Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 21/9/2023, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Khu du lịch Đại Nam) về tội danh "Lợi dụng các quyền dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tô chức, cá nhân 3 năm tù.
Sau đó, bà Hằng không kháng cáo, đồng ý với mức án TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên và đang trong quá trình thi hành án hình sự. Nhưng do không đồng ý với nội dung Bản án sơ thẩm, 4 bị cáo và 1 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã kháng cáo đề nghị TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án.
Theo đó, ngày 4/4, TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm đối với vụ án, mặc dù bà Hằng không kháng cáo nhưng HĐXX vẫn tuyên giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ chấp hành hình phạt tù 3 năm xuống còn 2 năm 9 tháng.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, việc bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo nhưng được HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giảm án từ 3 năm tù xuống 2 năm 9 tháng là có căn cứ.
Bởi, theo quy định tại điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm được quyền xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.
Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, có thể HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, quan điểm việc việc giảm án cho bà Phương Hằng là cần thiết, quan trọng đối với vụ án.
Về việc bà Hàng còn phải chấp hành hình phạt tù trong thời hạn bao lâu? Luật sư chia sẻ, bà Phương Hằng bị bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022. Tính từ ngày bị bắt tạm giam đến nay (5/4/2024) thì bà Hằng đã chấp hành được 2 năm 11 ngày. Như vậy, bà Hằng còn phải chấp hành bản án trên đến ngày 24/12/2024, tức còn 8 tháng 19 ngày nữa là hết thời gian phạt tù.
Tuy nhiên, tại điều 63 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, theo đề nghị của cơ quan thi hành hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt đã tuyên. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải đảm bảo chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Cụ thể, nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của TAND tối cao, để được giảm mức hình phạt đã tuyên, gồm các điều kiện sau:
Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; Phạm tội lần đầu; Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;
Có nơi cư trú rõ ràng; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Đã chấp hành được ít nhất một phần hai mức phạt tù có thời hạn;
Như vậy, theo các quy định này, bà Hằng hoàn toàn có thể được các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét giảm nhẹ mức hình phạt đã tuyên nếu đáp ứng các điều kiện.