Thời gian qua khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận rải rác một số trẻ đến khám vì thủy đậu, tuy nhiên nhẹ nên không cần nhập viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng rải rác ghi nhận các trường hợp mắc thủy đậu là thai phụ đến khám.
Trên người khỏe mạnh, thủy đậu thường lành tính và ít để lại di chứng. Ở trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai do khả năng bảo vệ suy giảm nên có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, mắc chứng đầu nhỏ…), đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13 - 20 tuần. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà bầu nhiễm thủy đậu – nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ nên thận trọng, theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, không phải cứ mẹ mắc thủy đậu là sinh ra con dị dạng, câm điếc… Nếu được theo dõi điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường, chị em không nên quá lo lắng.
Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Người bị thủy đậu đa số tự khỏi và không để lại sẹo, tỉ lệ gây biến chứng chỉ 1%. Cá biệt có một số trường hợp bị bội nhiễm vẫn hình thành sẹo.
Các chuyên gia cho hay, bà bầu nhiễm thủy đậu – nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ nên theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa Ảnh minh họa
Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Nhiều người nghĩ thủy đậu chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế nhiều người lớn cũng bị thủy đậu. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân, cho cộng đồng. Thống kê, 90% những người đã chủng ngừa sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.
Chị em nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi có thai; không được tiêm khi đã có thai. Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vắc xin là đủ giúp trẻ ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần để cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.