1.Người nhiễm HIV có mặt ở 100% các huyện, thành, thị của tỉnh
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến 30/6, lũy tích số người nhiễm HIV của tỉnh là 5.285 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV còn sống tiếp cận được là 3.171, số người nhiễm HIV tử vong là 2.114 trường hợp. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh phát hiện mới 102 trường hợp nhiễm HIV, không có ca tử vong.
Nhìn chung từ đầu vụ dịch, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới (66,5%) cao hơn nữ giới (33,5%). Lây qua đường máu chiếm tỉ lệ 42%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 55%, mẹ truyền sang con là 3%.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ lây nhiễm qua đường tình dục đã tăng rõ rệt (17,27% năm 2000; 52,89% năm 2010 và 66% năm 2019). Tỉ lệ nhiễm HIV có chiều hướng tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) từ 2,2% (năm 2012) lên 15,3% (năm 2016), 18,7% (năm 2017), 16,5% (năm 2018) và 41,85% (năm 2020).
Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy tại cộng đồng có xu hướng giảm dần từ 15,4% (năm 2007) xuống 10% (năm 2013), từ năm 2013 - 2018 xu hướng dịch ít biến động, giao động trong khoảng 8,5-10%, tuy nhiên năm 2020 lại tăng trở lại 14,13%. Nhóm phụ nữ bán dâm có xu hướng tăng nhẹ từ 3,5% (năm 2017) và 3,8% (năm 2020).
100% các huyện, thành, thị phát hiện người nhiễm HIV, trong đó thành phố Vũng Tàu là địa phương có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất 1.162 (40,24%), tiếp đến là thị xã Phú Mỹ 576 (19,95%), TP. Bà Rịa 366 (12,36%)...
BS. Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
BS. Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Vì vậy, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ virus trong máu của bệnh nhân đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục.
Triển khai nhiều giải pháp trong phòng, chống HIV/AIDS
BS Nguyễn Văn Lên - Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trực tiếp phụ trách lĩnh vực HIV/AIDS cho biết, tỉnh đã ban hành Kế hoạch (Kế hoạch số 6198/KH-UBND ngày 14/07/2022) thực hiện Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 19/5/2022 của UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước 2030.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về những nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch HIV/AIDS và thách thức, yêu cầu của công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới, góp phần hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Mục tiêu: Tăng cường công tác lãnh đạo trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố để giảm số người nhiễm mới HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế -xã hội.
Các mục tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030;
- Đa dạng hóa và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV;
- Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào 2030;
- 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trì thuốc kháng virus HIV;
- 95% người được điệu trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế;
- Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm;
- Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030;
- Bảo đảm nguồn nhân lực, năng lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trên toàn thành phố.
BS Nguyễn Văn Lên, PGĐ phụ trách CDC tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
Hiện nhiều biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV đã được triển khai như: Xét nghiệm tầm soát nhanh, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và kiểm soát HIV/AIDS tận cơ sở... Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới, trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm so với năm trước.
Được biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương đang được hỗ trợ từ dự án EPIC và dự án Quỹ Toàn cầu và là 1 trong 6 tỉnh được dự án EPIC hỗ trợ để thực hiện mục tiêu 90-90-95.
"Dự án EPIC là một cú hích lớn hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án hỗ trợ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần hỗ trợ tỉnh tìm ra những người nhiễm mới HIV, đóng góp đến 60% số người phát hiện nhiễm mới HIV; hỗ trợ số lượng lớn bệnh nhân tiếp cận điều trị thuốc kháng ARV; hỗ trợ chăm sóc, điều trị HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ trong công tác phòng chống HIV/AIDS và các cộng tác viên, đồng đẳng viên…", BS. Minh cho biết.
Trong thời gian tới, để đẩy lùi dịch bệnh và hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS, BS Nguyễn Văn Lên cho biết sẽ tập trung vào một số lĩnh vực:
-Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các ban,ngành, đoàn thể… quán triệt việc thực hiện Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 19/5/2022 của UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước 2030.
-Tăng cường tiếp cận cộng đồng, phát hiện nhiễm mới HIV, tìm ra cái phần chìm của tảng băng để đưa vào điều trị, giúp giảm lây trong cộng đồng.
-Tổ chức tốt hệ thống điều trị ARV, vì điều trị tốt cũng là dự phòng lây nhiễm HIV.
-Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại…
Mời độc giả xem thêm video:
Kéo dài thêm 5 năm tuổi thọ, ngừa ung thư nhờ ăn nho đúng cách