Ba chìm bảy nổi cùng Bolero

30-09-2019 09:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khoảng 4-5 năm trước, Bolero nói riêng và nhạc xưa nói chung đã “áp đảo” thị trường nhạc Việt và được xem là cứu tinh khi thị trường rơi vào tình trạng hẩm hiu suốt thời gian dài. Nhưng thời đỉnh cao này có kéo dài mãi mãi?

Sự trở lại ngoạn mục

Đàm Vĩnh Hưng từng tuyên bố sẽ chi đến 10 tỷ đồng để thực hiện 2 liveshow Bolero ở TP.HCM và Hà Nội trong thời điểm không nhiều ca sĩ dám bỏ tiền làm “sô” khiến công chúng không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng không ai phủ nhận được sức hút của Bolero, dòng nhạc khẳng định những giá trị xưa cũ lên ngôi là điều tất yếu khi cái mới không đủ sức phục vụ nhu cầu, thị hiếu khán giả.

Bolero có nguồn gốc từ một điệu nhạc ở Mỹ La-tinh nhưng khi vào Việt Nam gần một thế kỷ qua, tự thân nó đã trở thành dòng nhạc của người Việt, mang dấu ấn Việt đậm nét. Vào những năm 1960-1970, nhạc Bolero phát triển hưng thịnh tại khu vực miền Nam, hàng loạt những tên tuổi nhạc sĩ như Dzũng Chinh, Trúc Phương, Trịnh Lâm Ngân cho ra đời nhiều tác phẩm khác nhau. Những bài hát cũng nhanh chóng được đông đảo tầng lớp nhân dân đón nhận nồng nhiệt vì khá dễ nghe và lại phù hợp với những tâm tư, tình cảm của họ.

Đó là sự phát triển chưa từng có của một dòng nhạc mới du nhập như Bolero tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở miền Bắc, nhạc sến bolero lại bị cấm trong khoảng thời gian khá dài. Nguyên do thì cũng giống như rất nhiều những bài nhạc trữ tình khác khi bị liệt vào hàng nhạc “sến” làm mất đi tinh thần chiến đấu của người lính. Những cấm đoán do lo sợ dân chúng bị sa vào tình cảm phù du mà quên đi nhiệm vụ giải phóng đất nước khiến dòng nhạc Bolero gần như không xuất hiện tại bất cứ đâu ở các tỉnh miền Bắc. Đến giữa những năm 80, dòng nhạc Bolero bắt đầu được cho phép lưu hành tại các tỉnh phía Bắc. Lúc này, người dân miền Bắc mới được thưởng thức những nhạc phẩm trữ tình đã rất nổi tiếng trước đó.

Nhưng nếu nói về sự trở lại một cách ngoạn mục nhất thì phải đến thời điểm 2014, sau hơn 20 năm Bolero không có gì nổi bật, bỗng dưng dòng nhạc này được gợi nhớ và nhanh chóng thu hút nhờ các chương trình truyền hình thực tế. Nổi bật trong số những chương trình có liên quan đến Bolero trên sóng truyền hình là Solo cùng Bolero, Thần tượng Bolero, Sáng tác cùng Bolero đã thu hút hơn 2.000 ca khúc dự thi. Bên cạnh đó, hầu hết các cuộc thi âm nhạc cũng đều có tham gia của các nhân tố chọn Bolero làm dòng nhạc dự thi, đem lại sắc màu mới lạ cho nền âm nhạc những năm gần đây vốn chuộng nhạc trẻ và những dòng nhạc nước ngoài.

Với Lệ Quyên, Bolero tựa như món phở trong ẩm thực của người Việt Nam.

Với Lệ Quyên, Bolero tựa như món phở trong ẩm thực của người Việt Nam.

Bolero và chiếc áo tân thời

Người tiên phong cho trào lưu hồi sinh Bolero trên sân khấu nhạc trẻ là ca sĩ Phương Thanh với album Chanh Bolero được thực hiện theo một phong cách rất riêng. Lối nhấn nhá nhẹ nhàng, đơn giản cùng cách phối nhạc hiện đại của cô đã mang đến một không khí tân thời cho Bolero và giúp dòng nhạc này tìm được chỗ đứng trong làng nhạc Việt. Nối gót sau đó, hàng loạt nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Cẩm Ly đã mạnh dạn theo đuổi Bolero với cách hòa âm phối khí mang nhiều chất Pop dễ nghe, thậm chí đôi khi phá cách kết hợp với nhạc sàn, nhạc điện tử. Vô hình trung, Bolero đã được khoác lên chiếc áo âm thanh mới mẻ, lôi cuốn, giúp cho khán giả trẻ vừa có nhiều kiến thức hơn về dòng nhạc này mà không cảm thấy đó là dòng nhạc quá cũ. Bên cạnh đó, Bolero còn được vinh danh với nhiều đêm nhạc hoành tráng, công phu như Q show của Lệ Quyên, Người tình của Mr. Đàm...

Tuy nhiên, ngoài những niềm vui thì vẫn còn những ý kiến hoài nghi về trào lưu “trẻ hóa” Bolero hiện nay. Danh ca Phi Nhung, giám khảo của Solo cùng Bolero, bày tỏ: “Việc các nghệ sĩ trẻ đua nhau hát Bolero thật ra cũng giống như khi xưa ca sĩ Việt đua nhau hát nhạc Âu Mỹ. Khi thị trường đã quá ngán những món tân thời thì việc tìm về với các giá trị xưa lại giúp nghệ sĩ trở nên “độc” và “lạ” trong mắt khán giả. Có điều, Bolero tuy bình dân nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật hát rất cao, từ cách dàn hơi, nhả chữ đến chuyển giọng khi biểu diễn. Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay thích hát nhạc xưa nhưng kỹ thuật hát thì hầu hết là chưa đạt. Ngoài ra, họ không sinh trưởng vào thời điểm hình thành ca khúc nên sẽ rất khó để nắm bắt đúng tinh thần của “nhạc xưa” như thế hệ đi trước”. Tuy vậy, nữ danh ca này cũng công nhận những đóng góp của lớp trẻ trong việc hồi sinh Bolero.

Còn đối với “Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên, Bolero tựa như món phở trong ẩm thực của người Việt Nam. Hồi tháng 3 năm nay, cô đã cho ra mắt album Khúc Tình Xưa 5 - Hẹn Hò gồm 14 tuyệt phẩm Bolero. Một số ý kiến cho rằng Bolero đã bắt đầu bão hòa và nhàm chán trong thời buổi hiện nay vì mở tivi, internet lên lúc nào cũng thấy Bolero cả. Tuy nhiên, Lệ Quyên lại không nghĩ thế. Dòng nhạc này đã tồn tại quá lâu và đã trở thành “quốc hồn quốc túy” của người Việt mà không dòng nhạc nào thay thế được.

Với thế mạnh là sự gần gũi, bình dị với hầu hết khán giả nghe nhạc, dù thăng hay trầm, Bolero vẫn âm thầm chinh phục trái tim người nghe nhạc. Dù thị trường âm nhạc biến động thế nào, dòng nhạc này vẫn sẽ sống mãi mãi, trường tồn cùng thời gian bằng chính sự bền bỉ và mạnh mẽ đã được chứng minh.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn