Người Việt ở Mỹ dù sướng đến mấy Tết đến cũng nhớ nhà. Không ít người vẫn thích bánh chưng, củ kiệu, giò, chả, nem cuốn và đêm 30 vẫn hương khói bàn thờ. Những gia đình Việt - Mỹ đa số thích ăn món ăn người Việt nấu. Và đó là điều khiến chúng tôi vui và tự tin hơn khi trò chuyện, giao lưu về bản sắc văn hóa với người Mỹ.
Ðể quên ba lô ở Boston
Chúng tôi đến Boston vào một tuần nóng nhất trong năm, nhiệt độ ngoài trời lên tới trên 800F, tương đương với trên 400C, mặc dù đây là khí hậu vùng vịnh mùa đông cũng nhiều tuyết rơi. Nắng và nóng tới mức tôi chỉ ở đó chưa đầy một tuần về nhà đen nhẻm, ai cũng hỏi, vừa đi biển về à?
Boston, nơi ngắm mùa thu đẹp nhất nước Mỹ. Ảnh: Internet
Boston là thủ phủ của tiểu bang Massachusetts ở Hoa Kỳ. Nó là Thủ đô không chính thức và là thành phố lớn nhất ở New England. Được thành lập năm 1630, Boston là một trong những thành phố cổ xưa nhất và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa của Mỹ. Nơi đây có bờ biển thơ mộng, bảo tàng nghệ thuật Fine Arts nổi tiếng và đội bóng chày từng đoạt chức vô địch thế giới. Khách sạn Hayatt nằm ngay bên dòng sông Chalier - là nơi chúng tôi thưởng thức vẻ đẹp của thành phố về đêm vào mỗi ngày trên sân thượng. Có người đến Mỹ háo hức với những địa danh như phố Wall, Rockefeller, Mannhatan, tượng Nữ thần Tự do ở New York dù ở đó giá phòng đơn khách sạn 3 sao cũng xấp xỉ 300 đô/phòng. Có người lại thích thăm D.C thành phố cổ kính, Thủ đô của Hoa Kỳ với các địa danh như Nhà Trắng, Nhà Quốc hội, tượng đài G. Washington DC vị Tổng thống đầu tiên, hay tượng đài A.B Lincoln - Tổng thống thứ 16, người soạn bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ của Mỹ... Nhưng cũng không ít người, nếu chỉ được chọn hoặc chỉ đủ tiền đi một nơi sẽ chọn đến Boston, thành phố êm ả thanh bình, tràn ngập người trẻ đến từ mọi nơi trên thế giới, nơi tập trung hàng trăm trường đại học với những cái tên là niềm tự hào của giáo dục Mỹ như: MIT, Harvard, Boston Uni.
Chuyến đi bằng lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ này, đoàn chúng tôi 10 người may mắn, không chỉ ghé những thành phố kể trên để trao đổi, học tập về Sở hữu trí tuệ mà còn đến được Boston, thăm thành phố và gặp gỡ một số đối tác giàu kinh nghiệm. Sau cuộc tìm hiểu những sáng tạo thương hiệu của Trường Harvard - đại học đầu tiên của Mỹ, chúng tôi lên tàu thủy chạy dọc sông Charles, thả mình với mênh mang sóng nước. Người dân ở đây coi Boston là thành phố có giao ước với Chúa trời (Đạo Puritan) và từ quan niệm đó, đạo đức Puritan đã hun đúc nên một xã hội với cấu trúc tốt, có cơ sở hết sức bền vững. Chăm chỉ làm việc, giữ đạo đức căn bản, nhấn mạnh vào giáo dục vẫn là một phần của văn hóa Boston. Nhờ thế mà Boston từng là thành phố lớn nhất, giàu có nhất và ảnh hưởng nhất đất nước này. Để chiêm ngưỡng một xã hội đạo đức được duy trì như thế nào, chúng tôi thăm Tòa thị chính. Tòa nhà không chỉ là một quần thể kiến trúc đẹp từ ngoài vào trong mà còn chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật mang dấu tích lịch sử từng thời kỳ của các đời thị trưởng. Lời thuyết minh trước những hình ảnh, tượng đài, các buổi họp nghị trường… của một hướng dẫn viên đã cho chúng tôi một hình dung lý thú về phương cách tổ chức xã hội văn minh của Boston.
Sau đó, chúng tôi đến Quảng trường Thời Đại, nơi có một nhà thờ cổ tuyệt đẹp, trước cửa nhà thờ là nơi dừng chân, nghỉ ngơi của du khách hay của mọi người dân trong vùng. Đây cũng chính là chỗ cán đích cuộc thi marathon đau đớn hồi tháng tư vừa qua. Hàng trăm đôi giày của nạn nhân, của người không phải nạn nhân nhưng yêu môn thể thao này cùng với các đồ vật khác như áo, mũ, ba lô... được bày la liệt cùng với hoa tươi, hoa của thân nhân người đã mất vì cuộc đánh bom, hoa của người bày tỏ lòng mong mỏi bình yên muôn thuở. Một người dân nói với tôi, thành phố đang có dự án xây sửa lại chỗ đổ nát làm nơi bán đồ lưu niệm. Thế giới cứ nói: người Mỹ thực dụng, cái gì cũng ngay lập tức sáng chế ra một thứ có thể kinh doanh thương mại được. Nhưng, thế nào là kinh tế tri thức? Đó chẳng phải là sáng chế, sáng chế để tạo ra một cái gì mới làm phong phú hơn cho đời sao? Những đồ lưu niệm có thể là một sản phẩm gợi ra đạo đức con người Boston mang tên Harvard, nhưng cũng có thể là một sản phẩm gợi ra một mất mát đau thương để nhắc con người đừng lặp lại như vụ đánh bom đen tối nhằm vào cuộc thi marathon của các phần tử khủng hoảng niềm tin hoặc cực đoan thiếu hiểu biết... Mải ngắm nghía, chụp ảnh, một nhà văn thành viên trong đoàn đã đặt chiếc ba lô của anh xuống ghế đá, rồi bỏ quên ở đó. Đi vòng quanh thành phố, mãi đến khi gặp bạn cũ anh mới chợt nhớ ra là mang theo kẹo dừa Bến Tre cho bạn mà giờ không thấy. Hoảng hốt, tìm đường quay lại, trong lòng băn khoăn, tiền mất hết còn dễ kiếm lại, kẹo dừa thì bạn thôi không ăn, nhưng giấy tờ tùy thân thì làm thế nào? Lạ lùng thay, sau mấy giờ trở lại, chiếc ba lô vẫn chỗ cũ, bên trong tiền bạc, giấy tờ, mọi thứ còn nguyên.
Hàng trăm đôi giày và các đồ vật khác của nạn nhân cuộc thi marathon được bày la liệt như là một sự tưởng niệm.
Phụ nữ Mỹ sống như thế nào?
Cách đây nhiều thập kỷ người ta đấu tranh để phụ nữ có việc làm và được hưởng quyền lợi xã hội ngang với đàn ông. Nhưng gần đây, các con số thống kê cho biết, cứ 100 phụ nữ Mỹ trong độ tuổi lao động lại có 26 người không đi làm. Cũng có những người muốn đi làm mà không có việc tương ứng, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện chỉ còn hơn 7% so với trên dưới 9% hồi năm 2011. Thất nghiệp ở Mỹ được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho tới khi các cơ quan an sinh xã hội tìm được công việc thích hợp cho họ. Nhưng nhiều người rất tự trọng, họ không xin hưởng loại trợ cấp đó. Thay vì ngại nuôi con như trước đây, không ít phụ nữ Mỹ giờ đây muốn sinh con và tự tay trông nom chăm sóc con như người châu Á. Trừ những trường hợp xuất sắc, có vị trí xã hội hoặc không có điều kiện lập gia đình, những người phụ nữ Mỹ cũng như toàn xã hội coi việc đàn bà sống độc thân là chuyện riêng tư đáng được tôn trọng. Không ít người Mỹ giờ đây đã vượt qua tính ích kỷ thích độc thân để trở thành người có trách nhiệm gia đình. Trong đó điều khó nhất là, nếu không có bảo hiểm y tế thì viện phí cho một kỳ sinh nở vô cùng đắt đỏ (tổng cộng một ca đẻ thường là trên chục ngàn đô).
Bên cạnh những phụ nữ tìm lại niềm vui gia đình thì cũng không ít người giỏi, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp như đàn ông. Các “ông chủ” Mỹ cũng không nề hà chuyện giới tính. Các Tổng thống không ngần ngại bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí trọng yếu trong nội các: từ vị trí Ngoại trưởng, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang cho tới Cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng An ninh Nội địa và một số vị trí trọng yếu khác nữa. Nếu trong văn phòng hay trong các cuộc họp, phụ nữ diện thời trang công sở, nhưng không diêm dúa như người Pháp, cũng không cứng nhắc như người Đức. Giao tiếp tự nhiên, nói năng hoạt bát, tự tin, có chiều sâu nội tâm, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc trong giờ lao động với một ly cà phê, hay một chén trà. Buổi trưa họ nhanh chóng xếp hàng mua đồ ăn nhanh hoặc giở cặp lồng cơm mang đi từ sáng. Người đen, người trắng, hay người nâu, vàng... không bị phân biệt ở quốc gia này. Bất kể ai dự thi tuyển để tìm việc thì số điểm sẽ quyết định vị trí làm việc trong công sở chứ không phải là màu da.
Người Mỹ ăn gì?
Một trong những nguồn cung cấp hải sản cũng như nhiều loại nông sản thực phẩm khác ở Mỹ được đến từ Việt Nam. Như tôm hay cá ba sa xuất xứ từ Việt Nam thậm chí còn áp đảo trong các tủ đông lạnh ở các siêu thị tổng hợp lớn chuyên bán buôn với giá khá rẻ ở Costco (tương tự như Metro ở ta) hay ở các siêu thị: Giant, Whole Foods.
Ngon và rẻ là một trong các nguyên nhân khiến cho hai mặt hàng này của Việt Nam được ưa chuộng nhưng hay bị kiện bán phá giá vì các nhà nuôi trồng, sản xuất của Mỹ khó lòng cạnh tranh.
Nhà văn Trần Thị Trường