Axit amin và ứng dụng trong dinh dưỡng điều trị

23-07-2020 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Axit amin từ lâu đã được khám phá với nhiều vai trò và chức năng sinh lý đối với cơ thể. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, axit amin phát huy vai trò tích cực trong hỗ trợ dinh dưỡng điều trị. Vừa qua, tại Hội thảo khoa học chuyên đề: “Cập nhật các phương pháp đánh giá và can thiệp dinh dưỡng tích cực người bệnh”, TS.BS. Phạm Đức Minh - Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã cập nhật một số vai trò quan trọng trong dinh dưỡng của nhiều axit amin như BCAA, cystine, theanine và glutamate.

BCAA hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn tính và xơ gan mất bù

Axit amin là thành phần cơ bản cấu trúc nên protein (chất đạm). Chất đạm được cấu tạo bởi sự kết hợp của 20 loại axit amin; trong đó có 9 axit amin thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được mà phải bổ sung từ thực phẩm. Trong nhóm này, 3 axit amin là valine, leucine và isoleucine là các axit amin thiết yếu chuỗi nhánh, gọi tắt là BCAA (branched-chain amino acids). BCAA chiếm 30-40% tổng lượng axit amin thiết yếu trong protein của cơ thể con người.

TS.BS. Phạm Đức Minh - Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y chia sẻ vai trò quan trọng của axit amin trong dinh dưỡng.

TS.BS. Phạm Đức Minh - Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y chia sẻ vai trò quan trọng của axit amin trong dinh dưỡng.

Bên cạnh hỗ trợ người tập luyện thể thao phát triển cơ bắp, ngăn ngừa mệt mỏi, giảm đau cơ..., BCAA còn hỗ trợ dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân xơ gan mất bù và suy thận mạn tính. Cụ thể, việc bổ sung axit amin chuỗi nhánh qua đường uống có thể cải thiện cảm giác thèm ăn, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng giảm albumin máu cho các bệnh nhân này, đồng thời giúp duy trì chức năng thận ở bệnh nhân suy thận và cải thiện kết quả lâm sàng ở bệnh xơ gan tiến triển.

Glutamate duy trì vị ngọn của các thực đơn giảm muối

Glutamate là một loại axit amin phổ biến trong tự nhiên, tồn tại dồi dào trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả... Vào năm 1908, giáo sư Kikunae Ikeda đã khám phá ra khả năng tạo ra vị ngon, vị ngọt thịt hay được gọi là “vị umami” của glutamate. Từ đó, ông cũng nghiên cứu và phát minh ra “gia vị umami” được biết đến như mì chính (bột ngọt).

Glutamate giúp món ăn giàu vị umami, làm hài hòa các vị cơ bản khác, giúp món ăn ngon hơn, tăng cảm giác thèm ăn, tăng khả năng tiết nước bọt, dịch vị, từ đó giúp tiêu hóa tốt hơn các bữa ăn giàu đạm. Thông qua hỗ trợ chức năng tiêu hóa, nâng cao chất lượng bữa ăn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Axit amin từ lâu đã được khám phá với nhiều vai trò và chức năng sinh lý đối với cơ thể.

Axit amin từ lâu đã được khám phá với nhiều vai trò và chức năng sinh lý đối với cơ thể.

Bên cạnh đó, BS. Đức Minh chia sẻ, bột ngọt cũng được ứng dụng nhiều trong các thực đơn giảm muối nhờ vào khả năng duy trì vị ngon của thực phẩm. Cụ thể, bột ngọt chứa hàm lượng natri thấp, chỉ bằng 1/3 muối ăn; đồng thời, khi thay thế một phần muối ăn bằng bột ngọt có thể giảm đến 50% lượng muối ăn vào và 31.5% lượng natri ăn vào mà vẫn giữ nguyên vị ngon của món ăn. Khả năng này của bột ngọt đã giúp bệnh nhân hoặc những người khỏe mạnh dễ dàng theo đuổi chế độ ăn giảm muối tốt cho sức khỏe và được các cơ quan y tế, sức khỏe tại nhiều nước như Mỹ, Nhật, Malaysia... khuyến nghị thực hiện.

Nhiều cơ quan y tế và sức khỏe thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA), Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản... đánh giá bột ngọt là an toàn khi được sử dụng dưới dạng gia vị trong chế biến món ăn, không có mối nguy nào đối với trẻ em được chỉ ra khi sử dụng bột ngọt. JECFA và EC/SCF đưa ra liều dùng hàng ngày (ADI) của bột ngọt là “không xác định”, mỗi người có thể sử dụng theo khẩu vị và thói quen của mình.

Cystine và theanine trong tăng cường hệ miễn dịch

Cystine và theanine là 2 loại axit amin có khả năng tổng hợp glutathione trong gan, một yếu tố có tác dụng chống oxy hóa và kiểm soát phản ứng miễn dịch, đồng thời cũng gia tăng đáng kể quá trình sản xuất kháng thể IgG. Đây là kháng thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và độc tố, cũng là loại kháng thể duy nhất có thể đi qua nhau thai vào thai nhi, tăng cường bảo vệ cho thai nhi trong tử cung.

Ngoài ra, bổ sung cystine và theanine cũng giúp ngăn mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, giảm nhẹ các triệu chứng và thời gian mắc cảm cúm, cảm lạnh. Hơn nữa, 2 axit amin này còn giúp ức chế sự gia tăng viêm nhiễm và ức chế sự phá hủy miễn dịch trong quá trình tập luyện hoặc phẫu thuật.


Ý kiến của bạn