 ngày, Bác Hồ đã về thăm lại Hải Phòng. Lần thứ hai này, tại Nhà hát thành phố, trước 300 đại biểu cán bộ, đảng viên, Người căn dặn từng giới, từng ngành, nhấn mạnh rằng: “Khu Chu vi Hải Phòng rất phức tạp, sau này hãy còn nhiều khó khăn… nhưng chúng ta nhất định cố gắng vượt qua cho kỳ được.”

Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) - Ảnh tư liệu
Thực hiện lời Bác dặn, sau ngày giải phóng – quân dân Hải Phòng chắt chiu từng viên gạch, cân xi măng để kiến thiết thành phố. Công cuộc xây dựng CNXH từ Hải Phòng đã lan tỏa với nhiều phong trào " Tổ đá nhỏ ca A", " Sóng Duyên Hải"...
Năm 1957 cũng là lần thứ ba, Bác trở lại Hải Phòng. Lần này, Bác tới Nhà máy Xi măng và Cảng – hai “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp nước nhà. Tại đây, Bác nói: “Công nghiệp Hải Phòng rất quan trọng đối với cả nước”. Bác nhấn mạnh vai trò then chốt của Hải Phòng như một đầu tàu kéo nền kinh tế miền Bắc: Muốn xây dựng CNXH, phải có công nghiệp và cảng hiện đại. Những lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho bao thế hệ công nhân đất cảng. Biết bao thế hệ người con Hải Phòng lớn lên từ Xi măng, Cảng Hải Phòng luôn tự hào vì có Bác ở bên. Đó cũng là những năm tháng "thắt lưng - buộc bụng", mồ hôi nước mắt, là nỗi niềm chia cắt hai miền Nam Bắc đau đáu khôn nguôi.
Lần thứ tư – năm 1959, Bác trở lại thành phố Cảng. Lần này, Người không chỉ tới Trường Học sinh miền Nam số 7 – nơi chăm sóc các em nhỏ từ miền Nam tập kết ra Bắc, mà còn ra thăm quân dân huyện đảo Cát Hải. Trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió, Người nói: “Rừng biển là của ta, do nhân dân ta làm chủ.” Lời khẳng định của Bác về chủ quyền biển đảo vẫn mãi còn vang vọng trong tâm trí người dân Hải Phòng suốt bao thế hệ sau này – như một lời nhắn nhủ từ trái tim của một người Cha dành cho tương lai của đất nước.
Lần thứ năm là ngày 10/1/1960, Bác đã trực tiếp đón 922 kiều bào từ Thái Lan về nước tại cảng Hải Phòng.
Lần thứ sáu, chỉ tám ngày sau, Người tiếp tục về thăm nhân dân Kiến An – nơi mà từng ánh mắt, từng cái bắt tay của Bác đều là sự sẻ chia, động viên và hi vọng.
Và trong những năm 1961, 1962, 1963, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian về thăm, nói chuyện và căn dặn đồng bào Hải Phòng. Với vị trí là một trong những thành phố lớn của cả nước, trọng điểm đánh chiếm của kẻ địch, cũng là địa phương đi đầu trong các phong trào của miền Bắc XHCN, Bác gửi gắm vào đồng bào Hải Phòng cả sự kỳ vọng về một thành phố "gương mẫu". Thăm nhà máy cơ khí Duyên Hải, Bác phát động phong trào thi đua "Sóng Duyên Hải" trong toàn ngành công nghiệp miền Bắc. Năm 1963, lần cuối về Hải Phòng, thăm trường Học sinh miền Nam số 4... thăm cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Rồi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam, Hải Phòng trở thành một trong những vùng đất hứng bom. Quân dân Hải Phòng đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ thành phố và giữ gìn thành quả của miền Bắc XHCN. Dẫu không về được với Hải Phòng, nhưng Người luôn theo sát tình hình địa phương và có những chỉ đạo sát sao. Rất nhiều lần, Người gửi thư thăm hỏi đồng bào, quân và dân Hải Phòng... khen ngợi những tấm gương dũng cảm ở Tiên Lãng, Kiến An... thư khen các đơn vị bộ đội, chị em phụ nữ Hải Phòng "ba đảm đang". Và cũng rất nhiều lần, nhân dân Hải Phòng gửi thư cho Bác.
Hải Phòng khắc ghi lời dạy của Bác
Năm 1967, Hải Phòng vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và lá cờ “Trung dũng – Quyết thắng” do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Người từng nói: “Chiến tranh có thể kéo dài… Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ... Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Hệ thống cảng biển của Hải Phòng hiện nay. Ảnh: ML
Bác đã không chờ được ngày non sông thu về một mối, nhưng những gì Bác để lại trong lòng người dân Hải Phòng – không chỉ là những bài viết, những bức thư, những chuyến viếng thăm – mà còn là niềm tin, là ngọn lửa không bao giờ tắt về một tương lai tốt đẹp hơn.
Đúng như nhận định và sự tin tưởng, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay, sau 70 năm kể từ ngày giải phóng Hải Phòng, thành phố bên bờ biển Đông rạng rỡ cờ hoa, bước đi mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với hệ thống cảng biển nước sâu mở rộng, nối dài và hiện đại ..., Hải Phòng sẵn sàng đón những còn tàu hàng trăm nghìn tấn vào làm hàng và đưa hàng hóa của Việt Nam đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Cùng với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi, những khu công nghiệp mới, khu đô thị xanh mọc lên và hệ thống trường học các cấp đạt chuẩn ...đã góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển Hải Phòng, đúng như tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều thập kỷ trước.

Chủ tịch nước Lương Cường trao tặng danh hiệu "Thành phố anh hùng" cho Hải Phòng trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố.
Những ngày tháng 5 về, thành phố bên bờ biển Đông - Hải Phòng đầu sóng, ngọn gió rạng rỡ cờ hoa, bước đi mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dẫu thời gian trôi qua, ký ức về những lần Bác Hồ về thăm Hải Phòng vẫn còn nguyên vẹn, như mới hôm qua. Thành phố Hải Phòng mãi khắc ghi lời Người căn dặn: “Mọi người đồng tâm hiệp lực, chắc chắn thành phố Hải Phòng sẽ trở thành một thành phố gương mẫu của nước ta.”
Và Hải Phòng, với tinh thần “trung dũng, quyết thắng” đã và đang từng ngày biến lời dạy của Bác Hồ thành hiện thực. Vình dự và tự hào, ngay trong ngày 13/5/2025, tròn 70 năm Ngày Giải phóng thành phố, Đảng bộ và chính quyền nhân dân thành phố cảng đã được Chủ tịch nước Lương Cường trao tặng danh hiệu "Thành phố anh hùng", ghi nhận những thành tựu của Hải Phòng trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Hàng vạn người dân Hải Phòng hoà vang khúc hát Thành phố Hoa Phượng đỏ tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng.