Nhà thơ Vân Long nguyên là diễn viên vĩ cầm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ông đã được chứng kiến giây phút Bác Hồ cầm đũa chỉ huy dàn nhạc - Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Bài viết dưới đây, tác giả kể về giây phút gặp gỡ hiếm quý ấy.
Một ấn tượng không bao giờ tôi quên được: lần đầu được gặp Bác Hồ ở khu vườn Bách Thảo trong đêm liên hoan chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III, vào năm 1961.
Năm đó, tôi vừa được tiếp nhận vào Dàn nhạc Giao hưởng mới thành lập. Đêm ấy, dàn nhạc được ưu tiên chọn trước một bãi cỏ rộng, đẹp, chung quanh là những cây cổ thụ lớn giăng mắc những chùm đèn màu, hình thành một sân khấu thiên nhiên lộng lẫy. Được chọn “sân khấu” trước không phải vì chúng tôi là đơn vị nghệ thuật trình diễn nhạc cổ điển (mà hình thức hiện đại) có tới 120 diễn viên, mà còn vì một dàn hợp xướng sinh viên Thủ đô với 800 ca sĩ từ các trường đại học được tuyển chọn để phối hợp với dàn nhạc.
Khoảng 8 giờ tối, khi chúng tôi đang tập lại vài đoạn nhạc cho thuần tay, các bạn hợp xướng đang thử lại giọng thì đầu kia Bách Thảo nổi lên tiếng reo hò, rồi tiếng vỗ tay cứ từng đợt, từng đợt nổi dậy như sóng cồn. Chúng tôi vui mừng lộ ra nét mặt. Đúng là Bác Hồ đến! Tiếng vỗ tay cứ gần lại rồi lại loang xa, kéo dài giây phút hồi hộp của chúng tôi.
Tâm trí tôi tập trung ở nơi Bác, con đường ven hồ nước đang hiện ra một cảnh tượng như huyền thoại. Từ vòm lá cây lấp lánh đủ màu sắc của từng chùm đèn, Bác Hồ mặc bộ bà ba lụa trắng, tay áo rộng phất phơ. Râu tóc Bác cũng bạc trắng. Phong thái ung dung của Bác thật hài hòa với quang cảnh lúc đó. Đằng sau Bác cách một quãng là các vị khách nước ngoài, tiếp sau là một đoàn người khá đông...
Ông trưởng đoàn của chúng tôi thấy Bác và đoàn khách đông quá, đang cuống lên, tìm ghế cho Bác và đoàn tùy tùng. Nhưng mọi xoay xoả đều bất lực. Hàng nhạc công chơi kèn ở rìa dàn nhạc thì có thể đứng khi hòa tấu, chứ khối đàn dây thì không thể! Còn gì là đội hình một dàn nhạc mang tính cổ điển, hàn lâm!
Mới chỉ kiếm được hơn chục chiếc ghế thì Bác đã nhanh nhẹn bước tới. Hình như việc giải quyết linh hoạt các khó khăn lớn nhỏ đã thành thói quen với Bác. Bác âu yếm mỉm cười vẫy tay chào chúng tôi, rồi ngồi xệp ngay xuống bãi cỏ phía trước dàn nhạc. Các khách nước ngoài theo sau đều nhất loạt ngồi cả xuống cỏ. Ban tổ chức thở phào, chỉ còn biết dọn đi số ghế ít ỏi vô duyên.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu chỉ huy chúng tôi trình bày một ca khúc về Bác thay lời chào mừng. Lần đầu chúng tôi được hòa tấu trong khối âm lượng lớn của 800 ca sĩ với dàn nhạc đầy đủ mọi nhạc cụ, nhưng hình như vẫn nghe được cả tiếng tim đập trong lồng ngực mỗi người...
Âm hưởng bài hợp ca chưa dứt thì Bác đã đứng lên, tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chờ nghe tiếng nói hồn hậu của Bác mà hầu hết chỉ được nghe qua loa truyền thanh. Nhưng không! Bác không nói chuyện với chúng tôi, mà đến gần bục chỉ huy rồi bước hẳn lên bục. Cái bục gỗ thô sơ ấy mà chưa bao giờ chúng tôi dám bước lên, bởi đấy là “ngôi vị” của người chỉ huy dàn nhạc với kiến thức tài năng bậc thầy của chúng tôi.
Và trước nỗi ngạc nhiên, vui thích của mọi người, Bác ung dung cầm lấy chiếc đũa chỉ huy từ tay ông Nguyễn Hữu Hiếu. Chúng tôi càng thích thú khi thấy các vị khách nước ngoài xôn xao kinh ngạc. Nhiều vị đứng lên, rồi tất cả đứng lên để nhìn cho rõ Bác hơn.
Mọi người ngạc nhiên là phải, vì trong quá trình hoạt động của Bác, mọi người chỉ biết Bác đã trải qua rất nhiều nghề, nhưng có ai nghe nói Bác chỉ huy dàn nhạc bao giờ đâu, mà đây lại là dàn nhạc giao hưởng hiện đại với cả khối hợp xướng ngót nghìn người.
Bác thì vẫn điềm tĩnh, vui vẻ hỏi chúng tôi: “Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?”. Không biết chúng tôi đã trả lời Bác hay mượn dịp này để reo hò cho hả nỗi vui đang chộn rộn trong lồng ngực, tình cảm của đàn con trước ông bố vui tính như không còn khoảng cách.
Và chúng tôi đã đàn và hát bài Kết đoàn dưới sự chỉ huy của Bác. Chưa có ai viết bè phối cho dàn giao hưởng về bài hát quần chúng này. Thì cứ đồng ca, đồng tấu... như niềm vui chẳng có gì so nổi!
Bác đứng trên bục cao, chúng tôi ngồi dưới nhìn lên. Hình Bác lồng lộng in lên nền lá cây rực rỡ những chùm đèn. Tay áo lụa của Bác vung vào khoảng ánh sáng đó, hay chính từ Bác đã phát ra vầng sáng đó...
Chúng tôi đang sống trong niềm vui nồng nhiệt được Bác Hồ bắt nhịp thì Bác đã vẫy ông Nguyễn Hữu Hiếu lại gần, trao lại đũa chỉ huy cho ông và đi vào cái vầng sáng mà từ đấy, Bác đã đi ra... Như nhiều cuộc tiếp xúc khác, bao giờ Bác Hồ cũng có cách rút lui gọn nhẹ, bất ngờ...
Vân Long