Bà Doãn Ngọc Trâm: Tôi luôn dùng nghị lực chế ngự tình cảm yếu đuối

10-04-2016 09:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi Carl Greifzu, cựu binh Mỹ đã giữ cuốn sổ nhật ký của Anh hùng Ðặng Thùy Trâm hơn 20 năm, đến thăm bà Doãn Ngọc Trâm...

Khi Carl Greifzu, cựu binh Mỹ đã giữ cuốn sổ nhật ký của Anh hùng Ðặng Thùy Trâm hơn 20 năm, đến thăm bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của liệt sĩ, như nhiều người, anh đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhìn gương mặt phúc hậu luôn đọng nụ cười ấm áp, đặc biệt là thần thái tinh anh, vui khỏe toát lên. Bí quyết nào để người phụ nữ đã ở tuổi 92 từng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời luôn giữ được một tinh thần sống lạc quan đến vậy? Với câu hỏi đó, chúng tôi đã trở lại ngôi nhà nằm ven hồ bên đường Ðội Cấn, Hà Nội, để được trò chuyện cùng bà.

Gặp bà, ai cũng ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước phong thái lạc quan, tự tin và nhân hậu ở bà. Phải chăng, bà có bí quyết sống khỏe cho riêng mình?

Bà Doãn Ngọc Trâm: Tôi chẳng có bí quyết gì, mà chỉ có nguyên tắc sống cho mình. Đó là không suy nghĩ nhiều, không mơ ước địa vị của người khác, sống vô tư, yên phận, không đau khổ vì những tác động của bên ngoài. Tôi luôn dùng nghị lực chế ngự những tình cảm yếu đuối, để sống cho hiện tại. Mỗi khi gặp vấn đề gì trong cuộc sống, tôi đều giữ lại trong lòng, để không ảnh hưởng đến con cái, nhất là không để người khác phải thương hại mình. Nếu gặp khó khăn mà khóc lóc, đau khổ thì chắc sẽ không sống được. Vì thế, dù cuộc đời tôi từng có những biến cố lớn, nhưng tôi không cho phép mình gục ngã trước những mất mát, đau thương. Tôi không bao giờ nhìn lên để so sánh với những người thành đạt, mà luôn nhìn xuống, để thấy nhiều người còn khổ hơn, khó khăn hơn mình.

Tôi cũng biết nhiều về những chuyện tiêu cực trong xã hội nhưng tôi không tìm đọc những bài viết hay nghe những chuyện như thế. Bởi tôi thấy mình không làm được gì, thì tránh không biết để không phải suy nghĩ cho thêm buồn. Tôi vẫn hy vọng mọi điều rồi sẽ thay đổi tốt đẹp. Mọi người thường phàn nàn về những điều chưa tốt trong xã hội và tôi thấy, Hà Nội giờ là người tứ chiếng, nhiều người mang cả thói hư tật xấu ở các nơi đến, mà mình không làm gì để thay đổi được thì tốt nhất là ít ra ngoài, ít va đập để khỏi bi quan và làm khổ cuộc sống của chính mình.

Bà Doãn Ngọc Trâm và ông Carl Greifzu.

Nhìn sự thảnh thơi, hồn hậu của bà, ai cũng tưởng cuộc đời bà chưa từng biết đến thăng trầm của đời sống. Vậy mà bà lại từng có những biến cố?

Bà Doãn Ngọc Trâm: Tôi từng có những biến cố lớn trong đời. Khi tôi có 2 đứa con và đang mang thai đứa thứ ba thì cuộc chỉnh đốn tổ chức xảy ra. Chồng tôi khi đó là bác sĩ của một bệnh viện ở Thanh Hóa, đã bị quy kết lầm về việc phải chịu trách nhiệm trước việc nhiều người trong nạn đói 1945 bị chết khi vào viện. Tôi biết chồng bị oan và tôi tin ở mình, tin ở chồng, rằng cây ngay không sợ chết đứng, mình là người tử tế thì sẽ không sợ bị buộc tội. Hơn nữa, tôi hiểu rằng, nếu mình không tin vào tương lai mà cứ khóc lóc vật vã, ốm ra đấy thì ai chăm sóc các con? Điều quan trọng nhất là tôi phải chăm lo cho các con, chờ đợi mọi sự tốt đẹp sẽ trở lại. Tôi vẫn đi làm bình thường, không suy sụp. Cuối cùng, chồng tôi được trả lại danh dự, tôi được đi học, rồi gia đình chúng tôi chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội và chồng tôi sau đó là Trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện Xanh Pôn.

Năm 1970, khi nghe tin Đặng Thùy Trâm hy sinh, tôi đứt từng khúc ruột. Vợ chồng tôi đều quê ở miền Trung, mà không thể trực tiếp đi chiến đấu cho quê hương, nên sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Thùy xung phong vào chiến trường, vợ chồng tôi đều rất tự hào. Tiễn con đi giữa những ngày khói lửa, tôi cũng nghĩ có thể không còn được gặp lại con, nhưng khi tin dữ đến, tôi vẫn như người mất hồn. Hình ảnh bé Thùy chăm chỉ học hành, săn sóc các em, tần tảo công việc gia đình giúp bố mẹ làm sao có thể nguôi quên trong trái tim tôi... Nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc, vẫn chăm sóc các con chu đáo, để không ai nhìn thấy nỗi đau cào xé trong tôi. Đêm về tôi mới mặc cho nước mắt rơi, để vợi đi đau đớn, xót xa...

Khi đứa con trai duy nhất của tôi qua đời lúc còn rất trẻ, tương lai đang rạng ngời trước mặt, rồi chồng tôi cũng lại lìa xa, tôi lại như đứng giữa chông chênh cuộc đời. Nhưng chính những nguyên tắc sống từ trẻ đã giúp tôi đứng vững được trước mọi biến cố để đến nay, giữ được một cuộc sống cân bằng, nhẹ nhõm bên con cháu.

