Hà Nội

“Bà tổ” ngành điều dưỡng và những câu chuyện tạo nên dấu mốc lịch sử thế giới

02-11-2022 10:41 | Y học 360

Lịch sử điều dưỡng thế giới gắn liền với cuộc đời của bà Florence Nightingale, người khai sinh ra ngành điều dưỡng hiện đại. Những đóng góp của bà đã giúp nền y tế nhân loại có thêm một bước tiến mới và còn mãi giá trị cho đến ngày nay.

Cãi lời cha mẹ để làm y tá

Florence Nightingale (1820 – 1910) sinh ra trong một gia tri thức giàu có Anh. Từ nhỏ, bà cùng chị gái học tập xuất sắc và được bố mẹ kỳ vọng cao ở tương lai, nhất là về hôn nhân và địa vị trong xã hội.

Ngoài tố chất thông minh, Florence còn là người ham học hỏi, bà am hiểu rất nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp và có năng khiếu về văn chương. Trong đó niềm đam mê lớn nhất của bà chính là đọc những cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc người khác và đi thăm các bệnh viện tại London cũng như những vùng lân cận.

Ngay từ nhỏ, Florence đã thể hiện thiên tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo khổ. Đến năm 1842 chứng kiến nạn đói hoành hành, những chiến binh tử trận nơi chiến trường, Florence vô cùng thương xót những con người nhỏ bé này, bà có một khát khát cháy bỏng chính là được làm việc tại các dưỡng đường như các bà phước bên Thiên chúa giáo để chăm sóc cho người nghèo.

“Bà tổ” ngành điều dưỡng và những câu chuyện tạo nên dấu mốc lịch sử thế giới - Ảnh 1.

Chân dung Florence Nightingale.

Theo Florence, đây là công việc vô cùng ý nghĩa đối với bà nhưng lại gặp sự ngăn cản kịch liệt từ phía gia đình, vì họ cho rằng đây là công việc dơ bẩn. Đầu thế kỷ thứ 19, việc phụ nữ làm nghề chăm sóc cho bệnh nhân hay theo học ngành y là một điều sỉ nhục. Không trường y nào chịu nhận phái nữ vì cho rằng họ không thể học được, cũng không thể thích nghi với những cách làm việc trong môi trường toàn xác chết và máu me.

Tuy nhiên, Florence vẫn kiên định với con đường mình đã chọn và vượt qua sự phản kháng của gia đình để vào học và làm việc tại Bệnh viện Kaiserswerth (Đức) năm 1847. Sau đó bà học thêm ở Paris (Pháp) vào năm 1853 và trở lại London điều hành một bệnh viện.

Florence không muốn lập gia đình để toàn tâm theo đuổi các hoạt động xã hội. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại thủ đô nước Anh, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo đầy quyền uy tại các bệnh viện ở xứ sở sương mù.

“Thiên thần trong bệnh viện”

Theo yêu cầu của chính phủ Anh, Florence đến Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tranh Crimea (1854-1856) với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh tại mặt trận. Trong thời gian này, Florence đã tổ chức bệnh viện dã chiến tại mặt trận. Đây là những hoạt động đầu tiên trong việc xây dựng các bệnh viện tân tiến có sự quản lý điều trị của đội ngũ điều dưỡng.

Trong suốt cuộc chiến Crimea, bà đảm nhiệm công tác điều dưỡng, săn sóc cho các thương bệnh binh và chỉ huy 38 nữ điều dưỡng lên đường ra mặt trận. Lúc này, bệnh viện tiền phương được đặt trong một doanh trại khổng lồ và bẩn thỉu. Florence đưa ra yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng, đồng thời tìm cách xoay xở để được cung cấp các phương tiện y tế cần thiết. Chính bà là người quan tâm rất nhiều đến công tác vệ sinh vô trùng để giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn.

“Bà tổ” ngành điều dưỡng và những câu chuyện tạo nên dấu mốc lịch sử thế giới - Ảnh 2.

Với sự tận tâm của mình, Florence Nightingale đã cứu sống nhiều bệnh nhân khỏi cái chết.

Trong suốt 34 năm, bà đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ sức khỏe cho các chiến binh Anh, đồng thời ra sức cải thiện điều kiện vệ sinh ở nước này và Ấn Độ (thuộc địa Anh thời đó). Trong thời gian này, bà đã tổ chức lại hệ thống điều dưỡng một cách hiện đại.

Trong đêm tối, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã âu yếm đặt cho bà danh hiệu "Nữ công tước với cây đèn". Forence đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và cũng được mọi người gọi là "Thiên thần trong bệnh viện".

Nhưng chính cuộc chiến Crimea đã gieo cho Florence căn bệnh sốt Crimea (bệnh brucellosis truyền từ gia súc). Trong những năm 1858-1888, sức khỏe bà ngày càng suy yếu và không còn đi lại được. Tuy vậy, Forence không cô đơn vì hàng triệu người trên thế giới vẫn luôn nhớ đến bà. Trong suốt cuộc nội chiến tại Mỹ, chính phủ nước này đã luôn tham khảo và xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường.

Khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Nhưng bà đã dùng tất cả số tiền này thành lập trường điều dưỡng Nightingale với chương trình đào tạo một năm. Từ đấy, Florence được coi là người sáng lập ra ngành điều dưỡng thế giới.

“Bà tổ” ngành điều dưỡng và những câu chuyện tạo nên dấu mốc lịch sử thế giới - Ảnh 3.

Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về.

