Ðẩy lùi tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

26-01-2016 08:11 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bất cứ loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra các tác dụng phụ ở các mức độ khác nhau.

Bất cứ loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra các tác dụng phụ ở các mức độ khác nhau. Với các loại thuốc có tác động lên cơ quan não bộ như thuốc chống trầm cảm, các tác dụng phụ cũng thật đáng ngại. Đây chính là lý do khiến bệnh nhân muốn bỏ thuốc giữa chừng và giảm hiệu quả điều trị.

Bất lợi khi dùng thuốc

Các loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm được sử dụng phổ biến là loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin, amitriptylinoxide, clomipramine, nortriptyline...) và loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) gồm: fluoxetine, dapoxetine, paroxetine... Ngoài ra còn có thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) gồm: desvenlafaxine, duloxetine, venlafaxine; các thuốc như chất ức chế monoamine oxidase (MAO) và tricyclics. Với từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc, liều dùng và thời gian dùng thuốc.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây một số tác dụng phụ. Người bệnh không tự ý ngừng thuốc mà phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Thuốc điều trị trầm cảm là loại thuốc phải dùng lâu dài. Thuốc điều trị gồm giai đoạn tấn công và điều trị duy trì. Thời gian điều trị tấn công thường kéo dài từ 6-12 tuần, sau đó phải tiếp tục điều trị duy trì khi những triệu chứng của trầm cảm đã hết hoàn toàn. 6 tháng là thời gian ít nhất cho mỗi đợt điều trị bệnh. Với các trường hợp trầm cảm kinh niên cần phải uống thuốc lâu hơn, tính hàng năm thậm chí có trường hợp phải dùng thuốc suốt đời. Thế nhưng người bệnh lại thường nôn nóng khi dùng thuốc, muốn dừng thuốc ngay khi các triệu chứng được cải thiện làm cho bệnh không khỏi, thậm chí còn nặng hơn.

Thuốc chống trầm cảm là những thuốc để lại nhiều tác dụng phụ. Với loại thuốc chống trầm cảm ba vòng, tác dụng phụ hay gặp nhất là: nhịp tim nhanh, tụt huyết áp tư thế, khô miệng, táo bón, bí tiểu, rối loạn chức năng tình dục và bệnh nhân có thể xuất hiện nhìn mờ. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng an dịu, gây ngủ. Đây là một tác dụng tốt vì phần lớn bệnh nhân trầm cảm bị mất ngủ. Nhưng cảm giác buồn ngủ xuất hiện vào ban ngày thì lại là trở ngại, khiến bệnh nhân mất tập trung trong học tập và làm việc. Loại thuốc chống trầm cảm SSRI là những thuốc mới, ít tác dụng phụ hơn đối với hệ tim mạch nhưng cũng có một số tác dụng phụ cần phải lưu ý là gây tăng cân, nhất là đối với phụ nữ. Với nam giới thì còn đáng ngại hơn vì thuốc ảnh hưởng tới tình dục, làm giảm khả năng cương, làm giảm ham muốn tình dục đối với cả nam và nữ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân thường bỏ thuốc điều trị giữa chừng.

Làm gì để hạn chế?

Buồn nôn: Là tác dụng phụ thường thấy nhất của thuốc và cũng là lý do khiến bệnh nhân muốn ngưng thuốc. Ðể tránh buồn nôn, nên uống thuốc khi no bụng, uống thuốc với nhiều nước.

Tăng cân: Có thể là do giữ nước trong cơ thể, mặt khác thuốc chống trầm cảm khiến bệnh nhân ăn ngon hơn, yêu đời hơn, vì vậy khả năng hấp thụ thức ăn cũng tốt hơn. Ðể tránh tăng cân, nên ăn nhiều rau trái cây và các loại hạt, tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên báo cho bác sĩ biết là đang lên cân để có thể lựa thuốc khác cùng công hiệu mà giảm tác dụng phụ này.

Mất ngủ: Nên uống thuốc vào buổi sáng, hạn chế sử dụng thực phẩm có caffein. Người bệnh nên tập yoga, thư giãn hoặc thiền trước khi đi ngủ. Nếu cần, có thể đề nghị bác sĩ cho uống thêm thuốc an thần vào buổi tối.

Kích động, bồn chồn, lo lắng: Dưới tác dụng của một số loại thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân cảm thấy như có nhiều sinh lực, tinh thần quá kích động, đứng ngồi không yên. Ðể giảm khó chịu này, có thể xin bác sĩ cho dùng thuốc an thần một thời gian ngắn và tập thiền, thư giãn, tham gia tập thể dục nhẹ nhàng.

Mệt mỏi, buồn ngủ: Để tránh khó chịu, nên uống thuốc 2 giờ trước khi đi ngủ; cố gắng ngủ 15-30 phút buổi trưa, vận động nhẹ, không lái xe cho tới khi hết mệt mỏi.

Rối loạn tình dục: Đây là tác dụng phụ rất đáng ngại. Tuy nhiên ảnh hưởng ở mỗi bệnh nhân khác nhau. Ðể tránh tác dụng ngoại ý này, nên thông báo với bác sĩ ngay khi thấy có các dấu hiệu: giảm ham muốn, rối loạn cương... Bệnh nhân có thể được đổi thuốc điều trị và được tư vấn lập kế hoạch “quan hệ” trước giờ uống thuốc.

Táo bón: Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau trái cây, vận động cơ thể đều đặn. Nếu tình trạng táo bón không cải thiện có thể đề nghị bác sĩ cho dùng thêm thuốc nhuận tràng.

Những lưu ý từ người bệnh

Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc giữa chừng hoặc tự dùng thêm thuốc khác mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi mới dùng, thuốc chống trầm cảm không có tác dụng ngay, mà phải từ 2-4 tuần  sau khi dùng mới thấy hiệu quả. Khi cảm thấy các triệu chứng bệnh đã hết vẫn phải dùng thuốc điều trị duy trì. Nếu một loại thuốc có tác dụng tốt mà ngưng quá sớm thì thuốc không phát huy được hiệu quả chữa bệnh, bệnh sẽ nhanh tái phát và quá trình điều trị sau này sẽ lâu hơn và tốn kém hơn. Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy mệt mỏi, người bệnh không nên gắng sức làm việc bằng bất cứ giá nào. Quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp nhiều thay đổi về cơ thể, tâm lý nhưng không nên nghỉ việc. Bởi nếu không ở trong môi trường tập thể, người bệnh sẽ cảm thấy mình cô độc, bệnh dễ chuyển sang hướng tiêu cực hơn. Người bệnh nên tham gia các hoạt động đoàn thể, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, tăng cường hoạt động thể dục thể thao, khiêu vũ vừa sức, để thấy yêu đời hơn. Không uống bia, rượu khi đang dùng thuốc vì bia rượu làm giảm hiệu quả của thuốc chống trầm cảm.


BS. Đinh Tùng Anh
Ý kiến của bạn