Nhìn lại năm 2016, có thể thấy việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt nhiều dấu ấn quan trọng, đó là tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo và gia tăng. Ðặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh BHYT đã được triển khai một cách đồng bộ tại các tuyến y tế. Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn đã dành cho phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Ðời sống cuộc trao đổi về những nội dung này...
Ông Phạm Lương Sơn.
PV: Theo ông, vì sao năm 2016 tỷ lệ người dân tham gia BHYT lại gia tăng nhanh chóng và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao khi đạt con số ấn tượng bao phủ 81,3% dân số?
Ông Phạm Lương Sơn: Có thể nói, năm 2016, ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên các mặt công tác. Số thu BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt 255.000 tỷ đồng, hoàn thành 100,4% kế hoạch; tăng 38.000 tỷ đồng (17%) so với năm 2015. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 81,3% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.
Về tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 81,3%, trước hết tôi cho rằng, để đạt được con số ấn tượng này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ban ngành liên quan và sự đồng lòng tham gia BHYT của người dân. Riêng về phía cơ quan BHXH, phát triển đối tượng tham gia BHYT được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu thu hút người dân tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi của BHYT. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT, nhất là BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Qua đó, giúp người dân hiểu sâu hơn về chế độ, chính sách BHYT, BHXH; đồng thời, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT thuộc các đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên.
BHXH Việt Nam đã thành lập tổ thường trực nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT...
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc đến vai trò quan trọng của ngành y tế trong việc đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách quy trình khám, chữa bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt để vận động người dân tham gia BHYT. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng KCB, các đơn vị y tế còn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động nhằm trau dồi y đức, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Bộ quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên nên đã xử lý và chấn chỉnh kịp thời những đơn vị sai phạm trong khám, chữa bệnh BHYT.
Năm 2016, ngành BHXH và y tế ước tính phục vụ trên 144 triệu lượt người KCB có thẻ BHYT, tăng 14 triệu lượt người (10,8%) so với năm 2015.
PV: Thưa ông, cùng với tỷ lệ người dân tham gia BHYT gia tăng, năm 2016 cũng đặt dấu ấn quan trọng khi việc ứng dụng CNTT vào giám định BHYT tại các cơ sở y tế đã được triển khai đồng bộ. Xin ông cho biết, kết quả bước đầu của việc triển khai này?
Ông Phạm Lương Sơn: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giám định BHYT đã được BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt. Hiện nay, hơn 12.000 cơ sở y tế (trừ những cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, internet) đã thực hiện giao dịch và chuyển dữ liệu trực tiếp lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT. Số trạm y tế xã chưa kết nối sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua trung tâm y tế huyện để nhập dữ liệu.
Có thể nói, công tác ứng dụng CNTT vào quản lý được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT được xây dựng đảm bảo cho việc vận hành theo đúng kế hoạch đề ra; Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT được đồng bộ và kết hợp với dữ liệu có liên quan khác như dữ liệu quản lý thu, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT..., để sớm hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ.
PV: Vậy theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc, việc ứng dụng CNTT vào giám định BHYT mang lại những thuận lợi gì?
Ông Phạm Lương Sơn: Hiện nay, ngành BHXH đang phục vụ gần 75 triệu người tham gia BHYT. Với tần suất KCB khoảng 140 triệu lượt người/năm thì việc giám định BHYT điện tử sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Bởi, nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một chữ ký, nghĩa là cả nước sẽ bớt được 140 triệu chữ ký/năm; nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một dòng viết cũng có nghĩa cả nước sẽ bớt được 140 triệu dòng viết/năm... Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT sẽ giúp cho các chính sách mới về BHYT như thông tuyến KCB, điều chỉnh giá viện phí, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc..., được tổ chức thực hiện kịp thời, đúng quy định. Việc tham gia quá trình đấu thầu mua thuốc BHYT được tập trung chỉ đạo và bước đầu đã hạn chế bất hợp lý về giá thuốc BHYT. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, chống trục lợi quỹ KCB BHYT được thực hiện kịp thời, góp phần kiểm soát chi phí KCB BHYT trong phạm vi dự toán được giao.
Với 99,5% BHXH các tỉnh, thành phố, các cơ sở KCB kết nối thành công vào hệ thống thông tin giám định BHYT, trong bối cảnh thực hiện liên thông tuyến KCB hiện nay, hệ thống giám định BHYT điện tử này sẽ là công cụ hiệu quả để BHXH Việt Nam ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi nhằm quản lý hiệu quả chi phí KCB BHYT. Đây là cơ sở để người dân tin tưởng vào hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT, yên tâm khi tham gia BHYT, đẩy nhanh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: TM
PV: Để triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách BHYT, đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, năm 2017, BHXH sẽ tập trung vào những công việc gì, thưa ông?
Ông Phạm Lương Sơn: Mặc dù đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 81,3% chỉ tiêu bao phủ, nhưng kết quả này chưa thể khẳng định là bền vững, bởi do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất là BHYT tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về chính sách BHXH, BHYT của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế; tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT chưa được giải quyết triệt để; khả năng đáp ứng và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân của hệ thống y tế còn một số tồn tại, các thủ tục hành chính chưa thuận tiện... ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người bệnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT chưa đồng bộ, một bộ phận người dân, công nhân lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH, BHYT.
Để thực hiện được các chỉ tiêu hàng năm do Thủ tướng Chính phủ giao về BHYT, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan trong thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trong đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối kết hợp và tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT giai đoạn 2016-2020. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, như xây dựng kế hoạch riêng về công tác truyền thông, có sự phối hợp triển khai đảm bảo phù hợp với từng đối tượng.
Hoạt động tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, đến tất cả các nhóm đối tượng với nhiều hình thức tiếp cận khác nhau, như trao đổi thông tin, tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn cho người dân về BHYT, đảm bảo cho mọi đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia.
Củng cố và hoàn thiện mạng lớp cung ứng dịch vụ thẻ BHYT bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý của ngành BHXH. Xây dựng và củng cố mạng lưới đại lý thu BHYT rộng về đến các thôn, xóm, tổ dân phố. Đồng thời tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm cải cách hành chính, tạo môi trường giao dịch điện tử thuận lợi, hiệu quả giữa cơ quan BHXH và người tham gia.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH trong các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, việc thực hiện các quy định về chuyên môn trong khám, chữa bệnh, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về BHYT, hành vi lợi dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT..., tất cả nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng giám đốc!