Gia đình Trần Đăng Khoa có 4 anh chị em: Minh - Bình - Khoa - Giang. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã rời quê về dạy học ở Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh) từ năm 1962, khi Khoa còn chưa đi học. Trần Đăng Khoa cũng đi bộ đội, học ở Nga rồi về sống ở Hà Nội. Bé Giang xuất hiện rất nhiều trong thơ Khoa xưa, đến lớp 7 cũng ra Quảng Ninh sống với vợ chồng anh Minh, rồi học Đại học Sư phạm, về dạy học ở Cẩm Phả, nay đã nghỉ hưu, sống với chồng con ở vùng đất mỏ Cẩm Phả. Ở nhà, chỉ còn chị Bình cùng chồng là nông dân, trụ lại quê, thay mặt cả mấy anh chị em, chăm sóc bố mẹ già. Bố mẹ của mấy chị em Khoa kiên quyết không chịu ra ở thành phố vì “dân phố nó chả có tình cảm gì. Nhà bên này có người chết, thổi kèn ò í e. Mấy nhà khác bên hàng xóm vẫn mở nhạc xập xình. Đi trên đường phố, họ cứ mở mắt thao láo nhìn nhau mà chẳng có chào hỏi gì nhau. Toàn người vô cảm cả”. Vì thế, ông bà không ra thành phố, chỉ ở làng quê với rơm rạ, trâu bò thôi. Ông mất năm 93 tuổi. Giờ chỉ còn bà 101 tuổi sống với vợ chồng chị Bình. Các cháu nội, cháu ngoại của ông bà cũng theo nhau ra ở hết thành phố.
Tác giả tặng bu chút quà vừa đi Hàn Quốc về - sâm cho người cao tuổi.
Chúng tôi cứ nghĩ, bà đã hơn trăm tuổi, chắc chỉ nằm một chỗ, có khi chị Bình hằng ngày phải tắm rửa, bón cơm, bóp chân tay cho bà... Nhưng không. Mẹ của nhà thơ ngồi trên giường, chân bỏ thõng xuống nền nhà - như những người khỏe mạnh và đứng nhổm lên khi chúng tôi vào. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng của Bộ Thông tin Truyền thông vội mời bà ngồi xuống. Nhà thơ Trần Đăng Khoa giới thiệu anh Minh Hồng, bà cầm tay Thứ trưởng, nói lời cảm ơn, mời anh ngồi bên rồi trò chuyện như các bà mẹ còn trẻ khỏe và tỉnh táo của chúng ta. Khi Khoa giới thiệu tôi, bà nhìn rồi nói: “Cô chưa về đây bao giờ, nhưng tôi thích thơ cô lắm: Các cụ ông say thuốc - Các cụ bà say trầu - Còn con trai con gái - Chỉ nhìn mà say nhau. Tôi lại cứ tưởng cô cũng là người dân quê đồng bãi”... Đến lượt nhà thơ Lê Phương Liên, bà mỉm cười: “Tôi còn nhớ đã gặp cô rồi. Cô về đây khi Khoa mới làm thơ và được đăng báo, hôm ấy còn có nhiều người về lắm, đúng không?”. Chúng tôi, đặc biệt là nhà văn Lê Phương Liên rất ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt vời của bà. Chỉ tiếc chúng tôi về lần này, khách cũng rất đông nên chúng tôi không được trò chuyện cùng bà nhiều, chỉ mỗi người một hai câu, nhưng ai nấy đều cảm động và yêu quý “bu” của nhà thơ thần đồng Việt Nam Trần Đăng Khoa. Chắc chắn Khoa đã thừa hưởng được bộ gene thông minh cùng trí nhớ tuyệt vời của mẹ.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì sức khỏe mấy anh em không ai được như bà cụ. Huyết áp của bà vẫn 120/80. Trong khi Khoa 150/100, phải uống thuốc hàng ngày. Bà ăn uống rất kham khổ, cứ như thời chị Dậu. Con cháu cho tiền thì cất đi, rồi tích cóp mua vàng cho lại. Ngày xưa còn lặn ngụp trên đồng thì vừa cấy gặt, làm cỏ lúa, lại móc cua, vạt cỏ, kiếm con tép con cua, thế là cũng được bữa. Đến bây giờ, nhà chả thiếu thứ gì, nhưng bu vẫn chỉ cơm mắm nhì nhằng, cà pháo, rau dền rau rệu. Bữa cơm xanh lè toàn rau. Từ bà mẹ mình, Khoa nhận ra người nông dân thời nào cũng khổ. Họ có khả năng chịu khổ được đến vô tận, nhưng lại mất hoàn toàn khả năng chịu đựng sự... sung sướng. Họ không thể sướng được. Dù có khoác lên vai họ cả một tấm áo bào thì họ cũng không thể thành được ông vua. Nhưng rồi nhờ có sống khổ, họ lại có đời sống tinh thần rất giàu có, phong phú. Đặc biệt, họ lại sống thọ, rất thọ. Hầu như chẳng có bà nông dân nào phải chạy đôn chạy đáo lo hút mỡ, giảm béo, chữa gút hoặc sỏi thận, đau tim...
Cũng theo lời Trần Đăng Khoa, mẹ anh là người thất học. Bà chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Các cụ xưa còn có quan niệm con gái mà biết chữ thì chỉ có viết thư cho giai nên đã là con gái thì không được biết chữ. Mẹ Trần Đăng Khoa cũng không biết chữ, nhưng bà lại thuộc làu Truyện Kiều, Thạch Sanh, Hoàng Trìu, Phạm Tải Ngọc Hoa. Học truyền miệng từ người mẹ của mình cũng là một phụ nữ thất học. Rồi sau này, khi có cuốn Kiều của con, bà lần theo từng câu thơ đã thuộc vẹt mà nhận ra mặt chữ. Rồi dần dần bà biết đọc. Đọc rộng ra các cuốn sách khác như thơ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, thơ của hai cậu con trai. Khoa hóm hỉnh: Chính cụ Nguyễn Du dạy mẹ em biết chữ đấy. Nhưng cụ chỉ biết chữ in thôi. Nếu em muốn thư cho mẹ thì phải viết chữ in. Viết chữ thường, cụ không đọc được. Cũng theo lời Khoa, cụ không muốn con đi theo nghiệp chữ nghĩa, đã nghèo khổ lại còn hay chửi nhau. Hôm nhà thơ Xuân Diệu về, ông lại về vào nửa đêm, lại mượn cây đèn, ra soi từng cây trầu, cây bưởi, cây na. “Thấy bác ấy soi xét, u sợ quá, suốt đêm không ngủ được. Thế có làm sao không hả con? Thôi có thế nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra mà phải tội. Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa. Cứ đi cày như bố mày lại yên”. Bà không muốn con dính đến thơ phú, nhưng chính bà lại dẫn các con đến với thơ ca. Trong 4 con của bà thì có 3 người làm thơ: Minh, Khoa và Giang. Trong đó, Minh với Khoa là hai nhà thơ nổi tiếng. Đấy là điều rất bất ngờ đối với bà. Thực ra, lúc đầu, bà chỉ muốn dạy con làm một người tử tế. Bà dạy con học Truyện Kiều cũng chỉ muốn con biết thương cô Kiều. Khi bà ngoại mất, bà bảo Khoa: “Bà chết rồi. Con có thấy cây cối nó buồn không. Con phải ra đeo tang cho cây đi. Không nó chết đấy”. Rồi bà xé nhỏ cái khăn tang ra thành hàng trăm mảnh để Khoa - cậu bé 6 tuổi ra buộc từng miếng vải trắng lên những rảnh cây. Khu vườn nhà cậu trắng xóa màu tang. Rồi ngày Tết, bà lại bảo: “Ngày Tết, mình có áo mới thì cây cối nó cũng phải có áo mới chứ. Không có, nó buồn đấy”. Bà pha một thùng nước vôi loãng, buộc túm cái chổi lại rồi sai con ra vườn quét lên từng gốc cây. Hôm sau, nước vôi khô, cả khu vườn sáng rực một màu trắng đồng phục. Rồi có tối, bà ngoại (hồi bà chưa mất) sang chơi, bu lại bảo con ra vườn hái trầu cho bà. Bà bảo, con phải vặn to ngọn đèn lên, để cây trầu nó nhận ra chủ chứ không phải thằng ăn trộm, rồi con phải đọc mấy câu này đánh thức nó dậy đã rồi mới được hái: “Trẩu trẩu trầu trầu - Mày làm chúa tao - Tao làm chúa mày - Tao không hái ngày - Thì tao hái đêm - Thức dậy cho tao hái”. Bà không ngờ con trai bà lại có một bài thơ về đánh thức trầu: “Đã ngủ rồi hả trầu - Tao đã đi ngủ đâu - Mà trầu mày đã ngủ - Bà tao vừa đến đó - Muốn xin mấy lá trầu - Tao không phải ai đâu - Đánh thức mày để hái - Trầu ơi hãy tỉnh lại - Mở mắt xanh ra nào - Lá nào muốn cho tao - Thì mày chìa ra nhé - Tay tao hái rất nhẹ - Không làm mày đau đâu - Đã dậy chưa hả trầu - Tao hái vài lá nhé - Cho bà và cho mẹ - Đừng lụi đi trầu ơi!”