Bã thức ăn đóng cục gây tắc ruột bé gái vì ăn chất xơ không đúng cách

06-09-2019 05:57 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trong ổ bụng bệnh nhi có nhiều dịch, các quai ruột non giãn to, có khối bã thức ăn kích thước 2x3cm cứng chắc làm bít tắc hoàn toàn lòng ruột, phía trên chỗ bít tắc có nhiều bã thức ăn kích thước nhỏ hơn, kiểm tra dạ dày có 2 khối bã thức ăn kích thước 3x3cm.

Các bác sĩ khoa Ngoại Nhi Tổng hợp, Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Vũ Nguyễn Thảo N. (sinh năm 2013, tại Phù Ninh – Phú Thọ) trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng căng, nôn nhiều dịch xanh vàng, đau bụng, bí trung đại tiện.

Qua tìm hiểu, mẹ bệnh nhi cho biết ở nhà bệnh nhi đã ăn nhiều măng xào (loại măng nứa luộc được ngâm nước), hồng ngâm và sung. 3 ngày trước khi vào viện bé sốt, đau bụng âm ỉ, bụng chướng căng, gia đình có cho cháu uống thuốc nhưng không khỏi.

Kết quả thăm khám và chụp X-quang cho thấy hình ảnh mức nước mức hơi, kết quả CT thấy tắc ruột non, quai ruột nổi rõ. Các bác sĩ chẩn đoán tắc ruột cơ học nghĩ đến do bã thức ăn. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp, ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ, phát hiện trong ổ bụng bệnh nhi có nhiều dịch, các quai ruột non giãn to, có khối bã thức ăn kích thước 2x3cm cứng chắc làm bít tắc hoàn toàn lòng ruột, phía trên chỗ bít tắc có nhiều bã thức ăn kích thước nhỏ hơn, kiểm tra dạ dày có 2 khối bã thức ăn kích thước 3x3cm.

Khối bã thức ăn được lấy ra khỏi cơ thể bé gái.

Các bác sĩ đã tiến hành xử trí bóp nhỏ bã thức ăn, tuồn dịch và các bã thức ăn trên chỗ tắc xuống đại tràng, mở dạ dày lấy 2 khối bã thức ăn sau đó rửa ổ bụng.

BS. Lân cho biết, tình trạng tắc ruột nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng là rất cao, thậm chí gây tử vong. Bệnh nhi được theo dõi hậu phẫu và điều trị tích cực, sau 4 ngày đã có thể uống sữa và ăn cháo, sau 1 tuần sức khỏe ổn định sẽ được ra viện.

Trước đó không lâu, BVĐK tỉnh Phú Thọ cũng đã cấp cứu trường hợp một nam thanh niên "nghiện" trà sữa, bỏ cơm triền miên và đã bị tắc ruột vì bã thức ăn đóng cục đen sì. Các bác sĩ đã tiến hành mổ dạ dày, mở ruột lấy 2 khối bã thức ăn to trong dạ dày và ruột non.

Từ các ca bệnh này, bác sĩ Lân cũng khuyến cáo các gia đình không nên cho trẻ ăn những đồ ăn chứa nhiều chất xơ, nhiều nhựa như quả sung, quả cám mít, măng… nên bổ sung hợp lý các loại thức ăn và tẩy giun định kỳ cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn