Miền Bắc đang trải qua những ngày giá rét. Tuy nhiên, đây chưa phải là đợt rét đậm đầu tiên. Theo dự báo của cơ quan chức năng, đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay sẽ rơi vào đúng dịp Noel, đợt thứ hai rơi vào Tết Dương lịch 2014. Để phòng chống giá rét và bảo vệ sức khoẻ, ngoài các biện pháp thông thường như mặc ấm, ăn nóng, tránh bị gió lùa..., chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp đơn giản của y học cổ truyền. Bài viết này xin được giới thiệu ba loại trà dược đơn giản để bạn đọc tham khảo và vận dụng.
Khương táo trà
Gừng tươi 20g, hồng táo 10 quả, đường đỏ lượng vừa đủ. Gừng tươi rửa sạch, thái vụn; hồng táo bỏ hạt, thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, khi uống chế thêm đường đỏ với lượng phù hợp, uống thay trà trong ngày. Công dụng: tán phong hàn, ấm tỳ vị, ích khí bổ hư, thường dùng trong những ngày giá rét, đặc biệt tốt với những người tỳ vị hư yếu, dễ bị cảm lạnh, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, dễ mắc các chứng bệnh đường hô hấp...
Theo dược học cổ truyền, gừng tươi (sinh khương) vị cay, tính ấm, có công dụng phát hãn giải biểu, tán phong hàn, ôn trung chỉ ẩu, ôn phế giảm ho; hồng táo vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần; đường đỏ vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ khí dưỡng huyết, ôn kinh tán hàn, bổ tỳ ấm vị.
Hồi hương đường đỏ trà
Tiểu hồi hương 10g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tiểu hồi hương rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng thích hợp, uống thay trà trong ngày. Công dụng: ôn trung trừ hàn, hành khí chỉ thống, dùng làm đồ uống thích hợp trong những ngày giá rét.
Theo dược học cổ truyền, tiểu hồi hương vị cay, tính ấm, có công dụng trừ hàn giảm đau, lý khí hòa vị. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tiểu hồi hương có tác dụng điều tiết công năng đường tiêu hoá, chống viêm loét, lợi mật, trừ đàm giảm ho, bình suyễn, giảm đau, kháng khuẩn, chống ung thư và nâng cao năng lực chống rét của cơ thể. Hồi hương đường đỏ trà có mùi thơm rất quyến rũ, dễ uống và có hiệu lực chống rét khá tốt.
Tô diệp khương đường trà
Tô diệp (lá tía tô) 3g, gừng tươi 3g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tô diệp và gừng tươi rửa sạch, thái vụn, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng phù hợp. Công dụng: giải biểu tán hàn, hoà vị khoan trung, thường dùng làm đồ uống trong những ngày giá rét, đặc biệt tốt với những người dễ bị cảm lạnh, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, sợ lạnh, bụng trướng đau, đại tiện lỏng nát...
Theo dược học cổ truyền, lá tía tô vị cay, tính ấm, có công dụng phát biểu tán hàn, hành khí khoan trung. Tô diệp phối hợp với gừng tươi và đường đỏ tạo nên công năng trừ hàn tán phong khá độc đáo của tía tô khương đường trà. Nếu có thể, khi hãm cho thêm một vài lát quế chi thì hiệu lực tán hàn của loại trà dược này lại càng được nâng cao.
ThS. Hoàng Khánh Toàn