. Trong mắt con của bu, con gà, con chó, hay cây cối trong vườn cũng đều có tâm trạng, tình cảm như những con người. Bu và cả con cái không hề biết đó là phép nhân hóa trong nghệ thuật. Bà có biết gì về nghệ thuật đâu. Bà chỉ muốn dạy con làm một người tử tế. Mãi sau này, Khoa mới hiểu được mẹ khi anh Minh có đứa con đầu lòng, bà dặn: Các con phải dạy trẻ con nó biết yêu thương cây cối và những con vật nuôi trong nhà. Một đứa trẻ bẻ một cây non mới trồng hay dùng nỏ cao su bắn chết con chim đang bay hay vụt què chân con gà, con chó thì rồi sau này lớn lên, nó cũng sẽ làm điều ác độc với con người”.
Hóa ra đó chỉ là những bài học đạo đức bà dạy cho con. Vô tình đó cũng là bài học về một thủ pháp nghệ thuật dẫn con đến với thơ ca. Hồi ấy, người ta chăm chút trẻ con rất nghiêm ngặt. Nhà Khoa rất nghèo, quanh năm đói. Nhuận bút lại cao. Nhuận bút cuốn Dế mèn phưu lưu ký, ông Tô Hoài mua được cả một căn nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài. Nhuận bút thơ lúc đó cũng rất cao. Mà Khoa viết lại khỏe. Có ngày cậu làm đến chục bài thơ. Thơ hầu hết do các vị khách đến thăm rồi ra đề cho cậu làm, như Cây dừa, Vườn em, Gà con liếp nhiếp, Cái sân, Chiếc ngõ nhỏ, Mưa, Sao không về Vàng ơi... Những bài thơ ấy đều in báo rồi sau in sách. Nhưng không sách báo nào trả cậu nhuận bút. Người ta nghĩ trả nhuận bút, trẻ con sẽ hư hỏng và chúng sẽ viết vì tiền chứ không phải vì nghệ thuật. Tập thơ Từ góc sân nhà em của Khoa, Nhà Xuất bản Kim Đồng trả bằng một cái... chăn bông. Giữa trưa hè, nhà văn Trần Tuyết Minh đèo về nhà Khoa một cái chăn viện trợ của Mông Cổ. Tập thơ Góc sân và Khoảng trời in 50 ngàn bản, Khoa được nhà xuất bản tặng một cái đài to bằng bao thuốc lá nhưng chạy đến 9 vôn gồm 6 quả pin đại. Hồi đó, pin phân phối nên cũng khó có được pin. Các báo in thơ Khoa lại tặng búp bê, cặp sách. Khoa có 150 cặp sách nhuận bút, tặng hết các bạn trong lớp mà vẫn không hết cặp. Nhà thơ Xuân Diệu hồi đó ca ngợi Khoa: “Khoa rất tốt bụng và luôn giúp đỡ bạn bè. Khoa có nhiều quà tặng, em lại chia cho các bạn cùng lớp”. Khoa cười: “Em cũng có tốt gì đâu. Dùng không hết thì cho bạn bè dùng hộ. Mà cả lớp dùng cũng chẳng hết”. Hồi ấy, duy nhất chỉ có một tờ báo trả Khoa nhuận bút. Đó là tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1967, Khoa in bài thơ Tiếng chim Chích chòe, Khoa được tặng một cuốn sổ tay, 6 tháng báo biếu và 15 đồng nhuận bút. 15 đồng hồi đó to lắm. Mẹ Khoa đi chợ, đi bộ 5 cây số, gánh một gánh bèo nặng mới bán được 5 hào. Một bài thơ của Khoa có 12 câu, chưa đầy 80 chữ mà nhuận bút 15 đồng, bằng 30 gánh bèo của mẹ, cả một tháng đi chợ của mẹ. Mẹ Khoa kinh ngạc lắm. Bà cứ tra hỏi con, chỉ lo con ăn cắp ở đâu chứ “chỉ có mấy câu nôm na mách qué, làm sao lại có nhiều tiền thế?”. Khoa bảo, nếu hồi đó, các tòa báo đều trả nhuận bút thì em nuôi được cả nhà. Nhưng rồi mẹ vẫn phải nuôi em. Mà em lại rất đông khách. Ngày nào cũng có chục đoàn khách.
