Hà Nội

Ðậu tương phòng bệnh và nâng cao thể lực

16-02-2020 07:10 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Các loại đậu như đậu tương, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, bạch biển đậu... không chỉ là những thực phẩm thông dụng mà còn được coi là các vị thuốc quý trong thực tiễn phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao thể lực. Ngoài việc cung cấp một lượng tinh bột khá cao, các loại đậu còn chứa khá nhiều chất đạm và chất béo, thực phẩm rất cần thiết cho cơ thể mà lại dễ tiêu hóa.

Theo tính toán của các nhà dinh dưỡng học, trong 100g hạt (kể cả phần thải bỏ), các loại đậu đen, đậu tương, đậu xanh, đậu trắng, bạch biển đậu có tới 21-33g protid, trong khi đó tỷ lệ này ở thịt lợn nạc, thịt bò loại I chỉ là 17-20g. Ngoài ra, trong đậu còn chứa khá nhiều sinh tố và nguyên tố vi lượng quý giá mà khó có loại thực phẩm nào sánh được.

Ðậu tương phòng bệnh và nâng cao thể lựcĐậu tương dùng rất tốt cho những người suy nhược cơ thể có vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, viêm gan mạn tính.

Bởi vậy, trong y học cổ truyền, các thầy thuốc đời xưa đã rất chú trọng dùng đậu và các sản phẩm từ đậu đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác để bồi bổ sức khỏe, đồng thời lại có công dụng chữa bệnh như sau:

Bài 1:  Đậu tương, vừng đen, lạc, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ lượng bằng nhau, đường trắng lượng vừa đủ. Các vị sao thơm tán bột, trộn đều, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 30g với nước đường hoặc sữa tươi. Công dụng: tư bổ can thận, cường than đen tóc, dùng thích hợp cho những người thể chất suy nhược, sắc mặt không tươi, tóc bạc sớm hoặc rụng nhiều, có thể dùng làm bột ăn dưỡng sinh hàng ngày.

Bài 2: Bột đậu tương 100g, bột mì 100g, bột ngô 200g, trứng gà 4 quả, đường đỏ 150g, sữa bò 150g. Ba thứ bột trộn đều cùng đường đỏ, đập trứng và đổ sữa bò vào rồi chế thêm nước vừa đủ, trộn kỹ, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, mỗi ngày ăn 30-50g. Công dụng: kiện tỳ ích vị, tư âm bổ huyết, chuyên dùng cho sản phụ suy nhược, thiếu máu do thiếu sắt.

Bài 3: Đậu phụ 200g, đầu cá chép 1 cái, khiếm thực 25g, rau cần, hành, gừng tươi, dầu vừng và gia vị vừa đủ. Đầu cá làm sạch bổ đôi, ướp với gừng và gia vị rồi nấu sôi. Khiếm thực ngâm nước ấm cho mềm rồi xát bỏ vỏ, đậu phụ thái miếng rán vàng. Cho khiếm thực, đậu rán, rau cần và hành vào nồi nấu cùng đầu cá cho chín, dùng làm canh ăn trong ngày. Công dụng: bổ dưỡng não tủy, dùng cho người bị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.

Bài 4: Đậu tương 1.000g, đan sâm 500g, mật ong 250g, đường phèn 30g. Đậu tương rửa sạch, ngâm nước lạnh trong 1 giờ, sau đó đổ vào nồi ninh nhỏ lửa với 3.000ml nước cho nhừ rồi tán nhuyễn. Đan sâm rửa sạch, ngâm nước 1 giờ rồi sắc kỹ 2 lần lấy dịch chiết, bỏ bã. Trộn dịch đậu tương và dịch đan sâm với nhau, hòa mật ong và đường phèn rồi đem chưng cách thủy trong 2 giờ, để thật nguội rồi cho vào lọ, đậy kín dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần chừng 15g. Công dụng: tư âm nhuận táo, bổ ích ngũ tạng, thông kinh hoạt lạc, dùng rất tốt cho những người suy nhược cơ thể có vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, viêm gan mạn tính.


ThS. BS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn