Hà Nội

Bắc Giang: Nhiều hạn chế trong việc quản lý, khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

04-10-2022 08:53 | Xã hội
google news

Thông tin từ tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 29/9 bà Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang chủ trì phiên họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ tháng 9/2022 để giải trình về công tác quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.

Bắc Giang: Nhiều hạn chế trong việc quản lý, khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang thường kỳ tháng 9/2022 về công tác quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Theo đó, cùng tham gia dự phiên họp gồm ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nghiêm Xuân Hưởng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Thế Toản- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm qua tỉnh luôn quan tâm xây dựng các công trình cấp nước sạch đến người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao và khu vực còn nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần nâng cao tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, ngoài Công ty Cổ phần nước sạch Bắc Giang và Nhà máy nước sạch DNP, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 442 tỉ đồng và 04 công trình do doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn hơn 487 tỉ đồng. Năm 2021, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh Bắc Giang đạt 99,72%, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 54,81%.

Cũng tại phiên họp, các thành viên HĐND tỉnh Bắc Giang đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý khai thác, kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt và yêu cầu các thành viên UBND tỉnh giải trình làm rõ các vấn đề liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý. Qua giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, chỉ có 42/133 công trình hoạt động đạt trên 50% công suất, 29 công trình hoạt động đạt 30 - 49% công suất. Có 72 công trình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu ở một số công trình khai thác nước sông còn nhiều bất cập. Việc thực hiện phê duyệt giá nước sinh hoạt của các công trình cấp nước sạch chưa đạt hiệu quả cao. Một số công trình được đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí. Số công trình mới được sửa chữa nhưng không hoạt động, đơn cử: Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã Đồng Hưu - Đồng Kỳ - Yên Thế; công trình nước sạch bản Chay và bản Đình, xã Canh Nậu (Yên Thế),…

Bắc Giang: Nhiều hạn chế trong việc quản lý, khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung - Ảnh 2.

Người dân huyện Lục Nam sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Liên quan đến vấn đề tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch chưa cao, tại cuộc họp Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 43/79 xã người dân đang được sử dụng nước từ công trình nước sạch tập trung. Các xã còn lại chưa được cấp nước, Sở đã đề xuất rất rõ trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có đề xuất xây mới 24 công trình cấp nước sạch, cải tạo nâng cấp, mở rộng 11 công trình và khôi phục 32 công trình ngừng hoạt động.

Để đạt được mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai việc rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo đúng Kế hoạch số 466/KH-UBND ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh Bắc Giang.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xác định rõ thời gian hoàn thành đối với các công trình. Nâng cao năng lực cấp nước nhằm mở rộng vùng phục vụ góp phần tăng tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nước sạch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch…

Vấn đề công trình cấp nước sạch giao cho các xã quản lý, không thực hiện nội dung kiểm định định kỳ chất lượng nước, một số đơn vị có thực hiện nhưng chưa đầy đủ số lượng mẫu lấy xét nghiệm. Ông Từ Quốc Hiệu - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Thực tế hiện nay, hầu hết các công trình đang hoạt động do cấp xã quản lý còn nhiều khó khan, do nguồn nước nguyên liệu không ổn định, chi phí vận hành tốn kém, số hộ gia đình sử dụng không nhiều và không thường xuyên. Do đó, đa số các công trình gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính.

Mặt khác, các công trình giao cho UBND cấp xã quản lý chủ yếu là các công trình cấp nước nhỏ lẻ nằm ở địa bàn kinh tế khó khăn, khả năng chi trả tiền nước của người dân còn hạn chế, thu không đủ bù đắp được chi nên không có kinh phí chi trả việc kiểm định chất lượng nước định kỳ".

Qua kiểm tra, trên cơ sở rà soát một số đơn vị cấp nước chưa thực hiện được đầy đủ số lượng lấy mẫu xét nghiệm, với vai trò là cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn cụ thể các đơn vị thực hiện các quy định hiện hành của Bộ Y tế, và tỉnh Bắc Giang trong việc kiểm định chất lượng nước. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc trong việc đảm bảo về tần suất và số lượng mẫu xét nghiệm định kỳ. Sở Y tế cũng sẽ tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác xét nghiệm chất lượng nước được đảm bảo theo đúng quy định.




Đồng Diệm
Ý kiến của bạn