Di sản của người sáng lập ngành điều dưỡng

Đóng góp quan trọng nhất của Florence Nightingale cho ngành y tế là trong thời kỳ xảy ra cuộc chiến Crimea ở Thổ Nhĩ Kỳ là bà đã phát hiện vấn đề vệ sinh không được để ý tới và tình trạng nhiễm trùng tập thể là chuyện thường tình và đa số dẫn đến cái chết. Vì vậy, bà là người đầu tiên đặt nền tảng về  vệ sinh trong các cơ sở y tế. Không có phép màu, không có hào quang nhưng Florence Nightingale đã đóng góp làm giảm tỷ lệ thưởng binh bị tử vong từ 42% do nhiễm trùng xuống chỉ còn 2%, đó chính là bằng chứng từ kinh nghiệm trong quá khứ nhờ vào các biện pháp vệ sinh môi trường bệnh viện  của bà.

Khi bà còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, vào cuối năm 1855 đã có những vận động quyên góp để giúp bà thành lập trường đào tạo nữ điều dưỡng mang tên Nightingale Fund. Khi trở về, bà mở trường mang tên Nightingale Training School ở bệnh viện St. Thomas Hospital năm 1860, nay là một phần của trường King’s College London (Anh).

Bà viết một cuốn sách “Cẩm nang điều Dưỡng” (Notes on Nursing), được phát hành năm 1860 và trở thành tài liệu căn bản cho trường Nightingale và các trường điều dưỡng khác. Bà Forence Nightingale sau đó dành trọn cuộc đời của mình cho ngành điều dưỡng và cải thiện ngành này cho phù hợp với thời đại mới. Theo bà, thành công của một điều dưỡng và sự hài lòng của bệnh nhân bắt nguồn từ những yếu tố nhỏ nhặt nhất như tiêu chuẩn vệ sinh, không khí sạch sẽ, ánh sáng phù hợp, chế độ ăn uống phù hợp, không gian yên tĩnh, chăm sóc chu đáo. Cuốn sách của Florence được xếp vào hàng kinh điển và đến nay vẫn được tái bản.

“Bà tổ” ngành điều dưỡng và những câu chuyện tạo nên dấu mốc lịch sử thế giới - Ảnh 4.

Những đóng góp của Florence đã giúp ngành điều dưỡng có những bước tiến quan trọng trong lịch sử.

Florence Nightingale đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Ủy Ban Hoàng Gia về tình trạng y tế trong quân đội. Bà đã đóng góp đưa ra những bản báo cáo dài hơn 1.000 trang với đầy đủ chi tiết thống kê. Những bản báo cáo này dẫn đến việc thay đổi toàn bộ việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, thành lập trường quân y và hình thành hệ thống hồ sơ bệnh án của các binh sĩ.

Nỗ lực của bà Forence Nightingale đã là sự khuyến khích cho các nữ điều dưỡng trong thời kỳ Nội Chiến Hoa Kỳ. Chính quyền Liên bang đã nhờ bà cố vấn về việc tổ chức cứu thương và điều trị bệnh binh. Năm 1877 bà giúp huấn luyện Linda Richards, người mệnh danh là “nữ điều dưỡng có huấn luyện đầu tiên của Hoa Kỳ”. Bà Linda Richards về sau trở thành nhân vật tiền phong trong ngành đìều dưỡng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Năm 1859 bà được bầu làm nữ hội viên đầu tiên của Hội Thống Kê Hoàng Gia Anh (Royal Statistical Society) và sau đó thành hội viên danh dự của Hội Thống Kê Hoa Kỳ.

Tại Mỹ lập ra một hội từ thiện đặt tên là Florence Nightingale. Khắp thế giới thừa nhận bà là “người mở đường cho sự thành lập Hội Hồng Thập Tự quốc tế”. Hội đồng Điều dưỡng quốc tế, lấy ngày sinh của Florence Nightingale, ngày 12/5 hàng năm là ngày Điều dưỡng quốc tế.

Trong lịch sử quân đội, từ trước tới nay chưa một phụ nữ Anh nào được quân đội và dân chúng quý mến như Florence. Nữ hoàng Victoria khi biết được sự tận tụy của Florence cũng phải cảm động, bà đọc tất cả những bản báo cáo của Florence, viết thư khen và ủng hộ các công việc của Florence đang làm ở mặt trận. Chiến tranh Cremea kết thúc vào năm 1856, các bên đều thiệt hại nặng, bản thân bà Florence cũng bị mắc bệnh, bà trở về Anh quốc. Những người vợ lính Anh có chồng đã được bà chăm sóc và dân chúng Anh đã sáng tác nhiều bài hát, bài thơ để ca ngợi Florence Nightingale.

Florence đã trọn đời cống hiến cho con người, cho ngành điều dưỡng. Vào trưa ngày 13/8/1910, Florence Nightingale trút hơi thở cuối cùng tại Anh (hưởng thọ 90 tuổi). Sự ra đi của bà để lại bao tiếc thương cho những người đã từng được bà chăm sóc, những đóng góp của bà trong ngành điều dưỡng vẫn luôn còn mãi. Biểu tượng về lòng vị tha, nhân ái như mẹ hiền luôn là niềm tự hào trong công tác điều dưỡng hiện tại và tương lai.

Trong di chúc, Florence muốn hiến xác cho khoa y học. Tuy nhiên, Chính phủ Anh không dám nhận, nhưng trọng tinh thần khiêm tốn bình dị của bà. Theo nguyện vọng của gia đình, không làm lễ quốc tang, không chôn bà ở điện Wesminster cùng với các danh nhân của dân tộc.

Theo DH (th)
Ý kiến của bạn