Theo một nghiên cứu được thực hiện với dữ liệu vệ tinh của một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Na Uy và Phần Lan và được công bố ngày 11/8 trên tạp chí khoa học Communications Earth & Environment of the Nature, trong vòng 40 năm qua Bắc Cực đã ấm lên nhanh hơn gần 4 lần so với phần còn lại của hành tinh.
Các số liệu đã điều chỉnh tăng đáng kể liên quan đến tốc độ ấm lên của khu vực xung quanh Bắc Cực, cho đến nay được ước tính là nhanh hơn 2-3 lần so với phần còn lại của địa cầu.
Năm 2019, Ủy ban chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) ước tính rằng Bắc Cực đang ấm lên "hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu". Hiện tượng này, được gọi là "khuếch đại Bắc Cực", xảy ra khi băng và tuyết trên biển, phản xạ tự nhiên sức nóng của mặt trời, tan chảy thành nước biển hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời hơn và nóng lên.
Kể từ năm 1979, Bắc Cực đã ấm lên trung bình 0,75°C mỗi thập kỷ. (Ảnh: AFP)
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã phân tích 4 bộ dữ liệu nhiệt độ được thu thập trên toàn bộ Vòng Bắc Cực bởi các vệ tinh kể từ năm 1979. Họ kết luận rằng Bắc Cực đã ấm lên trung bình 0,75°C mỗi thập kỷ, nhanh hơn gần 4 lần so với phần còn lại của trái đất.
Tính từ thời kỳ tiền công nghiệp, hành tinh đã tăng gần 1,2°C, do khí nhà kính được tạo ra chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Phần Lan và Na Uy đã tìm thấy những biến thể cục bộ lớn về tốc độ ấm lên trong Vòng Bắc Cực. Do đó, khu vực Á-Âu của Bắc Băng Dương, gần quần đảo Svalbard của Na Uy và quần đảo Novaya Zemlya của Nga, đã ấm lên 1,25°C mỗi thập kỷ, tức là nhanh hơn khoảng 7 lần so với phần còn lại của thế giới.
Hậu quả toàn cầu
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các mô hình khí hậu tiên tiến nhất dự đoán sự ấm lên của Bắc Cực ít hơn khoảng 1/3 so với dữ liệu của họ. Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt này có thể được giải thích bởi sự lỗi thời của các mô hình khí hậu Bắc Cực trước đây, vốn không ngừng được cải thiện.
Sự ấm lên dữ dội của Bắc Cực, ngoài tác động nghiêm trọng đến cư dân và hệ động vật địa phương, cũng sẽ gây ra những tác động toàn cầu.
"Biến đổi khí hậu là do con người tạo ra và khi Bắc Cực ấm lên, các dòng song bang sẽ tan chảy, điều này sẽ ảnh hưởng đến mực nước biển toàn cầu", Antti Lipponen, một thành viên của Viện Khí tượng Phần Lan và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Xem thêm video đang được quan tâm
So sánh ô tô ngập trong trận lũ lịch sử phiên bản Việt Nam và Hàn Quốc