- 1. Lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ trong thời kỳ đại dịch
- 2. Sữa mẹ có an toàn khi mẹ nghi ngờ mắc hoặc đang mắc COVID-19?
- 3. Các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi mẹ là F0 cho con bú
- 4. Có thể tiêm phòng khi đang cho con bú không?
- 5. Duy trì nguồn sữa nếu mẹ bị bệnh COVID-19
- 6. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là mẹ hãy tiêm phòng COVID-19
Nuôi con bằng sữa mẹ có thể mang lại nhiều lợi ích cả cho mẹ và trẻ, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Mẹ vẫn có thể cho con bú nếu kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ, miễn là mẹ thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn hơn để bảo vệ con mình.
1. Lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ trong thời kỳ đại dịch
Nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng. Người ta chưa chứng minh được rằng sữa mẹ bảo vệ trẻ khỏi SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tìm thấy các kháng thể trong sữa mẹ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường ít có các triệu chứng nghiêm trọng về hô hấp khi bị ốm. Các hormone được giải phóng trong cơ thể mẹ khi cho con bú sẽ thúc đẩy sức khỏe và có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng.
Virus SARS-CoV-2 không được tìm thấy trong sữa mẹ. Sẽ an toàn cho trẻ bú sữa mẹ nếu người mẹ nghi ngờ mắc và mắc COVID-19. Tuy nhiên, những người mẹ nghi ngờ mắc và mắc COVID-19 có thể lây virus sang trẻ thông qua những hạt nhỏ li ti phát tán khi họ nói, ho hoặc hắt hơi…
2. Sữa mẹ có an toàn khi mẹ nghi ngờ mắc hoặc đang mắc COVID-19?
Nhiều bà mẹ cho con bú băn khoăn nếu mẹ F0 cho con bú được không, sữa mẹ có an toàn với trẻ?
Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO cũng cho biết, cho đến nay chưa phát hiện việc lây truyền virus gây bệnh COVID-19 qua sữa mẹ và qua việc cho trẻ bú mẹ. Do vậy, không có lý do gì để không hoặc ngừng cho trẻ bú mẹ.
Trẻ vẫn có thể bú sữa mẹ ngay cả khi mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Sữa mẹ an toàn và quan trọng đối với em bé. Chỉ cần đảm bảo thực hiện các bước để giảm thiểu nhiễm COVID-19.
Khi cho con bú trực tiếp mẹ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn trước khi bế trẻ và đeo khẩu trang trong khi cho con bú.
Khi mẹ sử dụng máy hút sữa cũng nên đeo khẩu trang, rửa tay kỹ và vệ sinh mọi bộ phận của máy hút sữa, bình sữa và núm vú giả. Vắt sữa thường xuyên khi trẻ ăn, hoặc ít nhất 6 - 8 lần mỗi 24 giờ. Người chăm sóc khỏe mạnh (không mắc COVID-19) có thể cho bé bú sữa đã vắt ra. Luôn nhắc tất cả những người chăm sóc trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào bình sữa, cho bú hoặc chăm sóc trẻ. Hãy nhớ làm sạch máy hút sữa sau mỗi lần sử dụng, theo các hướng dẫn của nhân viên y tế về nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo BS. Nguyễn Thanh Sang, BV Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh:
- Thứ nhất, khi mẹ dương tính thì nghĩa là mẹ đã lây cho con trong giai đoạn mẹ ủ bệnh trước đó rồi. Nên khi mẹ bắt đầu sốt nghĩa là mẹ đã "lây" cho con từ 5-7 ngày trước đó. Còn con có dương tính hay không là tuỳ vào miễn dịch của con.
- Thứ hai, sữa mẹ chứa hàm lượng kháng thể rất cao và là nguồn miễn dịch chính của con trong 6 tháng đầu nên việc ngưng cho bú mẹ sẽ rất thiệt thòi cho con và việc cũng không giúp con không bị nhiễm.
3. Các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi mẹ là F0 cho con bú
Nếu mẹ ở cùng phòng với trẻ, hãy cố gắng giữ một khoảng cách hợp lý khi có thể, chú ý để phòng thông thoáng . Đeo khẩu trang và rửa tay bất cứ khi nào mẹ trực tiếp chăm sóc em bé. Cố gắng hạn chế tiếp xúc trực diện với em bé của bạn và ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy (sau đó vứt bỏ).
Khi không cho bé bú, bạn nên cố gắng để cách xa bé ít nhất 2m càng tốt. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho đến khi hết mẹ hết sốt trong 24 giờ mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào (acetaminophen hoặc ibuprofen); ít nhất 10 ngày đã qua kể từ khi các triệu chứng COVID-19 của mẹ bắt đầu; và tất cả các triệu chứng của mẹ đã được cải thiện. Nếu mẹ đã xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng, hãy đợi ít nhất 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm lại.
Mặc dù đây có thể là khoảng thời gian quá căng thẳng, nhưng hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan và tập những thói quen lành mạnh để giảm căng thẳng nhiều nhất có thể. Điều này bao gồm ngủ đủ giấc, ăn nhiều thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
4. Có thể tiêm phòng khi đang cho con bú không?
Vaccine COVID-19 được coi là an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đang cho con bú. Nhiều người đang cho con bú đã được tiêm phòng COVID-19. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh kháng thể vaccine COVID-19 mRNA trong sữa mẹ của các bà mẹ đang cho con bú đã được tiêm phòng, có khả năng bảo vệ cho trẻ bú sữa mẹ.
5. Duy trì nguồn sữa nếu mẹ bị bệnh COVID-19
Việc hút sữa bằng tay và vắt sữa bằng tay đặc biệt hữu ích trong những ngày đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra để có được nguồn sữa. Việc hút sữa thường xuyên (hoặc cho con bú nếu bạn đã chọn cho con bú trực tiếp và đang tuân theo các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt đã nêu ở trên) sẽ phù hợp với nhu cầu bú của trẻ sơ sinh, khoảng 8-10 lần trong khoảng thời gian 24 giờ.
6. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là mẹ hãy tiêm phòng COVID-19
Theo "Khuyến cáo của WHO về tiêm chủng COVID-19 cho phụ nữ có thai và cho con bú", nên tiêm phòng cho phụ nữ mang thai bởi lợi ích của việc tiêm phòng đối với phụ nữ mang thai lớn hơn rất nhiều những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, phụ nữ mang thai là đối tượng nên được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ sức khoẻ người mẹ, thai nhi và cộng đồng. Phụ nữ cho con bú cũng có thể tiêm vaccine phòng COVID-19, kháng thể sinh ra qua sữa mẹ, từ đó bảo vệ cho bé.
Thời điểm tốt nhất để tiêm vaccine phòng COVID-19 là phụ nữ mang thai từ tuần 13 đến tuần 34 của thai kỳ.
Phụ nữ đang cho con bú nên tiêm phòng COVID-19 ngay khi đã khỏe hẳn và vaccine không ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa, nuôi con ở bà mẹ. Người mẹ đang cho con bú không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hành trình an toàn – bảo vệ bạn, gia đình và những người bạn thương yêu