Nhóm chuyên gia ở Đại học Georgia Mỹ (UoG) vừa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho ra đời một phương tiện mới: Ba lô thông minh hỗ trợ người khiếm thị thay thế gậy hoặc chó dẫn đường để di chuyển, đi lại. Hệ thống hỗ trợ thị giác mới này gọn nhẹ, dùng đeo trên người. Thực chất chiếc ba lô này chứa hàng loạt máy ảnh 4K cung cấp thông tin màu sắc và ảnh hình nổi.
Theo nhóm đề tài, thông tin trực quan sau đó được đưa đến bộ não của người sử dụng. Ngoài ra, ba lô còn có chứa máy tính xách tay hoặc Raspberry Pi chạy giao diện AI có tên là OpenCV’s Artificial Intelligence Kit with Depth (OAK-D). Thiết bị sử dụng mạng thần kinh để phân tích dữ liệu hình ảnh. Thời gian sử dụng pin lên đến 8 giờ và bộ GPS kết nối USB.
Ba lô thông minh giúp người khiếm thị dễ dàng đi lại được.
Dữ liệu hình ảnh sẽ được chuyển tiếp qua Bluetooth tới một cặp tai nghe, cho phép người dùng biết mọi thứ xung quanh. Nó có thể cảnh báo các chướng ngại vật với hình dạng, kích thước, bằng cách sử dụng các bộ mô tả như phía trước, trên, dưới, trái, phải và giữa để báo cho người dùng nên tránh.
Chiếc ba lô tích hợp một hệ thống AI thông minh chạy trên laptop, gắn các camera cảnh báo chướng ngại vật và cung cấp thông tin về độ sâu. Các camera này được giấu trong áo gilê và túi thắt lưng đeo quanh eo. AI này được huấn luyện để nhận diện vật thể như xe hơi, xe đạp, người đi bộ hoặc thậm chí những cành cây chìa ra giữa đường. Nó cũng có khả năng nhận diện các địa hình như vỉa hè, bãi cỏ, lề đường và các biển báo giao thông.
Ngoài ra, nó còn tích hợp thiết bị định vị GPS và người dùng có thể nói vào microphone để giao tiếp với hệ thống. Hệ thống sẽ phản hồi bằng những lời nhắn thoại thông qua tai nghe Bluetooth.