Bác đã dạy tôi tình yêu nhân dân, yêu đất nước

24-07-2019 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - BS. Vũ Đình Tụng (1895 - 1973) quê ở Trịnh Xuyên, Vụ Bản, Nam Định; tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương năm 1917, bác sĩ Y khoa năm 1937, làm việc tại Bệnh viện Phủ Doãn. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, BS. Tụng được Bác Hồ giao nhiệm vụ Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ.

BS. Vũ Đình Tụng.

BS. Vũ Đình Tụng.

...Khi ở Bạch Mai, một sự việc đã đến với gia đình tôi, cho mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn không sao quên được. Tôi còn nhớ, ngày hôm ấy, tôi làm việc suốt từ sáng cho đến tối. Khoảng hơn 8 giờ tối thì một người ở trên nhà xuống cho biết tin cháu Vũ Công Thành - con trai út của tôi bị thương. Cháu Thành năm ấy mới 17 tuổi, chiến sĩ tự vệ khu phố Trần Xuân Soạn, cháu cùng với anh em tự vệ khu phố đi bắt thằng quan hai ở cuối phố và bị nó bắn. Được người nhà báo tin như vậy, tôi chưa hiểu vết thương của cháu ra sao. Một lúc sau, gia đình và anh em tự vệ mang cháu vào bệnh viện cấp cứu. Cháu Thành bị đạn xuyên từ đằng sau qua đằng trước, bụng bị phá vỡ lòi cả ruột. Tôi làm thầy thuốc trên 40 năm, đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau thương của nhiều gia đình nhưng đây là một trường hợp hết sức đặc biệt: chính người bị thương lại là đứa con của mình. Nhìn khuôn mặt trẻ hồn nhiên của con tôi bị mất máu nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, tôi không ngăn được nỗi xúc động đột ngột, có cái gì đau nhói trong lòng tôi. Anh chị em ở bệnh viện thấy tôi làm việc suốt ngày quá mệt lại bị xúc động mạnh nên khuyên tôi nghỉ tay để người khác mổ thay. Tôi đã từ chối, tôi muốn chính bàn tay của mình - bàn tay của người cha đã dìu dắt con từng bước đi ban đầu của nó - mổ xẻ gắp ra những viên đạn mà quân thù bắn vào nó. Khi tôi gắp mảnh đạn cuối cùng trong người cháu cũng là lúc tôi gần như lả đi vì mệt, vì xúc động, tôi lảo đảo đi về phòng để BS. Thắng làm tiếp phần cuối ca mổ. Mấy hôm sau thì cháu Thành hy sinh vì vết thương quá nặng. Kẻ thù đã gây thêm cho gia đình tôi một sự tổn thất rất lớn. Trước đây, tôi có một người con là chiến sĩ tự vệ cũng bị hy sinh trước ngày Tổng khởi nghĩa...

Tôi làm việc ở Bạch Mai cho đến sau đêm Nô-en mới “ra ngoài”, lúc ấy, Bệnh viện Bạch Mai bị bom đạn của giặc tàn phá. Anh em chúng tôi theo chỉ thị của trên rút ra nhà Cửu Nghi (Văn Điển) để bảo toàn lực lượng và phục vụ kháng chiến. Vào một buổi chiều trời rất rét, mưa bụi bay như một màn sương dày đặc, tôi vừa mổ xong một ca thì BS. Trần Duy Hưng - lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ - xuống thăm. Bác sĩ trân trọng trao cho tôi một lá thư. Tôi đọc dòng chữ đề ngoài phong bì đã nhận ra chữ của Bác Hồ. Tưởng đây lại là một nhiệm vụ gì Bác giao phó cho tôi. Khi đọc xong thư, tôi không ngờ rằng đây là một lá thư riêng của Bác chia buồn với gia đình tôi. Cho mãi đến nay, mặc dầu thời gian đã lâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ từng lời từng chữ của Bác. Thời gian này, Bác vẫn gọi tôi là “Ngài”.

