Bà bầu cần tầm soát để phòng ngừa 5 dạng viêm gan virus có thể gặp trong thai kỳ

13-11-2021 09:45 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Viêm gan virus là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tổn thương gan trong thai kỳ. Mắc các loại viêm gan virus khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sinh non, dọa sảy thai hoặc tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của BS. Bùi Thị Phương, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội.

Những ảnh hưởng do viêm gan virus trong thai kỳ gây ra trên người mẹ và trên thai nhi khác nhau, tùy thuộc vào loại virus gây viêm gan. 

Do đó, việc chủ động phòng ngừa và tầm soát các loại bệnh viêm gan virus trong thai kỳ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ mang thai và thai nhi.

1. Các dạng viêm gan virus có thể gặp trong thai kỳ

1.1 Viêm gan A (HAV)

Virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường phân - miệng và rất phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi có điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm thực phẩm và nước. Virus viêm gan A có thể lây truyền qua đường tình dục nhưng hiếm khi lây qua đường máu.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan A hiếm khi lây truyền cho thai nhi. Tuy nhiên, người mẹ có thể gặp các biến chứng trong thai kỳ như ối vỡ non, nhau bong non, hoặc sinh non...

1.2 Viêm gan B (HBV)

Viêm gan virus trong giai đoạn thai kỳ - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai cần chủ động tầm soát bệnh.

Phụ nữ mang thai nhiễm virus viêm gan B không được điều trị, khả năng lây truyền từ mẹ sang con là trên 90%. Đặc biệt nếu mẹ dương tính với kháng nguyên HbeAg và định lượng virus viêm gan B ở mức cao thì nguy cơ lây truyền sang con sẽ cao hơn. Định lượng virus viêm gan B cao cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc phòng ngừa chủ động ở trẻ sơ sinh thất bại. Vì vậy, người mẹ có định lượng virus viêm gan B cao được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng virus trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

Ngoài ra, có 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ trong giai đoạn chu sinh (giai đoạn từ tuần thứ 28 đến hết tuần đầu sau sinh) sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính. Do đó, tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến cáo nên tầm soát viêm gan B.

1.3 Viêm gan C (HCV)

Quá trình nhiễm viêm gan C cấp tính xảy ra trong 6 tháng đầu tiên sau khi thai phụ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu thai phụ không được loại bỏ virus viêm gan C, sau 6 tháng virus sẽ tiến triển thành bệnh viêm gan C mạn.

Viêm gan C mạn tính là nguyên nhân chính gây ra xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.

Đối với người mẹ mang thai dương tính với HCV thì khả năng lây truyền cho con trong giai đoạn chu sinh là 5%. Tỷ lệ này có thể cao hơn nếu người mẹ đồng thời nhiễm HIV hoặc có định lượng virus viêm gan C ở mức cao.

Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai được khuyến cáo nên tầm soát viêm gan C nếu có kế hoạch mang thai.

1.4 Viêm gan E (HEV)

Đường lây truyền chính của virus viêm gan E là đường phân-miệng, rất hiếm khi lây truyền qua đường tình dục. Bệnh này khá phổ biến ở các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh kém. Mặc dù viêm gan E là một bệnh lý lành tính và thường có khả năng tự khỏi, nhưng khi xảy ra ở phụ nữ mang thai lại gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ nếu bị nhiễm virus viêm gan E có thể chịu tổn thương gan nghiêm trọng hoặc suy gan cấp đặc biệt, thậm chí là tiền sản giật, xuất huyết và tử vong (16 - 20%).

1.5 Viêm gan do virus Herpes simplex (HSV)

Viêm gan do virus Herpes simplex (HSV) ở phụ nữ mang thai là một tình trạng hiếm gặp. HSV lây truyền thông qua việc tiếp xúc với các vết loét của người bị nhiễm HSV hoặc qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HSV có nguy cơ cao lây truyền cho thai nhi. Hầu hết các trường hợp viêm gan do HSV nhanh chóng tiến triển thành suy gan tối cấp.

Viêm gan virus trong thai kỳ có thể không có triệu chứng hoặc dấu hiệu lâm sàng nhẹ như vàng da, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ và nước tiểu sẫm màu... Các triệu chứng lâm sàng này không thể chỉ rõ được là do loại virus viêm gan nào gây ra. Muốn chẩn đoán chính xác, cần có các xét nghiệm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

2. Các biến chứng viêm gan virus thai kỳ

Các biến chứng viêm gan virus thai kỳ có thể gặp phải ở từng loại virus gây viêm gan:

2.1 Viêm gan A

Viêm gan A có liên quan đến các biến chứng thai kỳ, bao gồm các cơn co thắt sớm, tách nhau thai, vỡ ối sớm và chảy máu âm đạo. Biến chứng cổ trướng thai nhi và viêm phúc mạc phân su hiếm khi xảy ra.

2.2 Viêm gan B

Nhiễm HBV mạn tính trong thai kỳ có thể dẫn đến biến chứng nhau bong non, sinh non, tăng huyết áp thai kỳ và hạn chế sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, HBV mạn tính trong thai kỳ cũng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển thành xơ gan, gây nguy cơ tử vong cho thai phụ.

2.3 Viêm gan C

Hạn chế sự phát triển của thai nhi, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, suy thai, u cephalohematoma, co giật ở trẻ sơ sinh và xuất huyết não thất là những biến chứng thai kỳ có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai nhiễm HCV.

2.4 Viêm gan E

Các biến chứng sản khoa có thể bao gồm vỡ ối sớm, xuất huyết trước và sau sinh, đông máu nội mạch lan tỏa, thai chết lưu trong tử cung, sảy thai tự nhiên và các biến chứng của viêm gan tối cấp. Ngoài ra, trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HEV còn dễ bị sinh non và nhẹ cân.