Bà đã đón tiếp Carl Greifzu và Fredric Whitehurst - những người từng ở bên kia chiến tuyến với liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - bằng tất cả ân tình. Sự cao thượng đáng kính của bà đã giúp xóa nhòa quá khứ hận thù. Bà nghĩ gì khi hành động như vậy?

Bà Doãn Ngọc Trâm: Họ cũng như con tôi, khi ra trận có biết ai với ai đâu! Phải bắn vào người khác, họ cũng xót xa chứ. Nhưng vì nhiệm vụ họ phải làm. Tôi không thành kiến với toàn thể cựu binh Mỹ, vì không phải tất cả đều là người ác, mà cũng như dân tộc chúng ta, có người này người khác. Fredic không phải là người trực tiếp nổ súng vào Đặng Thùy Trâm, hơn nữa, nhờ anh ta gìn giữ mà gia đình tôi có được cuốn nhật ký và hiểu nhiều hơn về con gái mình. Vì thế, tôi thậm chí còn biết ơn Fredic rất nhiều.

Đến nay, bản gốc cuốn nhật ký của Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vẫn được giữ gìn bên Mỹ. Bà quyết định gửi kỷ vật vô giá của con gái hẳn có lý do?

Bà Doãn Ngọc Trâm: Sau nhiều năm tìm kiếm gia đình tôi không được, 2 anh em Fredric và Robert Whitehurst đã trao cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm cho Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Texas Tech (Mỹ). Sau này, khi gia đình tôi sang đó, Trung tâm có hỏi ý kiến chúng tôi về việc họ gìn giữ cuốn nhật ký và gia đình quyết định để Trung tâm gìn giữ vì nhiều lý do. Trước hết, ở Việt Nam, điều kiện bảo quản tư liệu còn thiếu, trong khi việc bảo quản ở Trung tâm rất hoàn hảo, nhất là thái độ trân trọng với cuốn nhật ký khiến gia đình tôi thật sự yên tâm. Cuốn sổ được đặt trong một phòng riêng với chế độ bảo quản đặc biệt (chỉ một số rất ít tài liệu ở đây được bảo quản trong điều kiện đặc biệt này), có nhân viên chuyên trách đảm nhiệm. Sau này, khi nào điều kiện bảo quản ở Việt Nam tốt hơn, gia đình tôi lại xin đưa về. Lý do nữa để gia đình quyết định gửi lại ở Mỹ, là ở đây, những ai quan tâm đến nhật ký - từ trên khắp thế giới - có thể đến tìm hiểu, cuốn nhật ký sẽ có sự lan tỏa lớn hơn. Một điều cũng rất quan trọng nữa là thời điểm xuất bản cuốn nhật ký, một số người không hiểu, cho rằng gia đình và Chính phủ Việt Nam cố tình bịa ra câu chuyện đó, để xây dựng hình ảnh. Vì thế, gia đình muốn lưu trữ cuốn nhật ký ở nơi trung gian, cũng chính là để đảm bảo tính khách quan trong việc công bố sự thật về cuốn nhật ký.

Đã hơn 10 năm di vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tìm về với gia đình. Cuộc sống của bà hẳn bị xáo trộn khi rất nhiều người trên thế giới đã biết đến cuốn nhật ký. Bà nghĩ gì trước dấu ấn đặc biệt này ạ?

Bà Doãn Ngọc Trâm: Sau khi cuốn nhật ký được xuất bản thành sách, có rất nhiều người ở trong nước và quốc tế tìm đến, sau này nhiều người trở thành bạn thân thiết của gia đình tôi. Nhiều câu chuyện về bạn đọc của cuốn sách thật cảm động. Có người ở nước ngoài biết đến cuốn sách là nhờ thấy anh lái taxi mê mải đọc. Có đồng chí cựu chiến binh ở tận Hải Dương, thồ xe rau lên bán ở Hà Nội trước khi về cũng ghé vào nghĩa trang thắp hương cho Thùy.

Bạn đọc ở các nơi tìm đến thăm gia đình vì cuốn nhật ký nên tôi cũng bận rộn, vì có lúc khá nhiều đoàn. Rất tự hào về cuốn nhật ký ghi lại một phần đời của con gái mình được nhiều người biết tới, nhưng tôi không hào hứng với sự xáo trộn này. Cứ mỗi lần ai hỏi về Thùy và tôi càng nhắc lại, càng thấy đau đớn, thương con hơn. Cuốn nhật ký càng được nhiều người biết đến, tôi cũng lại càng nghĩ nhiều đến những liệt sĩ khác cũng trẻ và hy sinh như con tôi mà không được biết đến nhiều như Thùy...

Trân trọng cảm ơn bà!

Bà Doãn Ngọc Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức, giàu có và gia giáo. Bà là con cả trong một gia đình có anh chị em và đều được học hành chu đáo. Từ nhỏ, bà đã học giỏi và từng đỗ đầu tỉnh Thanh Hóa trong một kỳ thi. Bà xây dựng gia đình với ông Đặng Ngọc Khuê, lúc đó là sinh viên Trường Thăng Long. Kháng chiến chống Pháp, bà từng dạy học ở Trường Thiếu sinh quân do Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm Hiệu trưởng. Về sau bà học Trung cấp, rồi Đại học Dược Hà Nội và trở thành giáo viên Trường đại học Dược Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu năm 1986. Ông bà có 5 người con - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là con gái cả - đều học giỏi và tốt nghiệp các trường đại học.


Thanh Hằng (thực hiện)
Ý kiến của bạn