Hà Nội

Australia điều tra về ”kẻ điên rồ” bắt cóc con tin

19-12-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính phủ Australia đã mở cuộc điều tra về việc tại sao một người Hồi giáo đã có nhiều tiền án tiền sự lại được cấp quốc tịch và không bị theo dõi...

Chính phủ Australia đã mở cuộc điều tra về việc tại sao một người Hồi giáo đã có nhiều tiền án tiền sự lại được cấp quốc tịch và không bị theo dõi, để có thể bắt 17 người làm con tin trong một tiệm cà phê ở Sydney ngày 15/12 vừa qua.

Vụ bắt con tin này đã kết thúc ngày 16/12, sau 16 tiếng đồng hồ lực lượng an ninh bao vây tiệm cà phê, với kết quả là 3 người thiệt mạng gồm 2 con tin và kẻ bắt con tin - Man Haron Monis. Man Haron Monis là một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan sinh ra ở Iran, đã thực hiện vụ tấn công và bắt giữ gần 20 con tin, ép họ giương lá cờ mang dòng chữ liên quan đến tổ chức ISIS tại quán cà phê Lindt (khu Martin Place, Sydney) hôm 15/12, làm 2 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Vào lúc bắt con tin, Monis đang được tự do tạm thời sau khi bị truy tố về tội đồng lõa sát hại người vợ cũ. Ông ta cũng bị truy tố về hàng chục vụ tấn công và lạm dụng tình dục. Vào tháng trước, trên trang web của mình, Monis đã tuyên thệ trung thành với lãnh đạo tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nhiều người ở Australia hiện nay đã lên tiếng để yêu cầu giải thích vì sao đã chẳng có ai để ý tới một nhân vật mà chính Thủ tướng Tony Abbot gọi đã là một “kẻ điên rồ” có nhiều hành động bạo lực và có xu hướng cực đoan.

Tay súng Man Haron Monis.

Thủ tướng Abbot đã chính thức thông báo mở điều tra để xác định xem trong điều kiện như thế nào mà Monis đã đến Australia vào năm 1996, được cấp quy chế tị nạn và sau đó được nhập quốc tịch Australia. Cuộc điều tra cũng sẽ xác định xem các cơ quan tình báo đã nắm được những thông tin nào về nhân vật này và đã chia sẻ các thông tin đó ra sao. Kết quả điều tra sẽ được công bố vào tháng tới. Thủ tướng Australia đã cam kết sẽ hoàn toàn minh bạch về kết quả điều tra.Trong khi đó, an ninh đã được tăng cường tại thành phố Sydney, nơi mà hàng trăm cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố. Mục đích chủ yếu là trấn an dân chúng vào thời điểm sắp đến các dịp lễ cuối năm, vì hiện giờ, theo viên sĩ quan đặc trách an ninh ở Sydney, không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ xảy ra các vụ tương tự như vụ bắt con tin vừa qua.

Thủ tướng Australia đã đặt ra câu hỏi về luật sử dụng súng đang tồn tại, liệu một người có nhiều tiền án về tôn thờ chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và thần kinh không ổn định có nên được cấp giấy phép sở hữu súng. Ông cho rằng, luật dùng súng cần phải được thay đổi. Ông Abbott nói rằng đã có những “ngờ vực” trong Ủy ban An ninh quốc gia khi ủy ban này được tóm lược về chi tiết cuộc đời Monis, mối liên hệ giữa tay súng cực đoan này với hệ thống tư pháp ở bang New South Wales là gì? Thủ tướng Australia cũng cho rằng, người ta chỉ có thể loại bỏ ai đó ra khỏi danh sách theo dõi khủng bố nếu họ không còn là mối đe dọa nào, nhưng các nhà chức trách không hề biết sự liên hệ giữa Monis với Nhà nước Hồi giáo (ISIS) như thế nào.

Các quan chức liên bang và tiểu bang New South Wales sẽ phải xem xét, tiến hành điều tra và báo cáo vào cuối tháng 1/2015 về các vấn đề bao gồm việc Monis đã định cư ở Australia như thế nào, tại sao Monis lại được nhận tiền trợ cấp, làm sao Monis có được giấy phép sở hữu súng, tại sao ông ta được tại ngoại và tại sao lại có thể thoát khỏi danh sách nghi phạm khủng bố bị theo dõi hồi năm 2009.

Có rất nhiều vấn đề đặt ra xung quanh tay súng Man Haron Monis. Các tài liệu của tòa án cho thấy, trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, Monis nói rằng ông ta từng là một nhân viên an ninh. Thời điểm đó, Monis có giấy phép sử dụng súng, nhưng sau đó đã hết hạn. Trong khi đó, ông Andrew Scipione, Ủy viên cảnh sát bang New South Wales nói rằng, cảnh sát đã đề nghị không cho Monis tại ngoại, nhưng tòa án bác bỏ điều này. Ông này cũng cho biết, Monis không bị theo dõi như một nghi phạm khủng bố vì các tội danh trước đó của người này không liên quan đến động cơ chính trị.

Iran từng yêu cầu Australia dẫn độ tay súng trong vụ khủng hoảng con tin ở Sydney về Iran cách đây 14 năm, tuy nhiên, Australia từ chối với lý do không có thỏa thuận dẫn độ giữa hai nước. Tướng Ismail Ahmadi Moghaddam - người đứng đầu lực lượng cảnh sát Iran cho biết, Man Haron Monis bị truy nã ở Iran với cáo buộc lừa đảo khi ông này điều hành một công ty du lịch ở Iran. Cuối những năm 90, ông này chạy đến Australia sau khi trốn từ Iran đến Malaysia. Monis được bảo vệ tại Australia với tư cách người tị nạn chính trị từ năm 2001. Vào thời điểm trốn khỏi Iran, Monis tên là Mohammad Hassan Manteqi. Khi đến Australia, người này đã tạo cho mình thân phận một lãnh tụ tôn giáo để dễ dàng xin tị nạn chính trị. Trong khi đó, lúc còn ở Iran, Monis là quản lý một hãng du lịch.

(Theo AFP, Reuters)

Quỳnh Phạm

 

 

 

 

Ý kiến của bạn