Bắc Bộ có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng ngập lụt

02-10-2024 12:27 | Xã hội
google news

Trong khi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đang chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và khắc phục thiệt hại nặng nề do tác động của bão số 3 và không khí lạnh, thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước sông Cửu Long đang lên và dự báo trong những ngày tới có thể gây ngập ở một số vùng trũng...

Bắc Bộ có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng ngập lụt- Ảnh 1.

Sau bão số 3, nhiều điểm sạt lở xuất hiện tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều, mực nước cao nhất ngày 1/10 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,25m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,96m.

Cảnh báo, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 4 - 6/10, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc dao động ở mức báo động 1, sau đó biến đổi chậm; nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 1.

Lũ trên các sông có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia phòng chống thiên tai, để phòng chống lũ, các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung vào hướng kiểm soát lũ, sử dụng hợp lý tài nguyên đất, rừng và các điều kiện tự nhiên trong vùng.

Cùng với đó, xây dựng cụm tuyến dân cư, cơ sở hạ tầng vượt lũ, tăng cường khả năng thoát lũ của hệ thống kênh rạch, thực hiện các chương trình xây dựng đê biển, đê cửa sông, đê bao, bờ bao, các hồ điều hòa, các công trình ngăn mặn giữ ngọt; chủ động khai thác mặt lợi của lũ, nghiên cứu đầu tư sử dụng tài nguyên môi trường nước nổi, tận dụng phù sa, thau chua, rửa mặn, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, giao thông thủy, du lịch sinh thái, các hoạt động văn hóa thể thao đặc thù cho mùa nước nổi và vùng thường xuyên ngập.

Các địa phương và cơ quan chuyên môn cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khả năng đối phó với thiên tai của mỗi người dân và cộng đồng. Cùng với đó, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng nhân dân địa phương; hoàn thiện các chính sách, chế độ khuyến khích người dân tham gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai bão, lũ, hạn hán, dông, lốc.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong lưu vực sông Mê Kông nhằm kiểm soát lũ, khai thác hợp lý tài nguyên nước.


Theo TTXVN/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn