'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC

31-05-2024 14:50 | Xã hội

SKĐS - Cháy nổ là mối nguy hiểm luôn rình rập, sự cố có thể đến bất cứ thời điểm nào, kể cả xuất phát từ một vụ chập điện nhỏ. Nhưng tại các thành phố lớn như Hà Nội, cả chủ trọ và khách thuê dường như vẫn còn thờ ơ với công tác phòng cháy chữa cháy.

Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy nhà dân, cháy nhà ở nhiều phòng khép kín (chung cư mini - PV), cháy kho hàng, cháy các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.... Gần đây nhất là vụ cháy số 1 hẻm 31 ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) khiến 14 người tử vong. 

Trước thực trạng trên Công an quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) đồng loạt kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn. Qua kiểm tra vẫn còn tình trạng người dân, chủ nhà trọ thờ ơ với "bà hỏa".

Cơ quan chức năng kiểm tra nhà cho thuê trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Ý thức về phòng cháy chữa cháy của người dân chưa cao

Nguy hiểm là vậy, thế nhưng hầu hết các khu nhà trọ trên địa bàn Thành phố hiện nay vẫn chưa chú trọng đến công tác an toàn phòng chống cháy nổ.

Hiện nay, nhiều khu nhà kinh doanh cho hộ gia đình, sinh viên thuê đều nằm trong ngõ, khu đông dân cư, đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Nhưng hầu như các chủ nhà và người thuê đều lơ là công tác phòng chống cháy nổ.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 1.

Nhà trọ chật hẹp, đồ đạc kín mít lối thoát hiểm. Nếu cháy nổ xảy ra công tác PCCC sẽ gặp khó khăn.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 2.

Cùng với đó, hệ thống điện phần lớn được đấu nối rất tạm bợ, các dây dẫn điện, bảng điện, thiết bị lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, có nguy cơ chập cháy bất kỳ lúc nào.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại nhà số 20, ngõ 59 đường Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) hiện tại có 30 phòng trọ, mỗi sàn 4 phòng, nhân khẩu chủ nhà có 9 người và 45 người thuê trọ. Theo giấy phép xây dựng đây là nhà ở riêng lẻ với 5 tầng 1 tum. Tuy nhiên, gia đình đã thay đổi công năng để tăng số phòng cho thuê.

Theo quan sát, tòa nhà chưa có hệ thống báo cháy tự động, không có hệ thống chữa cháy bằng nước, đèn chỉ dẫn thoát nạn duy nhất có ở tầng 1 (không có đèn tín hiệu), trục thông tầng chưa có vách ngăn chống khói, hầu như các lối thoát nạn đều tận dụng để đồ đạc gây cản trở việc di chuyển khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 3.

Biển chỉ dẫn thoát hiểm treo tạm bợ, không có đèn điện.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 4.

Chủ nhà vừa kết hợp cho thuê phòng ở đồng thời kinh doanh gây khó khăn cho việc đi lại.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 5.

Khu vực cách tầng tận dụng để vật dụng dễ cháy, chưa có phần vách ngăn chắn khói.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 6.

Hiện gia đình đã có cầu thang thoát hiểm bằng sắt từ tầng 7 xuống mặt đất. Tuy nhiên, về lâu dài cần nên lắp thêm phần lồng sắt để khi lúc không may có cháy, người cao tuổi và trẻ nhỏ thoát hiểm xuống mặt đất được an toàn, một cán bộ PCCC nói.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 7.

Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu khắc phục những điểm còn thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 8.

Cách đó không xa, tại nhà số 14 có 7 tầng 1 tum. Tòa nhà đã đầu tư hệ thống họng nước chữa cháy, tuy nhiên khi lực lượng PCCC kiểm tra áp lực nước không đảm bảo chữa. Hầu hết, hệ thống dây điện chạy nổi, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nên đấu nối vô tội vạ.

Nguy cơ cháy nổ cao

Do diện tích chật hẹp, lối đi lại tại khu vực cầu thang bộ thường được bố trí rất nhỏ và tối, lại chất nhiều đồ. Nếu không may cháy nổ thì việc tháo chạy cũng khó khăn chứ chưa nói đến việc thu gom, sơ tán đồ đạc.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 9.

Khu vực cầu thang thoát hiểm trong nhà tận dụng làm nơi chứa đồ gây cản trở lối đi khi có hỏa hoạn.

Trên thực tế, có thể thấy rõ sự chủ quan của cả người cho thuê và người thuê trọ trong việc phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, đa số các khu nhà trọ không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, mang hình thức đối phó với cơ quan chức năng.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 10.

Các hộ gia đình "tận dụng" hành lang để đồ đạc không cần thiết, nguy cơ bắt lửa khi có cháy nổ.

Theo trung tá Nguyễn Chí Việt (Phó đội trưởng, Đội CS PCCC & CNCH Công an quận Nam Từ Liêm), các chủ hộ là người chịu trách nhiệm chính ở hộ gia đình và cơ sở kinh doanh của mình về phòng cháy chữa cháy. Họ phải có trách nhiệm tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải xác định rõ chức trách trong quản lý hộ kinh doanh, cho thuê nhà trọ trên địa bàn, cần phối hợp thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cho người dân khi có cháy.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ, nhiều chủ nhà vẫn thờ ơ với PCCC- Ảnh 11.

Trung tá Nguyễn Chí Việt (Phó đội trưởng, Đội CS PCCC & CNCH Công an quận Nam Từ Liêm).

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chấn chỉnh lại hoạt động phòng cháy chữa cháy tại các khu vực trọng điểm cháy, thường xuyên rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm, không để vi phạm còn tồn tại. Việc xử lý vi phạm trước hết chính là để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, không để tình trạng cháy nhà mới lo dập lửa như hiện nay, Trung tá Nguyễn Chí Việt nói.

Xem thêm:

Cháy quán ăn kèm nhiều tiếng nổ ở Hà Nội giữa đêmCháy quán ăn kèm nhiều tiếng nổ ở Hà Nội giữa đêm

SKĐS - Một quán ăn trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội bốc cháy dữ dội vào đêm 30/5 khiến nhiều người hoảng loạn.

Tuấn Anh
Ý kiến của bạn