Thưa Ngài,

Tôi được báo cáo rằng: con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi: Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Những cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Những thanh niên đó là Anh hùng dân tộc, Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng!

Tháng Giêng năm 1947

HỒ CHÍ MINH

Đọc xong lá thư của Bác, tôi rất bồi hồi. Trong hoàn cảnh kháng chiến, ngay cả bà con họ hàng thân thích của tôi biết tin cháu Thành hy sinh cũng không ai có điều kiện thăm hỏi hay viết thư chia buồn. Trong tình hình như vậy, Bác bận lo việc nước, thế mà Người vẫn chú ý đến cái tang của gia đình tôi, đã gửi cho tôi những lời chia buồn và động viên như vậy.

Vài hôm sau, nhà tôi từ một vùng tản cư ở ngoại thành đến thăm. Tôi đã đưa cho nhà tôi đọc lá thư này. Hai chúng tôi rất xúc động, sự săn sóc của Bác đã động viên chúng tôi rất lớn, sự việc đó đánh dấu bước quyết định của tôi đi theo Cách mạng. Bác đã cho tôi một tình cảm lớn: Cháu Thành hy sinh, đó là một viên gạch xây dựng cho Cách mạng. Suốt trong những năm kháng chiến, mỗi khi nhớ đến bức thư của Bác, tất cả những trở ngại khó khăn tôi đều vượt qua.

...

Một hôm, tôi đang làm việc ở dưới xã, đồng chí Chủ tịch Yên Bái cho liên lạc trao cho tôi một công văn khẩn. Trong công văn, Bác triệu tập tôi về Sơn Dương nhận nhiệm vụ mới. Về đến Sơn Dương, tôi hay tin mình được mời về tham gia Chính phủ. Trong cuộc họp, tôi được tín nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương binh. Sự kiện này đến với tôi cũng rất đột ngột. Trách nhiệm nặng nề trên đây cũng là một niềm vinh dự rất lớn đối với tôi, nhưng cũng làm tôi lo lắng. Ngay trong cuộc họp, tôi không dám có ý kiến gì nhưng mấy ngày hôm sau tôi có trình bày với Bác Tôn:

- Tôi chỉ quen làm chuyên môn, nay Cách mạng trao cho tôi làm Bộ trưởng sợ không làm tròn trách nhiệm. Sau khi nghe tôi nói như vậy, Bác Tôn cười, bảo:

- Anh cứ làm đi, bây giờ chưa quen sau rồi sẽ quen không có gì đáng ngại.

Trong những năm kháng chiến, một vài tháng Hội đồng Chính phủ lại họp một lần. Mỗi lần họp tôi lại được gặp Bác Hồ, sống gần Bác. Mỗi lần gặp Bác thì cuộc đời tôi như xích lại gần Cách mạng hơn. Có lần Bác ăn cơm với chúng tôi, cũng 5 người/mâm như hầu hết các cơ quan trong kháng chiến của ta lúc bấy giờ. Nhiều lần Bác kéo tôi vào ăn cùng mâm. Trong những bữa ăn như vậy, Bác nói chuyện vui với chúng tôi. Có một lần vào mùa đông, thấy tôi mặc chiếc áo dạ màu cỏ úa của bọn lính Tây mà anh em trong cơ quan đã mua cho tôi, Bác nhìn tôi, Bác cười và nói đùa:

- Ông Bộ trưởng mà ăn mặc xuềnh xoàng như vậy thôi à!

Tôi cũng cười nói với Bác:

- Thưa Bác thế này cũng tươm lắm rồi ạ!

