Không phải ai cũng trải qua cảm giác ôm ngực điển hình cùng ngã xuống sàn như bạn thấy trên phim ảnh. Đôi khi các triệu chứng hoàn toàn không liên quan đến ngực và vì vậy bạn không biết rằng vấn đề là ở trái tim. Trên thực tế, đây là một hiện tượng phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường khi chỉ có một vài triệu chứng đau tim hoặc không có triệu chứng nào cả.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 20-60 % các cơn đau tim xảy ra ở những người trên 45 tuổi hoàn toàn không được nhận biết và được coi là “cơn đau tim thầm lặng”. Người càng lớn tuổi, khả năng bị đau tim thầm lặng càng lớn.
Điều gì xảy ra trong một cơn đau tim thầm lặng?
Những người bị các cơn đau tim thầm lặng thường có các triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu đến mức họ không chú ý đến nó. Họ có thể cảm thấy mình đang bị căng cơ ngực, cơ lưng, bị cúm hoặc khó tiêu. Cơn đau do đau tim có thể không ở ngực mà thay vào đó có thể cảm thấy ở phần lưng trên, cánh tay hoặc ở hàm. Nhiều người chỉ đơn giản cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân một thời gian dài. Những triệu chứng ít cụ thể hơn có thể được bỏ qua hoàn toàn hoặc có thể được quy cho một số bệnh trạng khác. Như thế, bạn có thể bị đau tim mà hoàn toàn không biết.
Điện tâm đồ chỉ ra thiếu máu cơ tim.
Đau tim thầm lặng thường được phát hiện trong một lần khám sức khỏe có đo điện tâm đồ. Vì thế, mọi người không nên bỏ qua kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm và mỗi năm nên do điện tâm đồ ít nhất một lần. Điện tâm đồ có thể cho thấy bằng chứng về tổn thương mô tim do nhồi máu cơ tim hiện tại hoặc trước đó, cung cấp bằng chứng về đau tim thầm lặng.
Các yếu tố nguy cơ: Bạn được coi là nguy cơ cao bị đau tim nếu mang ít nhất 2 yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Một số yếu tố nguy cơ này bao gồm tăng huyết áp, tiền sử gia đình mắc bệnh tim, béo phì, ít vận động, tiền sử hút thuốc, mức cholesterol LDL tăng, mức cholesterol HDL thấp, đái tháo đường type 2 hoặc mức triglyceride tăng. Những người có nguy cơ cao nhất bị đau tim thầm lặng là phụ nữ và người trên 65 tuổi. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng có nguy cơ bị đau tim thầm lặng cao hơn người không mắc bệnh.
Nhận diện một cơn đau tim
Giống như tất cả các cơ của cơ thể, trái tim cần đủ máu để thực hiện công việc của mình. Máu cho tim được truyền qua các động mạch đến các động mạch nhỏ hơn phục vụ cho cơ tim. Khi các động mạch này (được gọi là động mạch vành) bị tắc nghẽn do mảng bám và cục máu đông, tim sẽ không nhận đủ oxy và có nguy cơ bị đau tim.
Các cơn đau tim có thể xuất hiện rất dữ dội và đột ngột như trong các bộ phim. Tuy nhiên, hầu hết các cơn đau tim xuất hiện dần dần với sự đau đớn hoặc khó chịu tối thiểu khi bắt đầu. Các dấu hiệu điển hình của cơn đau tim bao gồm:
Khó chịu ở vùng ngực: Thường xảy ra gần phần trung tâm và kéo dài chỉ vài phút một lần. Người bệnh thường chỉ cảm thấy hơi khó chịu. Cũng có người cảm thấy đau nhói, đau ở ngực hoặc cảm giác nặng ở ngực.
Khó chịu ở vùng khác: Người bệnh có thể thấy cơn đau lan ra lưng, một hoặc cả hai cánh tay, dạ dày hoặc vùng cổ.
Khó thở: Đôi khi đây có thể là triệu chứng duy nhất khi bạn bị đau tim.
Các triệu chứng khác: Một số người sẽ chỉ thấy toát mồ hôi lạnh hoặc cảm thấy chóng mặt, buồn nôn.
Phụ nữ khác với nam giới, cơn đau tim ở phụ nữ ngoài đau ngực còn kèm thêm các triệu chứng khác như đau lưng, buồn nôn và nôn, khó thở hoặc đau ở hàm.
Đau tim không chỉ có triệu chứng đau ngực điển hình.
Làm gì khi bị đau tim?
Khi bị đau tim, dù có triệu chứng hay không, bạn vẫn cần phải điều trị. Ngoài các trường hợp cấp tính cần phẫu thuật thì điều trị nội khoa và thay đổi lối sống là biện pháp cần được áp dụng.
Thuốc: Có thể dùng các thuốc điều trị như aspirin chống kết tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta để giảm nhịp tim để tim không phải làm việc quá sức và nhờ đó giảm huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm giãn mạch máu để huyết áp có thể hạ xuống và tim sẽ không phải làm việc vất vả. Thuốc hạ cholesterol, làm giảm mức cholesterol toàn phần và LDL. Giảm cholesterol có thể thực hiện cả trong chế độ ăn uống của người bệnh.
Thay đổi lối sống: Các biện pháp phòng ngừa đau tim bằng cách thay đổi lối sống như điều chỉnh chế độ ăn, ngừng hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và giảm cân. Những người mắc bệnh đái tháo đường nên luyện tập để đạt mức huyết sắc tố A1C dưới 6,5% nhưng không nên thấp hơn nhiều vì điều đó gây nguy hiểm. Nếu bạn hút thuốc, nên bỏ ngay và cố gắng giảm cân. Uống thuốc huyết áp nếu có tăng huyết áp và tuân thủ uống thuốc điều trị đường huyết.