Hà Nội

Bác Hồ - người đưa ra phương châm kết hợp Đông - Tây y ở nước ta

28-08-2019 07:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi gặp bác Đặng Văn Cáp - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam để nghe những chuyện kể về Bác Hồ. Bác Cáp từ tốn: “Lần đầu tiên tôi gặp Cụ Hồ vào năm 1928 ở U Đom, Thái Lan”.

Cụ là phái viên của Quốc tế Cộng sản, lo hợp nhất 3 đảng của nước ta. Cụ đến Thái Lan với danh nghĩa công khai là thợ ảnh. Để giữ bí mật cho Bác, những người yêu nước đặt cho Cụ bí danh là Thầu Chín. Theo nghĩa tiếng Thái thì Thầu được hiểu là ông hay ngài với vẻ tôn trọng, kính nể, còn Chín là chín chắn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng lần thứ III. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng lần thứ III. (Ảnh tư liệu)

Bác Cáp là thầy lang nổi tiếng khắp vùng, chuyên kê đơn bốc thuốc Đông y. Để che mắt địch, Bác Hồ nhận làm đệ tử của bác Cáp. Vốn thạo chữ Nho và được học hỏi ít nhiều khi cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác) kê đơn bốc thuốc nên Bác Hồ tiếp thu rất nhanh. Một hôm, một người dân địa phương có con bị ốm sang nhờ thầy lang, đúng lúc bác Cáp không có nhà. Để cứu con thoát hiểm nguy, bà mẹ trẻ vừa khóc, vừa sụp xuống lạy cầu xin học trò của thầy lang cứu con mình. Vào tình thế không thể từ chối, Bác Hồ buộc lòng phải bắt mạch, kê đơn. Chưa thật yên tâm với việc mình làm, Bác đã ghi lại đơn thuốc để thầy Cáp xem lại. Bác Cáp gật gù tán thưởng: “Nếu tôi ở nhà tôi cũng kê đơn như thế này”. Sau gần 1 năm trước phút chia tay, Bác Hồ tâm sự với bác Cáp: “Tây y dùng ống nghe, thử máu và có nhiều loại thuốc quý, chữa bệnh tốt, chú (gọi theo tuổi) nên học thêm Tây y”.

Bác Cáp thường không nghe ý kiến của học trò, bác Cáp thổ lộ: “Thời đó, các thầy lang chúng tôi bảo thủ có vẻ gàn gàn. Tôi nói về những cái hay của Đông y chê bai tới mức bài bác Tây y”. Bác cười xòa và nói: “Tôi gợi ý để chú tham khảo thôi”.

Năm 1943, bác Cáp sang Trung Quốc để làm liên lạc kiêm phiên dịch và là bí thư riêng cho Bác. Khi Bác Hồ về nước sống ở hang Pắc Bó, bác Đặng Văn Cáp cũng về theo. Cách mạng Tháng 8 thành công, bác Đặng Văn Cáp được điều động về Phủ Chủ tịch chuyên lo những giấy tờ, tiếp các vị khách có liên quan tới Trung Quốc và làm nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ cho Chủ tịch nước.

Khi Bác Hồ bị ốm, bác Cáp lo quá. Khám bệnh xong, Bác gợi ý: “Chú trao đổi với chú Trần Duy Hưng, chọn cách điều trị tốt nhất cho Bác”.

Vài ngày sau, Bác Hồ khỏi bệnh. Trước mặt thầy lang và bác sĩ, Bác Hồ kể lại chuyện xảy ra năm 1928, nhẹ nhàng hỏi Đặng Văn Cáp:

- Tại sao chú không phản đối chú Hưng khi bác sĩ tiêm cho Bác?

Bác Cáp lúng túng nhớ lại rành rẽ thái độ và trả lời phản đối quyết liệt của mình ở Thái Lan trước đây và thành thật xin lỗi Bác.

Tôi là người ngoại đạo không biết gì về y học đã may mắn nghe được câu chuyện lý thú trên đây. Xin kể lại để góp một tư liệu quý mà nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đặng Văn Cáp khẳng định: “Bác Hồ là người đưa ra phương châm kết hợp Đông - Tây y ở nước ta”.

(Theo Báo Cựu Chiến binh Việt Nam 21/7/2010)

TRẦN  GIỮU sưu tầm và giới thiệu


Đại tá NGUYỄN TRẦN THIẾT
Ý kiến của bạn