Mặc dầu đây chỉ là một chuyện vui, nhưng chính là Bác quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Trong những lúc nghỉ và giải trí, tôi và anh Phan Anh là hai người hay được Bác bảo lên góp vui. Anh Phan Anh có tài lẩy Kiều, còn tôi chuyên đóng kịch cương. Có những hôm chúng tôi đóng kịch và lẩy Kiều làm Bác cười vui thoải mái. Bác rất gần gũi với chúng tôi như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với các vị trong Ban thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ về Chiến dịch Biên giới 1947. (Từ phải, thứ hai: Bộ trưởng Bộ Thương binh - BS. Vũ Đình Tụng).      Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với các vị trong Ban thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ về Chiến dịch Biên giới 1947. (Từ phải, thứ hai: Bộ trưởng Bộ Thương binh - BS. Vũ Đình Tụng). Ảnh tư liệu

Những năm đầu kháng chiến, tôi còn nhớ một lần cho đến giờ vẫn không quên vì nó gây cho tôi nhiều suy nghĩ: Trước ngày 27/7 - ngày Thương binh - Liệt sĩ; hôm đó, tôi đang chuẩn bị cho ngày kỷ niệm thì đồng chí chánh văn phòng của bộ chuyển cho tôi một lá thư và quà của Bác tặng anh chị em thương bệnh binh. Bức thư và món quà đó là nguồn động viên đối với anh chị em thương bệnh binh. Tôi còn cảm thấy như Bác nhắc nhở tôi đem hết tâm trí ra phục vụ kháng chiến. Từ năm ấy trở đi, năm nào đến ngày 27/7 Bác cũng viết thư và gửi quà cho tôi để chuyển cho anh chị em thương binh. Ngoài ra, lâu lâu các đoàn thể nhân dân hay ở nước ngoài gửi quà tặng Bác, bao giờ Bác cũng chuyển những quà ấy cho tôi để tặng lại anh chị em thương bệnh binh. Trong những năm kháng chiến, mặc dầu tuổi đã cao, sinh hoạt đi lại rất khó khăn vất vả nhưng hình ảnh Bác như vẫn theo dõi, động viên tôi. Tôi vẫn cố gắng đi thăm tất cả những tỉnh có anh chị em thương binh. Hầu hết các chiến dịch tôi đều có mặt, tôi vẫn tham gia mổ xẻ giúp đỡ anh chị em bác sĩ ở cơ sở. Trong Chiến dịch Điện Biên, tôi và GS. Tôn Thất Tùng đã làm việc ngày đêm để cấp cứu thương binh ngay ở mặt trận hàng tháng trời.

Hoà bình lập lại, Chính phủ về Thủ đô, Hội đồng Chính phủ họp, lần đầu tiên Bác đã nhắc đến công tác thương bệnh binh trong tình hình mới.

Vào tháng 6/1957, có ông Bộ trưởng Bộ Y tế nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc sang thăm hữu nghị nước ta. Bác gọi tôi lên và trao cho tôi phụ trách một đoàn cán bộ sang thăm Tiệp Khắc, Bác căn dặn tôi:

- Sang Tiệp chú ý cần đến thăm các trường học nghề của thương binh để về tổ chức dạy nghề cho anh em thương binh của ta. Chuyến đi đó tôi sang Tiệp rồi lại sang Đức. Tôi đã học tập được một số kinh nghiệm về tổ chức và mời một số chuyên gia nước bạn sang giúp ta xây dựng một xưởng làm chân tay giả và dạy nghề. Lúc về Mạc Tư Khoa, tôi được mời ở lại dự kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với Bác và một số vị lãnh đạo của ta. Cũng trong thời gian này, tôi được vinh dự sống gần Bác hơn 1 tháng.

Gần 30 năm theo Cách mạng, đến nay, nghĩ lại, tôi thấy mình đã lớn lên và thay đổi rất nhiều. Bác là người đã cảm hoá tôi, Bác đã dạy tôi tình yêu nhân dân, yêu đất nước, Bác đã giúp tôi thấy con đường đi đến với Cách mạng, đã chắp cánh cho người trí thức chúng tôi.

Trích từ sách: Suốt đời ơn Bác

Nhà xuất bản Y học 1973

TRẦN GIỮU (sưu tầm và giới thiệu)


BS. VŨ ĐÌNH TỤNG (Bộ trưởng Bộ Thương binh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)
Ý kiến của bạn