Sáng 27/5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Điều 60, Luật BHXH (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu đều nhận định, các quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần tại Điều 60 là thể hiện quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về mở rộng diện bao phủ BHXH, đáp ứng quyền lợi lâu dài người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các đại biểu cũng cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân thấy được những ưu việt của Luật BHXH.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, việc Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã vấp phải sự không đồng tình của một bộ phận công nhân là điều đáng tiếc. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được thực hiện tốt.
Cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động tham gia BHXH. Ảnh TM
Các đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đều khẳng định, về quy trình, thủ tục xây dựng dự án luật từ khâu soạn thảo đến khâu thẩm tra, đến lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật đều được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Điều 60 là phù hợp với xu hướng của thế giới, khuyến khích người lao động đóng để hưởng lương hưu và giảm áp lực ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng khẳng định, nội dung Điều 60 là sự thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ của BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động của Đảng và Nhà nước; đồng thời có sự nghiên cứu, tranh thủ tư vấn của các tổ chức quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển chung của hầu hết các nước trên thế giới. Về lâu dài, điều luật này hoàn toàn phù hợp và cũng là điểm mới so với Luật BHXH năm 2006. Đại biểu Sơn cho rằng: “Có vấn đề về triển khai, về tuyên truyền, nhận thức. Phía cơ quan chức năng chưa tiếp nhận tư vấn đầy đủ về lợi ích lâu dài của chính sách... Có khi do cuộc sống, do sự lựa chọn về tính chất nghề nghiệp và cũng còn yếu tố tâm lý do sự kích động phong trào nên đã xảy ra đình công của người lao động”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: Công nhân phản ứng Điều 60 là đúng nhưng không đủ, vì chưa quan tâm đầy đủ lợi ích thực tiễn của cộng đồng người lao động khác nhau. Trong một người lao động cũng có 2 loại lợi ích: Lợi ích bảo lưu để lĩnh lương về hưu sau này, một lợi ích lĩnh ngay. Đôi lúc, lợi ích này dao động. Khi người ta thấy nhà máy này sắp dẹp hoặc tệ quá, điều kiện đời sống gia đình ở dưới quê khó khăn và phải quay về quê thì lợi ích này dao động. Phản ứng của một bộ phận công nhân vừa qua là thiểu số, nhưng vẫn là đối tượng của luật. Vì thế, đại biểu Nghĩa cho rằng: Sửa Điều 60 hay ra một Nghị quyết điều chỉnh lại cũng phải bảo đảm quyền lựa chọn chính đáng và hợp pháp của người công nhân. Cùng với nó chúng ta phải xây dựng nền kinh tế làm sao để càng ngày càng có nhiều người sẽ lựa chọn phương án bảo lưu hay phương án hưởng BHXH khi đúng tuổi hưu trí.
Trong khi đó, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề: Chúng ta nên có khảo sát lao động của từng khu vực, từng ngành, nghề để đưa ra quyết định cho đúng đắn, đừng nhìn nhận một hiện tượng để đánh giá bản chất, làm méo mó chính sách đi ngược với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, không đúng với bản chất của bảo hiểm hưu trí và không phù hợp với xu hướng văn minh, tiến bộ của khu vực, thế giới. Trước mắt, khi luật chưa có hiệu lực, người lao động muốn hưởng BHXH một lần vẫn thực hiện theo Luật BHXH năm 2006.
Đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề, đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng, vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến NLĐ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH các cấp và hệ thống thông tin truyền thông; sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ chính sách của Nhà nước.
Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cũng kiến nghị: Các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích và lấy ý kiến của người lao động về Điều 60. Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh để buộc các đơn vị sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH đầy đủ và đúng hạn.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng Điều 60 là một điều luật nhân văn tiến bộ và thực hiện được mục tiêu bảo đảm chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Nhưng bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thấy rằng nên tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động là chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm của người lao động.
Về vấn đề sửa hay không sửa Điều 60, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội dự kiến sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội.
Nguyễn Hoàng (tổng hợp)
- Sai số khó lý giải trên thẻ bảo hiểm y tế
- “Gỡ vướng” cho bảo hiểm y tế hộ gia đình
- Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Dân có chịu thiệt?
- Bảo hiểm y tế cắt giảm chi trả một số thuốc điều trị ung thư
- 1.064 thuốc tân dược được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán
- Mức đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương từ 1/1/2015
- Đơn giản hóa nhập hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi
- Bộ Y tế không thờ ơ với “Hàng trăm bệnh nhân không được khám bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ”
- Kiên quyết ngăn chặn gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- Kiểm tra thông tin “hàng loạt bệnh viện bị xuất toán bảo hiểm y tế”
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế với tỉ lệ cao
- Tăng cường giám định, chống trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế
- Xử lý nhân viên “rút ruột” bảo hiểm y tế
- Không còn “lựa chọn ngược” khi bắt buộc tham gia Bảo hiểm Y tế
- Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi
- Thẻ bảo hiểm y tế điện tử, tại sao không?
- Người dân được hưởng quyền lợi gì từ sửa luật bảo hiểm y tế ?
- Bảo hiểm y tế có bắt buộc với mọi đối tượng?