Azithromycin trị nhiễm trùng do vi khuẩn, ai không nên dùng?

17-03-2023 09:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Azithromycin là một trong những thuốc kháng sinh dùng trong điều trị các bệnh do vi khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm trùng da... Tuy nhiên, có một số người lại cần thận trọng khi dùng loại kháng sinh này.

1. Kháng sinh azithromycin dùng khi nào?

Kháng sinh azithromycin được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau do vi khuẩn gây ra như:


  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phổi mắc tại cộng đồng.
  • Nhiễm trùng da: Mụn, áp xe.
  • Viêm tai giữa.
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Ngoài ra, azithromycin đã từng được chỉ định để điều trị lỵ do nhiễm Shigella, nhiễm vi khuẩn H.Pylori, trong loét dạ dày tá tràng...

Azithromycin có thể uống (dạng viên nang, bột pha hỗn dịch) hoặc pha dịch truyền tĩnh mạch. Thuốc còn có dạng dung dịch dùng để nhỏ mắt (trị nhiễm khuẩn mắt).

Ai không nên dùng kháng sinh azithromycin? - Ảnh 1.

Chỉ dùng thuốc sau khi được bác sĩ khám, tư vấn kỹ và kê đơn.

2. Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh azithromycin

Trong quá trình sử dụng thuốc, người dùng có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Trên đường tiêu hóa với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, co cứng cơ bụng, đầy hơi, tiêu chảy, nhưng thường nhẹ.
  • Toàn thân như mệt mỏi, phát ban, đau đầu và chóng mặt, ngủ gà...
  • Nếu sử dụng lâu dài ở liều cao, azithromycin có thể làm giảm sức nghe (nhưng có hồi phục) ở một số người bệnh.

Đa số các tác dụng phụ xảy ra khi dùng thuốc đều nhẹ hoặc trung bình và thường hồi phục sau khi ngừng thuốc. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm xảy ra, nhưng nếu xảy ra cần được xử lý kịp thời.

Không nên sử dụng kháng sinh này trị nhiễm khuẩn cho người đã từng có vấn đề về gan (vàng da) do dùng azithromycin; cần thận trọng ở người có chức năng gan bị tổn thương (do thuốc đào thải chủ yếu qua gan); người đã bị dị ứng với thuốc này hoặc với bất kỳ kháng sinh nào thuộc nhóm macrolid (như erythromycin, clarithromycin...).

Một số nghiên cứu lâm sàng gần đây còn cho thấy, azithromycin có liên quan tới nguy cơ tử vong và rối loạn nhịp tim nghiêm trọng khi sử dụng thuốc trong một thời gian dài. Vì vậy, cần thận trọng cân nhắc khi sử dụng azithromycin khi phối hợp nhiều thuốc cho người bệnh đã có bệnh tim.

Người lớn tuổi có thể có nhiều khả năng có tác dụng phụ trên nhịp tim, trong đó có tỷ lệ tim nhanh đe dọa tính mạng.

3. Cách dùng thuốc an toàn

Để dùng thuốc an toàn, trước khi dùng thuốc:

- Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết nếu từng bị dị ứng với thuốc này này hoặc các kháng sinh khác cùng nhóm (erythromycin, clarithromycin, telithromycin) hoặc bất kỳ dị ứng thuốc nào khác hay khôn; có tiền sử bệnh gan, bệnh thận, nhược cơ... để bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi kê đơn thuốc.

Ai không nên dùng kháng sinh azithromycin? - Ảnh 3.

Người có tiền sử dị ứng thuốc, mắc các bệnh lý gan, thận... cần thông báo cho bác sĩ biết trước khi kê đơn thuốc.

- Khi đã được kê đơn, bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng, thời gian dùng thuốc... theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi liều dùng (thêm hay bớt liều) hoặc dùng thời gian lâu hơn so với khuyến cáo.

- Thuốc có thể dùng lúc đói hoặc no, nhưng nên dùng cùng một khung giờ trong ngày để đảm bảo lượng thuốc duy trì ổn định, tăng tác dụng của thuốc.

- Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dùng thuốc vì azithromycin có thể làm cho da bị cháy nắng một cách dễ dàng hơn.

- Lưu ý đến tương tác thuốc: Không nên dùng các thuốc kháng acid có chứa nhôm hoặc magiê (trong điều trị đau dạ dày), trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng azithromycin, vì sẽ làm giảm hiệu quả kháng sinh.

- Tuy hiếm gặp, nhưng azithromycin có thể ảnh hưởng đến nhịp tim nhanh, nhịp không đều nghiêm trọng (hiếm khi gây tử vong) và các triệu chứng khác (chóng mặt nặng, ngất xỉu). Nếu gặp phải hiện tượng này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện hoặc gọi ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc y tế ngay lập tức.

Mời độc giả xem thêm video:

Những cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc

BS.Nguyễn Quốc Cường
Ý kiến của bạn