Babesia: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

18-10-2024 06:14 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh Babesia là bệnh nhiễm trùng khởi phát do một loài ký sinh trùng rất nhỏ có tên Babesia. Bệnh có khả năng lây truyền sang người qua vết cắn của một số loài bọ ve và gây ra các triệu chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây bệnh Babesia

Bệnh Babesia là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp do một loài ký sinh trùng rất nhỏ có tên Babesia gây ra. Bệnh lây truyền sang người thông qua vết cắn của một số loài bọ ve. Trong bệnh babesia, ký sinh trùng sẽ xâm nhập và ký sinh ở trong hồng cầu của người bệnh.

Bệnh Babesia thường là do bị bọ ve hươu cắn. Vật chủ tự nhiên của B. microti là những loài động vật hoang dã và gia súc, nhất là chuột chân trắng và hươu đuôi trắng. Cùng với việc mở rộng vùng sinh sống của hươu, tỷ lệ nhiễm bệnh Babesia ở người cũng có xu hướng tăng lên.

Con người bị nhiễm bệnh Babesia chủ yếu là do bị loài ve Ixode dammini cắn. Tuy nhiên trường hợp lây nhiễm bệnh này do bị truyền phải máu có chứa mầm bệnh cũng đã xuất hiện.

2. Dấu hiệu bệnh Babesia

Đa phần những người mắc bệnh gây ra bởi loại ký sinh trùng Babesia chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện nào. Tuy nhiên cũng có những trường hợp biểu hiện ra những dấu hiệu đặc trưng, dễ nhận biết.

Với những người có biểu hiện bệnh Babesia rõ ràng, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển từ nhẹ tới nặng và có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần.

Giai đoạn ủ bệnh kéo dài 1- 4 tuần, bệnh nhân thường không nhớ là mình đã từng bị ve đốt hay không.

Babesia: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Bệnh Babesia là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp do một loài ký sinh trùng rất nhỏ có tên Babesia gây ra.

Các triệu chứng nhiễm trùng do Babesia bao gồm: Sốt thất thường, ớn lạnh hoặc rét run, đau đầu, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn. Người bệnh cũng có các biểu hiện khác như: đau bụng, mệt mỏi, đau nhức cơ và các khớp, nước tiểu sẫm màu.

Tình trạng thiếu máu do tan máu: nguyên nhân là do ký sinh trùng B. microti xâm nhập tế bào hồng cầu và nhân lên, điều này đã dẫn đến tình trạng vỡ hồng cầu và khởi đầu quá trình nhiễm các hồng cầu khác.

Trường hợp nặng, người bệnh Babesia có thể thấy có các dấu hiệu vàng da và gan to, lách to.

3. Bệnh Babesia có lây không?

Bệnh Babesia là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp do một loài ký sinh trùng rất nhỏ có tên Babesia gây ra. Bệnh lây truyền sang người thông qua vết cắn của một số loài bọ ve. Trong bệnh babesia, ký sinh trùng sẽ xâm nhập và ký sinh ở trong hồng cầu của người bệnh. Do đó, người mắc bệnh sẽ có các biểu hiện là sốt, tan máu và đái ra huyết cầu tố.

4. Cách phòng bệnh Babesia

Để phòng ngừa bệnh Babesia và các loại bệnh khác lây truyền qua bọ ve, cách bảo vệ tốt nhất là tránh tiếp xúc với loài bọ này. Khi làm việc hay vui chơi ngoài trời trong các khu vực có thể có bọ ve (nhất là những vùng có cỏ cao, cỏ dại, rừng rậm rạp, nhiều lá cây) nên:

  • Mặc quần áo sáng màu (để dễ dàng phát hiện bọ chét), quần dài và áo dài tay. Tạo ra một "rào cản bọ chét" bằng cách nhét ống quần vào tất và nhét áo vào trong quần.
  • Nên sử dụng thuốc chống côn trùng khi đi ra ngoài. Nếu sử dụng các sản phẩm này, hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn. Sau khi trở vào nhà, rửa sạch thuốc bằng xà bông và nước ấm.
  • Kiểm tra kỹ quần áo và da (nhất là ở đùi, háng, cánh tay, dưới nách, chân và da đầu) sau khi đi vào khu vực có bọ chét. Nếu phát hiện có bọ chét, hãy dùng nhíp đầu nhọn gỡ chúng ra ngay lập tức. Khi gỡ bọ chét, dùng nhíp kẹp bọ chét càng sát da càng tốt và kéo thẳng mạnh tay. Sau khi gỡ bọ chét, hãy dùng cồn để khử trùng vùng da tổn thương. Không được ép hay nghiền bọ ve khi nó còn bám trên da.
  • Nói chuyện với bác sĩ thú y về cách phòng ngừa bọ chét tốt nhất cho thú nuôi.

Nhiễm Babesia có thể được kiểm soát nếu: đi khám càng sớm càng tốt và không tự ý uống thuốc hạ sốt ở nhà; tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện thêm triệu chứng bất thường mới.

5. Cách điều trị bệnh Babesia

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng Babesia thường tự khỏi mà không cần điều trị gì đặc hiệu, bác sĩ chủ yếu can thiệp để điều trị triệu chứng.

Ở một số bệnh nhân, nhất là những người đã phẫu thuật cắt lách thì cần điều trị Babesia bằng kháng sinh (Clindamycin, Azythromycin) kết hợp với các thuốc diệt ký sinh trùng, chẳng hạn như Quinin, Atovaquon. Trong một số trường hợp nặng, truyền máu cũng cần được thực hiện để làm giảm thấp mật độ ký sinh trùng trên bệnh nhân.

Phương pháp điều trị này cũng có hiệu quả ở một số bệnh nhân bị bệnh nặng với tỷ lệ hồng cầu nhiễm lớn hơn 10%. Trong những trường hợp đe dọa tới tính mạng, bác sĩ có thể thực hiện truyền máu trao đổi, khi đó hồng cầu nhiễm sẽ bị loại bỏ hoàn toàn và thay bằng hồng cầu tươi.

Nguy cơ mắc bệnh Babesia cao nhất xảy ra trong khoảng cuối tháng 5 đến tháng 9, đây chính là thời điểm các loài bọ ve hoạt động mạnh nhất. Bọ ve phải bám vào cơ thể vật chủ và hút máu trong thời gian từ 36 đến 48 giờ đồng hồ trước khi có thể truyền mầm bệnh sang người.

Lưu ý khi tập thể dục đối với người bệnh BabesiaLưu ý khi tập thể dục đối với người bệnh Babesia

SKĐS - Mặc dù tập thể dục mang lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể, tuy nhiên khi mắc bệnh Babesia, người bệnh nên nghỉ ngơi hoàn toàn. Khi sức khỏe hồi phục, người bệnh có thể từ từ quay trở lại chế độ tập thể dục hàng ngày…


BS. Nguyễn Đức Minh
Ý kiến của bạn