Chúng tôi ngồi trò chuyện khá lâu, tôi hỏi Khoa những bài thơ Khoa viết về mẹ khi chàng còn nhỏ và cả khi đã cao tuổi rồi mà chúng ta hầu như ai cũng thuộc: “Nắng mưa từ những ngày xưa - Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”. “Cả đời đi gió đi sương - Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi - Mẹ vui con có quản gì - Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca - Rồi con diễn kịch giữa nhà - Một mình con đóng cả ba vai chèo” - “Áo mẹ mưa bạc mầu - Đầu mẹ nắng cháy tóc - Mẹ đêm ngày khó nhọc - Con chưa ngoan, chưa ngoan” - “Hạt gạo làng ta - Có bão tháng bảy - Có mưa tháng ba - Giọt mồ hôi sa - Những trưa tháng sáu - Nước như ai nấu - Chết cả cá cờ - Cua ngoi lên bờ - Mẹ em xuống cấy”. “Mẹ ơi xin mẹ đừng già - Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi”, và còn nhiều, rất nhiều...
Hôm ấy, Khoa bảo tôi: “Em sẽ sớm đưa chị về thăm bu, để chị thấy là bu sẽ nhận ra chị ngay và sẽ đọc thuộc lòng cả 3 bài thơ Đám cưới ngày mùa, Xóm đê và Hương thầm của chị. Ta sẽ cùng ăn bữa cơm mà bu vẫn thường ăn cùng anh chị của em. Sau đó, đêm xuống, chị em mình sẽ đốt đuốc đi bắt ếch như ngày xưa”... Tôi cười: “Khoa nói như thơ. Nhưng biết bao giờ mới dứt ra khỏi công việc của Hội để mình về quê cả ban đêm để đốt đuốc đi soi ếch với nhau đây?”. Khoa cười: “Đôi khi em rất thích về quê cày ruộng và sống lại không khí ngày xưa...”.
Nói chuyện cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi như trôi vào một thế giới cổ tích trong trẻo và mơ mộng nhưng lại vô cùng sống động, rực rỡ và lấp lánh trẻ thơ huyền diệu. Phải chăng tất cả sự chỉ bảo, dạy dỗ của bà, của thày, của bu từ nhỏ, rất chân quê và hồn nhiên đã vun đắp một hồn thơ trong sáng, đầy ắp tình yêu gia đình, yêu vợ con bố mẹ, anh chị em, yêu thiên nhiên và cây cỏ song hành với tình yêu đất nước, yêu thơ và yêu người, yêu đời của nhà thơ có tâm hồn đẹp, thơ hay khiến rất nhiều bạn đọc Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ?
Trân trọng cảm ơn bu - người đã chăm sóc thương yêu và dạy dỗ Khoa từ bé, người đã sống hồn hậu, chăm chỉ và giản dị để giữ được sức khỏe và tinh thần minh mẫn cho đến tận giờ, khi bu đã hơn trăm tuổi. Kính chúc bu khỏe mãi, minh mẫn mãi mãi để vẫn là chỗ dựa yêu quý cho nhà thơ của chúng ta. Khi Khoa cùng bạn bè ra về, tôi thấy u lau nước mắt. Và Khoa ghé tai bu, thầm thì: “Bu ơi, mấy hôm nữa giỗ thày, con lại về mà”...
Khi mọi người đã ra khỏi ngõ, tôi chợt quay lại và thấy bu đã lò dò ra đến tận cửa, sắp bước xuống sân để nhìn theo con trai và các bạn của con dần đi xa...