Ba loại thuốc súc họng hay dùng

07-07-2015 08:00 | Dược
google news

SKĐS - Dung dịch thuốc kháng sinh súc họng: loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng là tyrothricin.

Dung dịch thuốc kháng sinh súc họng: loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng là tyrothricin. Đây là một kháng sinh nhóm polypeptid, thuốc này được sử dụng để điều trị tại chỗ các nhiễm khuẩn niêm mạc vùng miệng, họng như viêm họng, viêm amiđan cấp. Kháng sinh này còn có dạng bào chế viên ngậm. Để tạo điều kiện cho người sử dụng được dễ chịu và dễ sử dụng, trong các dạng bào chế của kháng sinh này thường có thành phần đường và glucose vì vậy cần cân nhắc khi sử dụng cho người bị bệnh đái tháo đường.

Dung dịch sát khuẩn súc họng: như betadine gargle, givalex, BBM-muối borat, muối bicarbonat và methol... Thuốc súc họng với hoạt chất povidone - iodine (PVP-I) được đánh giá là loại thuốc có hiệu quả cao diệt hầu hết mầm bệnh bao gồm vi khuẩn, virut, vi nấm gây viêm họng, trong vòng 30 giây lúc ta súc họng. Từ lâu, iodone đã được chứng minh là chất sát khuẩn, diệt nhanh hầu hết các mầm bệnh. Thuốc súc họng PVP-I là phức hợp giữa povidone và iodine. Povidone vận chuyển iodine đến mầm bệnh và nhờ đó iodine được phóng thích từ từ, kéo dài có tác dụng sát khuẩn. Ngoài ra, PVP-I dưới dạng phóng thích iod kéo dài có tác dụng làm ẩm niêm mạc họng, giúp giảm khô rát họng, thường không kích ứng da và niêm mạc, không gây xót và có mùi dễ chịu.

Dung dịch súc họng để trung hòa pH: nước muối 0,9%, natribicarbonat...

Tuy nhiên, súc họng bằng nước muối chỉ có ích trong việc làm dịu và làm sạch vùng họng. Súc họng bằng nước muối là biện pháp dân gian phổ biến. Tuy nhiên, cần lưu ý phải súc họng bằng nước muối đẳng trương, vì nước muối pha quá loãng sẽ không đạt hiệu quả sát khuẩn. Ngược lại, pha quá đặc sẽ gây rát và khô họng vì muối sẽ hút nước ra khỏi tế bào, làm khô và tổn thương niêm mạc họng. Tốt nhất nên sử dụng dạng bào chế có bán sẵn ở các nhà thuốc vì thuốc khá rẻ, không nên tự ý pha bằng muối ăn hàng ngày vì không kiểm soát được nồng độ chính xác. Trong thành phần các thuốc súc họng thường có thêm một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ như benzocain, menthol, muối salicylat, hexetidin... Các loại thuốc súc họng thường thêm tá dược có vị ngọt, thơm để che giấu mùi vị khó chịu và làm cho người bệnh dễ sử dụng hơn.

Mời bạn đọc đón đọc phần 3 :"Sử dụng thuốc đúng cách" vào lúc 14h ngày 7/7/2015

DS. Nga Anh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn