Hà Nội

Bác Hồ, người thầy của chúng ta

19-05-2019 08:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nói đến sự nghiệp thân thế của Bác Hồ chắc không ai có thể hiểu hết được vì mỗi người sống gần Bác cũng chỉ biết từng giai đoạn trong đời hoạt động cách mạng của Bác và Bác thì cũng ít khi nhắc đến đời hoạt động của bản thân mình.

Đức tính cao quý nhất của Bác là khiêm tốn và học hỏi không mỏi mệt. Bác luôn luôn trọng ý kiến quần chúng và tìm hiểu để học hỏi trong quần chúng. Luôn luôn tìm cái mới để học, để rút kinh nghiệm - đó là tác phong của Bác. Vì mọi vấn đề Bác nói đến rất đơn giản mà vẫn vô cùng thấm thía... Về kết hợp Đông - Tây y là vấn đề rất lớn trong ngành y tế Việt Nam, chẳng hạn Bác nói: Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Bác thật là người thầy dạy chúng tôi phải học hỏi quần chúng, người thầy về cách ăn nói giản dị và sâu sắc. Bác đã đi xa nước từ tuổi thanh niên (18 tuổi), Bác đã bôn ba bốn biển - nhưng cách ăn nói nôm na của Bác, sức nhớ của Bác về các câu ca dao, tục ngữ của dân tộc làm cho mọi người có cảm tưởng Bác không bao giờ sống ngoài hoàn cảnh của đồng bào lao động trong nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969).

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969).

Tinh thần kiên cường cách mạng của Bác là cả một tinh thần kiên cường cách mạng của một dân tộc đã có một lịch sử vẻ vang từ mấy ngàn năm. Năm 1947, để chuẩn bị cho cuộc tấn công Việt Bắc, thực dân Pháp có phái giáo sư Pôn-Muýt lên Thái Nguyên gặp Bác để trao một tối hậu thư. Bác đọc xong liền đứng dậy nói thẳng với Pôn-Muýt: “Ông là người nghiên cứu sử học Việt Nam. Ông đã biết lịch sử Trần Hưng Đạo chống ngoại xâm. Ông đã thấy dân tộc Việt Nam đầu hàng ai chưa? Chính phủ của ông muốn xây dựng một Liên hiệp Pháp gồm các dân tộc bình đẳng. Ông về nói với chính phủ ông rằng trong Liên hiệp Pháp ấy không thể có chỗ cho những người hèn, nhát được”. Câu trả lời của Bác cách đây 18 năm không khác gì câu trả lời ngày nay của Bác đáp lại bài diễn văn giả nhân giả nghĩa giả hòa bình của Giôn-sơn - Tổng thống Mỹ kêu gọi chúng ta đầu hàng: “Chúng ta yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta quyết đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta” (Bài phát biểu của Hồ Chủ tịch ở Quốc hội Việt Nam tháng 4/1965).

Bác yêu mến và vì dân tộc đã hy sinh cả một đời nhưng không vì thế mà Bác lại có một tinh thần hẹp hòi dân tộc. Đời Bác đã hoạt động không mỏi mệt cho sự đoàn kết quốc tế, cho chủ nghĩa vô sản quốc tế. Bác là người tượng trưng cho một tình cảm quốc tế sâu sắc, phấn khởi với mọi thắng lợi của tình hình quốc tế, lo lắng với mọi chia rẽ của phong trào quốc tế. Bác thương yêu các đồng chí cộng sản các nước như là đồng chí của mình, lo lắng đến đời sống, vận mệnh của anh em lúc khó khăn. Cuối 1945, một hôm, Bác nhận được một lá thư dài viết bằng tiếng Nga và tiếng Anh của một đồng chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm trong bộ đội Lư Hán. Đồng chí bị mật vụ Tưởng Giới Thạch đang tầm nã và bị lộ. Trong thư, đồng chí cầu cứu Bác. Bác đọc xong thư, nghiên cứu, nghĩ một hồi rồi nói với chúng tôi: “Thư này có thể là một thư cầu cứu thật của một đồng chí đang bị hoạn nạn nhưng cũng có thể là một thư khiêu khích của bọn Tưởng đang tìm cách để lật đổ chính quyền ta”. Tôi giao cho các chú giải quyết. Nếu thật quả là một đồng chí đang cầu cứu mà ta cứu không được thì nhất định chúng ta có tội vì chúng ta để địch bắt một đồng chí và để lộ những cơ sở của Đảng Trung Quốc” (chúng tôi đã tìm cách cứu được đồng chí và đưa đồng chí về Trung Quốc).

Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn Nghệ An (1961).

Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn Nghệ An (1961).

Bác đã hy sinh tất cả cho cách mạng và đời sống của Bác cũng không bao giờ thay đổi, lúc còn là một chiến sĩ cách mạng cũng như lúc làm Chủ tịch một nước - giản dị cần cù, gần sát anh em làm việc. Cũng cuối 1945, một nhà báo nước ngoài ở Sài Gòn đã biết đời hoạt động của Bác, khi được tin Bác làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền ra phỏng vấn Bác: “Thưa Chủ tịch, Chủ tịch là một nhà hoạt động cách mạng lâu đời khi vào tù ra khám. Nay làm Chủ tịch một nước, không biết Chủ tịch có thấy gì thay đổi trong đời mình không”, Bác liền mỉm cười và trả lời ngay: “Không, không có gì thay đổi cả. Lúc hoạt động cách mạng có lần tôi bị tù ở Quảng Tây mỗi ngày 2 người lính súng sát tôi, dẫn tôi ra ngoài sân 5 phút để đi dạo. Ngày nay, làm Chủ tịch một nước đi đâu cũng có hai đồng chí bảo vệ mang súng lục đi theo. Ông thấy có gì thay đổi trong đời tôi đâu”. Câu trả lời hài hước của Bác nói lên sự hy sinh lớn lao của Bác không còn biết gì đến đời tư riêng của mình nữa.

Cuộc sống của Bác, lời phát biểu của Bác, cách đặt mọi vấn đề của Bác, tính kiên cường cách mạng của Bác, tình cảm quốc tế của Bác, bao nhiêu sự cần học trong đời của Bác. Bên cạnh Bác, chúng ta đều là học trò nhỏ, rất nhỏ vì công việc chúng ta làm chưa thấm gì đối với những việc lớn lao Bác đã làm. Bác là ông thầy về chủ nghĩa Mác - Lê nin, ông thầy về lập trường kiên cường cách mạng, ông thầy về tác phong đạo đức cách mạng. Bác là ông thầy toàn diện. Chúng ta khó tưởng tượng trong 20 năm qua, cuộc đời của dân tộc ta, của chúng ta không có Bác. Bác là ông thầy đã động viên, lôi cuốn mọi người đi vào cuộc đấu tranh thần thánh để giải phóng đất nước, xây dựng Xã hội chủ nghĩa miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Công ơn của Bác đối với đất nước ta, đối với mỗi con người ta to hơn biển, cao hơn núi. Miền Bắc đã được Bác đi thăm nhiều nơi, luôn luôn nghe Bác nói. Miền Nam từ 20 năm nay đều hướng về Cụ Hồ kính yêu và đang kiên cường đấu tranh để gặp được Bác, đề rờ được Bác tận tay, ngó được Bác tận mắt.

TRẦN GIỮU (sưu tầm và giới thiệu - Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)


BS. PHẠM NGỌC THẠCH (Cố Bộ trưởng Bộ Y tế)
Ý kiến của bạn