Hà Nội

Ba kích tráng dương, cường gân cốt

16-01-2015 14:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Ba kích còn được gọi với nhiều cái tên khác trong dân gian như: cây ruột gà, ba kích thiên, sáy cáy, chồi hoàng kim...

Ba kích còn được gọi với nhiều cái tên khác trong dân gian như: cây ruột gà, ba kích thiên, sáy cáy, chồi hoàng kim... Phần sử dụng là củ ba kích có tên thuốc là ba kích thiên. Có thể phơi khô hoặc chế biến tươi đều sử dụng được... Ba kích có hai loại củ: củ màu trắng và củ màu tím, tác dụng như nhau.

Theo YHCT, ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm. Quy kinh thận. Có tác dụng bổ thận, tráng dương cường gân cốt, khử phong thấp. Dùng trong các trường hợp thận dương suy, dẫn đến các chứng di tinh (vì có tác dụng cố tinh), tảo tiết (xuất tinh sớm) hoặc phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ), muộn con hoặc các trường hợp đau lưng đau gối, đau xương khớp...

Ba kích thiên.

Thành phần hóa học có nhiều chất quý như: acid hữu cơ, vitamin C (chỉ có trong ba kích tươi), tinh dầu, anthraglycosid, phytosterol... những thành phần rất tốt cho sức khỏe con người.

Về tác dụng sinh học, ba kích có khả năng tăng cường hiệu lực của nội tiết tố androgen, tăng sức đề kháng, chống viêm, chống độc, tăng cường hoạt động não giúp ngủ ngon và đặc biệt một tác dụng tăng cường khả năng sinh lý

Cách bào chế ba kích

Ba kích chích rượu: ba kích (đã bỏ lõi); rượu trắng (35 - 40%) 150ml. Đem rượu trộn đều vào ba kích phiến, ủ 1 - 2 giờ cho ngấm hết rượu. Sao nhỏ lửa tới khô.

Ba kích chích muối ăn: ba kích (đã bỏ lõi) 1kg; 150ml dung dịch muối ăn 5%. Đem dung dịch muối ăn trộn đều vào ba kích, ủ 2 - 4 giờ cho ngấm đều. Sao vàng.

Ba kích chích cam thảo: ba kích (đã bỏ lõi) 1kg; cam thảo 50g. Cam thảo được cắt nhỏ, sắc với nước 3 lần, mỗi lần 150ml nước sạch, đun sôi trong 30 phút. Gộp dịch sắc, cô còn 150ml. Đem dịch cam thảo trộn đều với ba kích, ủ 6 giờ cho ngấm đều. Sao vàng.

Sở dĩ cần chế biến như vậy vì nó sẽ đạt được các mục đích như tăng được tính dương khi chích với rượu, tăng quy kinh thận khi chích với muối ăn, loại đi các chất gây ngứa khi chế với cam thảo...

Dưới đây là cách dùng ba kích cho một số bệnh:

Trị phụ nữ tử cung bị lạnh, kinh nguyệt không đều: ba kích 120g, lương khương 20g, tử kim đằng 640g, thanh diêm 80g, nhục quế bỏ vỏ 160g, ngô thù du 160g, tán bột dùng rượu hồ làm hoàn. Ngày uống 20g hồ với rượu pha muối nhạt.

Trị lưng đau do phong hàn, đi đứng khó khăn: ngưu tất 120g, ba kích, khương hoạt, quế tâm, ngũ gia bì, can khương mỗi vị 60g, đỗ trọng bỏ vỏ, sao hơi vàng 80g, tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm.

Trị liệt dương, ngũ lao thất thương, thận khí hư: ba kích thiên, ngưu tất sống 120g, ngâm với 1 lít rượu, uống mỗi ngày 30ml.

Trị người lớn tuổi đêm tiểu tiện nhiều lần do thận khí hư: ích trí nhân, ba kích, hai vị chưng với rượu và muối, tang phiêu tiêu, thỏ ty tử chưng với rượu, lượng bằng nhau tán bột. Dùng rượu luyện hồ làm hoàn to bằng hạt ngô, mỗi lần uống 12 viên với chút rượu hoặc thành thang sắc uống.

Trên thực tế, thường sử dụng ba kích phối hợp với một số vị thuốc khác để tăng thêm tác dụng như thuốc hoàn ba kích: ba kích 80g, sừng hươu 200g, tiểu hồi 60g, phụ tử chế 16g, quế nhục 30g, thục địa, hoài sơn, mỗi vị 160g, mật ong vừa đủ làm hoàn. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 16 - 20g hoặc dùng bài này dưới dạng ngâm rượu.

BS. Đỗ Minh Hiền

 


Ý kiến của bạn