Bà bầu bị thủy đậu có nên phá bỏ thai?

PGS.TS Đỗ Duy Cường

PGS.TS Đỗ Duy Cường

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai

15-02-2017 15:51 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai khi bị thủy đậu cần phải được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ sản khoa...

Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai hiện đang điều trị cho một phụ nữ mang thai 10 tuần (tại Thường Tín, Hà Nội) mắc bệnh thủy đậu.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 13/2 trong tình trạng sốt, phát ban, nổi phỏng nước. Bệnh nhân cho biết cách đây 2 tuần, chị có tiếp xúc với người cháu mắc bệnh thủy đậu.

Cho đến thời điểm hiện tại, các xét nghiệm của thai phụ này vẫn bình thường. Tuy nhiên, TS. Cường cho hay, các bác sĩ vẫn theo dõi sát sao và tiến hành hội chẩn sản khoa để kịp thời phát hiện bất thường nếu có.

Trên thực tế, không ít chị em khi mang thai mắc bệnh thủy đậu đã vội vàng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai vì lo ngại con sinh ra bị dị tật. Song, TS. Cường cho rằng, bà bầu nhiễm thủy đậu – nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ nên thận trọng, theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, không phải cứ mẹ mắc thủy đậu là sinh ra con dị dạng, câm điếc… Nếu được theo dõi điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường, chị em không nên quá lo lắng. Để tránh mắc phải bệnh thủy đậu trong quá trình mang thai, chị em nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi có thai.

thủy đậuThai phụ mắc thủy đậu đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

Bệnh thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân, là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

“Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Người bị thủy đậu đa số tự khỏi và không để lại sẹo, tỉ lệ gây biến chứng chỉ 1%. Cá biệt có một số trường hợp bị bội nhiễm vẫn hình thành sẹo”- TS. Cường nói.

Xem thêm: Cách phân biệt bệnh sởi và thủy đậu

Không kiêng tắm khi bị thủy đậu

Nhiều người khi biết mình mắc thủy đậu lại kiêng khem, che chắn quá mức. Thậm chí đến viện điều trị trong tình trạng toàn thân bịt kín mít, theo TS. Cường, điều này dễ dẫn đến bội nhiễm khiến bệnh lâu khỏi hơn.

siêu âm thaiẢnh minh họa.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh thủy đậu nên giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa bình thường nhưng chú ý không nên tắm bằng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao. Khi tắm rửa xong cần dùng khăn sạch lau khô, bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên bôi kháng sinh mỡ vì bệnh do vi rút gây ra dùng kháng sinh không có tác dụng, chỉ khi bội nhiễm mới dùng kháng sinh.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi; phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có thai.


Dương Hải
Ý kiến của bạn