Như đã thông tin, ngày 29/9 bà Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang chủ trì phiên họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ tháng 9/2022 để giải trình về công tác quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Thế Toản- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm qua tỉnh luôn quan tâm xây dựng các công trình cấp nước sạch đến người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao và khu vực còn nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần nâng cao tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 442 tỉ đồng và 04 công trình do doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn hơn 487 tỉ đồng. Năm 2021, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh Bắc Giang đạt 99,72%, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 54,81%.
Qua giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, có 42/133 công trình hoạt động đạt trên 50% công suất, 29 công trình hoạt động đạt 30 - 49% công suất. Có 72 công trình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu ở một số công trình khai thác nước sông còn nhiều bất cập…
Theo ông Dương Thanh Tùng- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 43/79 xã người dân đang được sử dụng nước từ công trình nước sạch tập trung. Các xã còn lại chưa được cấp nước, Sở đã đề xuất rất rõ trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có đề xuất xây mới 24 công trình cấp nước sạch, cải tạo nâng cấp, mở rộng 11 công trình và khôi phục 32 công trình ngừng hoạt động. Thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu các doanh nghiệp lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xác định rõ thời gian hoàn thành đối với các công trình. Nâng cao năng lực cấp nước nhằm mở rộng vùng phục vụ góp phần tăng tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch…
Cũng tại cuộc hợp, ông Lê Ô Pích – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho các công trình nước sạch còn hạn chế, chất lượng của nhiều công trình thấp, hoạt động kém hiệu quả. Cơ chế quản lý còn bất cập, thiếu thống nhất. Với những cơ chế, chính sách hiện hành không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình nước sạch vào khu vực miền núi, vùng cao, khu vực ít dân cư do vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả kinh tế thấp.
Do đó, để khắc phục tình trạng quản lý cấp nước sạch ở những vùng này, cần phải huy động nguồn lực của các cấp, đồng thời phải có cơ chế đặc thù, thu hút doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho Nhân dân".
Về một số công trình kém chất lượng chưa được khắc phục kịp thời, ông Pích cho rằng, nguyên nhân do khâu đánh giá thẩm định thiết kế của các cơ quan chuyên môn còn yếu. Quá trình giám sát thi công chưa chú trọng đến chất lượng. Thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà soát các công trình nước sạch. Qua đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác. Đồng thời xem xét lại các cơ chế, chính sách để tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi để đảm bảo độ bao phủ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo bà Lâm Thị Hương Thành- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, vấn đề sử dụng nước hiện nay, đang được người dân đặc biệt quan tâm, do đó việc quản lý nước sạch vệ sinh nông thôn là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Qua đánh giá cho thấy công tác quản lý cấp nước sạch vẫn còn hạn chế, hiệu quả thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý còn nhiều bất cập, trách nhiệm của chính quyền cấp xã, vấn đề quản lý chất lượng nước chưa được quan tâm đúng mức, quản lý tài chính còn yếu.
"Để nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, HĐND tỉnh đề nghị UBND sớm có giải pháp để xử lý những bất cập, tồn tại. Trong đó, nghiên cứu kỹ cơ chế về quản lý cấp nước sạch cho các doanh nghiệp. Chỉ đạo rà soát phê duyệt lại giá nước, dựa trên cơ sở phê duyệt giá nước sạch theo vùng, đảm bảo giá ban hành cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người dân chi trả hợp lý. Rà soát lại giá bán nước sạch, điều chỉnh theo từng vùng, khu vực cho phù hợp với thực tế. Gắn với đó là kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, quản lý, vận hành các công trình cấp nước" – bà Thành phát biểu tại hội nghị.
Qua đó, chấn chỉnh hoạt động quản lý chất lượng nước, bảo đảm cung cấp nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho người dân. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, đơn vị. Đồng thời, tăng cường phối hợp, đề cao phân cấp, phân công rõ nhiệm vụ, đặc biệt là với các Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc tỉnh.