Ngày 16/12, diễn ra lễ ký kết giữa Học Viện Phi Công - Hàng Không Australia (AAPA) và Trung tâm Đào tạo Bay Việt để triển khai đào tạo cho các học viên phi công của Việt Nam tại Australia lần đầu tiên.
“Mô hình hợp tác này là một ví dụ điển hình về nỗ lực của Australia trên lĩnh vực ngoại giao kinh tế nhằm đạt được kết quả thương mại, vì lợi ích của cả hai nước Australia và Việt Nam”, Đại sứ Australia Hugh Borrowman nhận xét. “Tôi tin tưởng rằng các học viên phi công Việt Nam, khi đến Australia, ngoài việc học các kỹ thuật vận hành và điều khiển phi cơ, cũng sẽ học cách làm việc trong môi trường hàng không chuyên nghiệp vốn rất khác biệt với bối cảnh hàng không chung”.
Đại sứ Australia Hugh Borrowman cùng các quan chức cao cấp của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam chứng kiến lễ ký kết giữa Học Viện Phi Công - Hàng Không Australia (AAPA) và Trung tâm Đào tạo Bay Việt diễn ra tại Hà Nội vào ngày 16/12/2015.
Ngành công nghiệp hàng không ở Việt Nam có những bước phát triển đầy ấn tượng trong thời gian qua, với các hãng hàng không trong nước không ngừng nhanh chóng mở rộng mạng lưới và đầu tư trang bị các đội tàu bay hiện đại. Quá trình phát triển của ngành cũng tạo ra áp lực rất lớn cho các sân bay, hạ tầng kiểm soát không lưu và lực lượng lao động hàng không có trình độ cao.
Kỷ lục về an toàn hàng không của Australia, cũng như các thế mạnh của Australia trên lĩnh vực đào tạo phi công, thiết kế, nghiên cứu phát triển, quy hoạch tổng thể, chế tạo máy, xây dựng và công nghệ thông tin đã đóng góp rất nhiều vào thành công của việc xây dựng các sân bay cùng các thành phố lớn ở Australia và trên toàn thế giới. Kinh nghiệm của Australia đã được áp dụng trên nhiều sân bay và thành phố lớn như tại London, Los Angeles, Hong Kong và Dubai.
Thông qua việc chuyển giao một số kinh nghiệm cho phía Việt Nam, Australia có thể giúp Việt Nam tăng cường an toàn hàng không, cũng như tính năng suất và hiệu quả của ngành công nghiệp này.