2.5 Viêm gan do virus herpes simplex HSV

Loại viêm gan này có thể gây nguy cơ tử vong ở thai phụ là 43%.

3. Điều trị và phòng ngừa viêm gan virus trong thai kỳ

3.1. Điều trị viêm gan A

Đối với bệnh viêm gan A điều trị chỉ giúp nâng đỡ thể trạng và giải quyết các triệu chứng. Không có phương pháp đặc hiệu để điều trị viêm gan A. Cơ thể người bệnh sẽ tự đào thải virus viêm gan A sau vài tuần mà không cần chữa trị. Bệnh nhân có thể được chăm sóc ở nhà mà không cần phải nhập viện

Nếu bạn có triệu chứng nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tiêm ngừa viêm gan A có thể giúp ngăn ngừa bệnh.

Trong khi đang mắc bệnh viêm gan A, bệnh nhân cần:

  • Nghỉ ngơi.
  • Ăn uống thức ăn giàu chất dinh dưỡng.
  • Tránh sự tiếp xúc thân mật với người khác.
  • Thường xuyên đến gặp bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh.

Sử dụng globulin miễn dịch viêm gan A cho phụ nữ mang thai có tiếp xúc với những người bị nhiễm virus viêm gan A cấp tính và trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh từ mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh phải được tiêm globulin miễn dịch viêm gan A trong vòng 48 giờ sau khi sinh.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ vượt trội hơn so với nguy cơ lây truyền virus viêm gan A qua đường sữa. Do đó, các bà mẹ được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất là trong 6 tháng đầu.

3.2. Điều trị viêm gan B

Viêm gan virus trong giai đoạn thai kỳ - Ảnh 5.

Các mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ.

Mục tiêu để tiến hành điều trị viêm gan B khi mang thai là giúp giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con, ngăn ngừa sự phát triển và tăng sinh siêu vi B trong cơ thể mẹ. Phụ nữ mang thai sẽ cần phải nhập viện để điều trị khi có triệu chứng của viêm gan B cấp, nâng cao thể trạng, cân bằng dinh dưỡng, điện giải…

Các mẹ bầu cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cần hạn chế ăn các chất béo, sử dụng các loại nước có ngọt hay các các chất kích thích, có cồn khác như rượu, bia. Việc hạn chế các loại chất này sẽ góp phần hạn chế sự phát triển, sinh sôi của siêu vi B ở cơ thể của mẹ.

Người nhiễm virus viêm gan B trong giai đoạn thai kỳ sẽ được sử dụng thuốc kháng virus như Tenofovir trong giai đoạn 3 tháng cuối thi kỳ. Hiện chưa rõ tác dụng của thuốc này trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, tuy nhiên người mẹ cần được theo dõi chặt chẽ trong vòng 6 tháng sau khi ngưng thuốc để tránh xảy ra tình trạng bùng phát virus.

Phương pháp mổ lấy thai để giảm khả năng lây truyền của virus viêm gan B từ mẹ sang con không được khuyến cáo.

Trẻ sinh ra từ người mẹ viêm gan B sẽ được tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau sinh ngoài mũi vaccine phòng viêm gan B thông thường như các trẻ khác. Mục đích của việc tiêm hai mũi này là để tạo ra miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động cho trẻ, giúp giảm tỷ lệ lây truyền virus từ mẹ sang con.

3.3 Điều trị viêm gan C

Hiện chưa có vaccine để bảo vệ cơ thể chống lại căn bệnh viêm gan C. Cách duy nhất để ngăn ngừa xảy ra bệnh là tránh các hành vi dễ làm lây lan virus và thực hiện xét nghiệm viêm gan C để phát hiện sớm căn bệnh này.

Các thuốc điều trị viêm gan C hiện nay như Ribavirin và Interferon không được sử dụng trong giai đoạn thai kỳ vì các loại thuốc kháng virus này đều có khả năng gây quái thai.

Do đó, trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan C trong giai đoạn thai kỳ sẽ không được sử dụng thuốc điều trị. Thuốc này cũng không được dùng khi nuôi con bằng sữa mẹ vì chưa có đủ nghiên cứu làm rõ ảnh hưởng của thuốc qua sữa mẹ.

3.4 Điều trị viêm gan E

Viêm gan E không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu nghỉ ngơi, tránh bia rượu và các chất độc hại cho gan, dùng các thuốc hỗ trợ bảo vệ màng tế bào gan, tăng cường chuyển hóa, khử các gốc tự do, lợi mật,…

Virus viêm gan E có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng, vệ sinh cá nhân và làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Lưu ý: tiêm phòng vaccine gồm 3 mũi được tiêm vào tháng 0 - tháng thứ 1 - tháng thứ 6.

Người mẹ nhiễm virus viêm gan E vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ.

3.5 Điều trị viêm gan do nhiễm virus Herpes simplex

Việc điều trị viêm gan do HSV và tiên lượng sau đó phụ thuộc rất nhiều vào thời gian mắc bệnh. Bác sĩ có thể điều trị viêm gan do nhiễm virus herpes simplex bằng thuốc kháng acyclovir, Foscarnet hoặc Cidofovir. Liệu pháp kháng virus có thể thành công trong việc đảo ngược quá trình bệnh.

Ngoài ra, phương pháp ghép gan cũng có thể là lựa chọn cuối cùng nếu việc điều trị bằng thuốc không đặc hiệu. Tuy nhiên, phương pháp ghép gan gây nguy cơ tử cao cho thai phụ.

Cúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhiCúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhi

SKĐS - Cúm là một bệnh đường hô hấp có thể gây những biến chứng nguy hiểm với phụ nữ mang thai và ảnh hưởng đến thai nhi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà.

Khánh Anh
Ý kiến của bạn