(SKDS) - Có người bảo phụ nữ làm văn chương - nghệ thuật lắm vất vả và nhiều hệ lụy. Còn tôi lại nghĩ khác, chị em nào có tài và dám dấn thân vào chốn này thì sớm hay muộn cũng sẽ gặt hái được một điều gì đấy, ít ra là sự “hẳn hoi”. Và không hiếm người danh nổi như cồn, tiền nhiều như nước khiến các đấng mày râu chỉ còn biết liếc nhìn và chép miệng.
Nhà văn Võ Thị Hảo là gương mặt nhà văn nữ sáng giá. Con đường văn chương của cô không mấy giống ai. Võ Thị Hảo thuộc thế hệ nhà văn hậu đánh Mỹ. Vốn được sinh ra từ một làng quê nghèo xứ Nghệ, tuổi thơ của Hảo gắn liền với những con đường đầy rơm rạ, nắng và gió Lào.
Thế rồi Võ Thị Hảo bỗng nhiên chọn văn chương làm nơi “ẩn náu”. Không giống với nhiều cô gái thế hệ @, thường chọn một đại gia hay một nhà chính trị có chức có quyền, một nghệ sĩ nổi tiếng... để “ẩn náu”, còn Võ Thị Hảo lại chọn văn chương.
Nhà văn Võ Thị Hảo. |
Năm 1993, lần đầu tiên Võ Thị Hảo xuất hiện với tập truyện ngắn Biển cứu rỗi do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Tác phẩm là sự đoạn tuyệt cuộc chiến súng đạn, đầu rơi máu chảy, chết chóc hy sinh, anh hùng và chiến thắng, nhưng tất cả đã qua. Cô quyết định “khai chiến” với hòa bình, một thứ hòa bình bắt đầu bằng con số không, ngoài sự chói lóa của những hào quang quá khứ còn hắt lại, đã ru cho không ít người cam chịu ngủ yên trong nghèo đói. Một số người khác thì quẫy cựa tìm lối thoát, số còn lại quay lưng chửi đổng, cạnh khóe những điều mà một thời chính họ đã tôn thờ, theo đuổi.
Vậy là cuộc chiến dưới bầu trời xanh hòa bình giữa “quân ta” và “quân mình” xem ra cũng cam go không kém. Các giá trị về lối sống, nhân cách và đạo đức bị đảo lộn, quan niệm về chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng dần bị đổi thay. Lúc này, lớp người như Võ Thị Hảo mới tập tọng bước vào đường đời thật lắm chông gai, cạm bẫy. Họ vấp ngã, nhưng chẳng ai có thể cứu được, vì mỗi người tự cứu lấy bản thân còn không xong. Những điều được cha mẹ dạy bảo, thầy cô truyền thụ bấy lâu nay xem chừng có vẻ “lỗi mốt” so với những gì đang diễn ra trước mắt họ.
Hiện nay, Võ Thị Hảo sắp hoàn thành tiểu thuyết mới Dạ tiệc quỷ. Các chương của tiểu thuyết này đã được “xuất bản” trên mạng internet và cô đang muốn “nhảy ra” khỏi mê hồn trận này.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp văn chương của mình là tập truyện ngắn mang tên Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được NXB Công an Nhân dân ấn hành năm 2005 và đã đoạt giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngay năm sau đó. Tập truyện ngắn gồm 22 tác phẩm của Đỗ Bích Thuý chủ yếu được viết về chủ đề nông thôn miền núi, trong đó có những truyện ngắn đã được nhiều người biết đến như: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Ngải đắng ở trên núi, Sau những mùa trăng... Riêng truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đã được dựng thành phim của đạo diễn Ngô Quang Hải với tên mới Chuyện của Pao. Truyện ngắn của cô chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu, hôn nhân, quan hệ gia đình của những con người sống trên những bản làng nơi rừng núi mù sương. Các tác phẩm cũng thể hiện nỗi lòng của những người con rời bản làng ra đi vẫn tha thiết nhớ về quê nhà, suy nghĩ của các thầy cô giáo từ miền xuôi lên sống trong không khí núi rừng.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy. |
Vài năm trở lại đây, ở cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thời gian dành cho sáng tác truyện ngắn có vẻ như bị thu hẹp lại, Đỗ Bích Thúy chuyển sang viết tản văn. Cô mới xuất bản tập Trên căn gác áp mái (2011) và tập truyện cho thiếu nhi Em Béo & hội Cầu Vồng (2012). Thúy tâm sự sở dĩ cô viết ít đi vì đã biết sợ.
Bình Nguyên Trang là nhà thơ thuộc thế hệ 7X, cùng tuổi với nhà văn Đỗ Bích Thúy, làm việc tại báo Công an Nhân dân. Là một nữ phóng viên khá năng động về mảng văn chương - nghệ thuật của tờ báo này, nhưng Bình Nguyên Trang cũng dành dụm được chút thời gian cho thơ. Trong Những bông hoa đang thiền, dường như cô muốn cho mọi thấy một Nguyên Trang ở góc nhìn hoàn toàn khác so với vai nữ phóng viên. Có lúc cô lớn tiếng tuyên bố rằng muốn “bãi công” đối với niêm luật, rằng cô “chán niêm luật” đến mức cố gắng hết sức gạt bỏ nó ra khỏi thơ, rồi muốn làm một “chiến binh nhà thơ nổi loạn” trong thơ...
Nhà văn Bình Nguyên Trang. |
Xem ra càng lớn tiếng tuyên bố bao nhiêu thì với một người như Nguyên Trang càng cho ta thấy rõ sự yếu đuối đến mềm lòng trong thi ca khi cô tự thú nhận: Như cỏ rối bời/ Em không sắp xếp nổi mình trước nghiêng ngả tình yêu (Tình yêu), thế thì làm sao mà “nổi loạn” được. Nhất là cô sớm ý thức được rằng hạnh phúc chính là sự tự bằng lòng với những gì đang có của riêng mình, như người đàn bà trong khung bức tranh kia: “Người đàn bà mỉm cười/ Mắt nâu son đỏ/ Viên mãn/ Trên chiếc khung chật hẹp cuộc đời/ Trong triển lãm có tên Hạnh phúc/ Họ đến và chiêm ngưỡng/ Giấc mơ đủ đầy/ Cô tồn tại như một ví dụ...” (Trong triển lãm có tên Hạnh phúc). Mới đây, Bình Nguyên Trang vừa cho xuất bản tập ký chân dung văn nghệ sĩ Sông của nhiều bờ (2012).
Ba gương mặt nữ nhà văn thuộc hai thế hệ 5X và 7X, nhưng đều sáng giá và có nhiều dự định mới. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam, người viết bài chúc cho các nữ văn nhân gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường văn chương của mình!
Hà Thu