Việc kiểm tra từng loại thuốc bao gồm cả thuốc không kê đơn và các chế phẩm bổ sung tự nhiên là rất quan trọng, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Các giai đoạn thai nhi dễ bị ảnh hưởng bởi thuốc
Thuốc ảnh hưởng đến thai nhi phụ thuộc vào thời điểm thuốc tiếp xúc với giai đoạn phát triển của thai nhi. 3 tháng đầu thai kỳ là thời gian thuốc có ảnh hưởng nhiều nhất.
Giai đoạn đầu (15-21 ngày sau khi thụ tinh): Một số loại có thể gây tử vong thai nhi, do đó, bào thai sẽ không tiếp tục phát triển.
Giai đoạn sinh cơ quan (15-60 ngày sau khi thụ tinh): Thai nhi rất dễ bị dị tật bẩm sinh, do các cơ quan chính bắt đầu phát triển trong giai đoạn này. Trong giai đoạn này, thuốc có thể gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh hoặc khiếm khuyết vĩnh viễn (nhưng khó nhận thấy cho đến khi trẻ trưởng thành).
Giai đoạn phát triển (từ tuần thứ 9): Phôi thai chủ yếu là phát triển hoàn thiện các cơ quan và tăng trưởng, do đó, tiếp xúc với thuốc trong giai đoạn này không gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nhưng chúng có thể làm thay đổi sự tăng trưởng và chức năng của các cơ quan và mô bình thường.
Ngoài ra, tác dụng của thuốc cũng phụ thuộc vào liều lượng đến thai nhi. Liều này bị ảnh hưởng bởi liều mẹ uống, sự phân phối thuốc theo dòng máu của mẹ, chức năng nhau thai, yếu tố di truyền và sinh lý của mẹ và của thai nhi cũng như việc tiếp xúc với các loại thuốc, hóa chất hoặc các yếu tố môi trường khác trong suốt quá trình mang thai.
Bà bầu dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Thuốc tác động đến thai nhi thế nào?
Tác động trực tiếp lên thai nhi gây ra tổn thương, phát triển bất thường (dẫn đến dị tật bẩm sinh) hoặc tử vong.
Thay đổi chức năng của nhau thai, thường bằng cách làm cho co các mạch máu (co thắt mạch máu), do đó làm giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ cho thai nhi, dẫn đến bé bị thiếu cân và kém phát triển.
Khiến các cơ tử cung co bóp mạnh, gián tiếp làm tổn thương thai nhi bằng cách giảm cung cấp máu hoặc kích thích chuyển dạ và sinh non.
Ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi như các loại thuốc hạ huyết áp dùng bởi người mẹ có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai và do đó làm giảm việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Dùng thuốc sao cho an toàn?
Để phụ nữ mang thai có thể an toàn khi dùng thuốc, các chuyên gia khuyên:
Trước khi mang thai
Những phụ nữ có nguy cơ thụ thai hoặc muốn mang thai nên ngưng tất cả các loại thuốc không cần thiết từ 3-6 tháng trước khi thụ thai.
Phụ nữ mắc bệnh từ trước khi mang thai (như hen, động kinh hoặc đái tháo đường) phải tiếp tục điều trị bằng các loại thuốc thích hợp và an toàn trong thai kỳ dưới sự giám sát của bác sĩ và dược sĩ.
Ngừng uống rượu hoặc các loại chất gây nghiện khác.
Sau khi mang thai
Phụ nữ mang thai cần luôn trao đổi với bác sĩ, dược sĩ trước khi bạn dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hoặc vitamin nào. Báo với bác sĩ những thuốc bạn đang sử dụng hoặc sử dụng gần đây, bao gồm thuốc bán theo đơn và thuốc dùng không cần đơn thuốc, thực phẩm bổ sung, thảo dược, rượu, chất gây nghiện... Bác sĩ sẽ quyết định bạn có nên thay đổi thuốc đang dùng hay không, đưa ra lời khuyên bạn nên dùng và không nên dùng thuốc những loại thuốc nào...
Lưu ý, trước khi dùng thuốc nên kiểm tra nhãn thuốc và thông tin khác về thuốc để tìm hiểu về những rủi ro có thể xảy ra đối với phụ nữ đang mang thai. Báo với bác sĩ nếu có bất cứ bất thường nào khi dùng thuốc.