Hà Nội

Bà mẹ nuôi con bú nên ăn gì, kiêng gì để lợi sữa?

26-07-2023 14:35 | Dinh dưỡng mẹ và bé
google news

SKĐS - Bà mẹ đang cho con bú nên ăn gì là điều được rất nhiều người quan tâm. Bởi cơ thể người mẹ sẽ ưu tiên các chất dinh dưỡng để tạo nên sữa sau đó mới chuyển hóa thành chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể người mẹ.

Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú cần đảm bảo các yếu tố: Đủ năng lượng, thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước… Bên cạnh đó, bà mẹ nuôi con bú cũng cần lưu ý hạn chế một số loại thực phẩm.

Trong những tháng đầu mới sinh, bà mẹ cần rất nhiều năng lượng, trung bình từ 1.800 - 2.200 calo mỗi ngày.

Bà mẹ nuôi con bú nên ăn gì?

Trong giai đoạn này, bà mẹ nuôi con bú cần được bổ sung đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm. Bởi các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của người mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sữa mẹ. Sau đây là những thực phẩm bà mẹ nuôi con bú nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày:

- Thực phẩm giàu canxi. Canxi rất quan trọng cho sự phát triển của xương trẻ nhỏ. Sau thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cũng thiếu hụt đi canxi. Vì vậy việc bổ sung canxi là rất quan trọng. Những thực phẩm chứa nhiều canxi có thể bổ sung là sữa và các chế phẩm từ sữa như: phô mai, sữa chua… Hoặc có thể bổ sung bằng các loại rau củ như các loại rau họ cải có màu xanh đậm: bông cải xoăn, cải bó xôi…

- Thực phẩm giàu đạm hay còn gọi là protein. Bà mẹ nuôi con bú nên bổ sung 100gram đạm mỗi ngày thông qua các thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, thịt cá… các loại hạt và các loại đậu.

Bà mẹ nuôi con bú nên ăn gì, kiêng gì để lợi sữa? - Ảnh 1.

Bà mẹ cho con bú cần bổ sung đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

- Thực phẩm chứa axit béo không no. Những thực phẩm này rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Các thực phẩm chứa axit béo không no là các loại cá béo (cá hồi, các trích…), các loại dầu thực vật (dầu oliu, dầu cọ, bơ, dầu dừa…).

- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Bà mẹ nuôi con bú cần bổ sung các thực phẩm chứa sắt như: đậu gà, gan động vật, ngũ cốc, đậu nành… Bổ sung đa dạng các loại trái cây, rau củ để cung cấp vitamin A,B,C,D…cho cơ thể như nước ép trái cây (cam, bưởi, quả mọng…), rau củ hoa quả có màu đỏ, trà xanh…

- Thực phẩm chứa carbohydrate. Các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate mà bà mẹ cho con bú nên bổ sung là: Ngũ cốc, các loại đậu, hạt, trái cây sấy, tinh bột, bánh mì…

Đặc biệt, bà mẹ nuôi con bú cần lưu ý bổ sung đủ nước. Trung bình mỗi ngày, các bà mẹ nuôi con bú nên bổ sung từ 2,5 - 3lit nước tương đương 12-15 cốc.

Bà mẹ cho con bú kiêng ăn gì

Bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bà mẹ nuôi con bú cũng cần lưu ý các thực phẩm có hại cho sức khỏe của mẹ và bé. Các loại thực phẩm bà mẹ nuôi con bú cần hạn chế là:

- Rượu bia và đồ uống có caffeine. Đây là loại đồ uống bà mẹ nuôi con bú nên tuyệt đối kiêng. Những đồ uống này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ. Khi bà mẹ cho con bú uống sản phẩm này có thể truyền ngay chất kích thích này cho con qua sữa mẹ.

Bà mẹ nuôi con bú nên ăn gì, kiêng gì để lợi sữa? - Ảnh 2.

Bà mẹ nuôi con bú cần ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để duy trì nguồn sữa dồi dào.

- Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều gia vị, chất phụ gia. Thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như xúc xích, các loại đồ ăn đóng hộp và những đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chiên rán thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đường và các chất bảo quản khác. Việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ không chỉ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe như béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch của người mẹ.

- Các thực phẩm dị ứng với trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào thì bà mẹ cho con bú nên tránh chúng (và các chế phẩm của chúng) khỏi chế độ ăn khi cho con bú.

Một điều quan trọng nữa là bà mẹ cho con bú cần được thoải mái về tinh thần và nghỉ ngơi đầy đủ. Vì ngủ không đủ giấc hoặc lo lắng, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến sự tiết sữa dẫn đến mất sữa. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp mẹ duy trì nguồn sữa dồi dào giúp cho em bé phát triển đầy đủ.


PV
Ý kiến của bạn