Ðâu rồi... hát ru?

02-07-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Người ta nói mãi về sự phát triển của xã hội nói chung ảnh hưởng như thế nào đến đời sống văn hóa nghệ thuật nói riêng

Người ta nói mãi về sự phát triển của xã hội nói chung ảnh hưởng như thế nào đến đời sống văn hóa nghệ thuật nói riêng, nhưng ít khi đề cập đến chuyện “chiếc máy lọc” văn hóa đã vô tình gạt đi bao nhiêu yếu tố được gọi là truyền thống, trong đó có hát ru.

Nguy cơ “tuyệt chủng”

Những đứa trẻ thời “ăn no mặc ấm”, lớn lên trong những chiếc nôi hiện đại đã được cài sẵn chế độ “ru tự động” sẽ chẳng bao giờ có khái niệm về lời ru thực sự. Khi chưa có tivi, máy tính, những bài hát ru không chỉ dành cho trẻ em mà còn là phương tiện chia sẻ những câu chuyện trong đời sống. Vì quá phụ thuộc vào công nghệ nên con người dần quên những lời hát từ thuở lọt lòng.

Ðâu rồi... hát ru? 1
 Hát ru là một nét đẹp văn hóa cần được khôi phục và giữ gìn.

Vì sao phải cứu nghệ thuật hát ru? Để trả lời câu hỏi này một cách thuyết phục nhất, chúng ta nên nhìn lại quá khứ, khi mà hát ru còn hiện hữu ở mọi miền đất nước, lối hát của mỗi nơi, mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù ở đâu, hát ru đều có chung mục đích và đạt được hiệu quả là dần đưa đứa bé vào giấc ngủ êm đềm... Những người “nghệ sĩ chân quê” không hề biết nhạc biết thơ là gì, chỉ bằng tình cảm trìu mến với cháu, con và cách học truyền miệng giản dị, họ đã vô tình lưu giữ, bảo tồn được một loại hình âm nhạc thuần Việt độc đáo, thấm đậm tính nhân văn. Hiếm có thể loại nhạc dân gian nào có thể đan cài, kết hợp với tất cả những loại hình còn lại như hát ru. Lời hát ru không chỉ dành cho trẻ nhỏ, còn là hát ru tình đời, tình người, khúc ru giao duyên, khát vọng hạnh phúc, hát ru tình trắc ẩn.

Lời hát ru sử dụng những bài ca dao, đồng dao; những câu tục ngữ, thành ngữ theo thể thơ lục bát có vần điệu nên dễ nhớ, dễ hát và rất truyền cảm. Tác dụng của hát ru cũng thật là kỳ diệu. Khi đứa trẻ có thể nghe hiểu ngôn ngữ thì những câu hát ru còn có thêm tác dụng như bài học khai tâm, khai trí đầu đời, ngày này qua ngày khác giáo dục tình yêu quê hương, trách nhiệm với đất nước; tình thương, công lao của cha mẹ và nghĩa vụ, đạo lý làm con; tình đoàn kết anh em, cộng đồng dân tộc; tiếng hát ru góp phần không nhỏ cho việc hình thành nhân cách con người.

Được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng nên hát ru gặp phải rủi ro rất lớn, theo thời gian, những lời ru thế hệ trước truyền cho thế hệ sau cứ rơi rụng dần, khi thời đại công nghệ xâm lấn, mạch truyền của những câu hát ru càng trở nên mong manh. Mấy ai nghĩ đến chuyện cầm giấy bút ra để viết lại những câu hát ru, rồi “bắt” những bà mẹ thời hiện đại phải học thuộc lòng trước khi “thực hành”, điều đó quá gò ép, đi ngược với văn hóa truyền miệng. Tạm chấp nhận việc không còn là bài học khai tâm cho những đứa trẻ thời hiện đại, hát ru vẫn có thể “né” nguy cơ “tuyệt chủng” bằng cách khác.

Những nỗ lực chưa đủ...

Trong lúc hoạt động nghệ thuật nói chung gặp khó khăn thì nghệ thuật hát ru không có cơ hội tìm chỗ đứng riêng cho mình. Nỗ lực cứu vãn tình thế khó khăn bằng cách tổ chức những cuộc Liên hoan nghệ thuật truyền thống dường như chưa đủ. Cách đây gần chục năm, Liên hoan hát ru được tổ chức, tại các đêm diễn của liên hoan, khán giả lèo tèo, nhiều người còn... ngủ gật trong lúc nghe hát. Kể từ đó, người ta không còn tổ chức hội diễn nào liên quan đến hát ru. Có một cảm giác là chúng ta đang tiếc một nét văn hóa truyền thống nhưng chưa thực sự cứu nó, tất cả những nỗ lực trên chỉ đặt nặng vấn đề hình thức, làm qua loa cho xong chuyện. Cứ ngỡ trong suốt một thời gian dài, nghệ thuật hát ru không sống nổi với thứ trách nhiệm hời hợt như thế thì gần đây, “mạch truyền” hát ru truyền thống đã sôi nổi trở lại.

Tháng 5/2012, Liên hoan hát ru của Hội Phụ nữ xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị diễn ra đã đánh thức tình yêu hát ru trong lòng người nghe. Quy mô tổ chức không hoành tráng, nhưng thu hút gần 100 nghệ sĩ không chuyên từ 3 - 63 tuổi tham gia. Hàng đêm, sân trung tâm Nhà văn hóa xã Gio An chật kín khán giả đón nghe các điệu hát ru địa phương, các điệu ru phía Bắc, phía Nam lồng ghép với các làn điệu hò ca vần vè của các vùng miền.

Tiếp nối thành công này, từ đầu tháng 6/2012, vào tối thứ 7 hàng tuần, sân khấu trước cổng chợ Đồng Xuân, Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam đã lựa chọn loại hình âm nhạc hát ru để gửi đến công chúng. Trong mỗi đêm diễn, hàng trăm khán giả đã vây quanh sân khấu lắng nghe nghệ sĩ Kim Phượng trình bày Lời ru trên nương, ru hời trong quan họ Bắc Ninh... Sự đón nhận nhiệt tình của khán giả dành cho hát ru không kém gì chiếu xẩm, ca trù.

Hóa ra thế hệ trẻ vẫn có sự liên kết đặc biệt với hát ru, vấn đề là cơ hội “va chạm”, tương tác chưa nhiều nên chúng ta đã từng cam chịu để nét văn hóa nghệ thuật này mai một. Sự đón nhận, cổ vũ của khán giả đối với nghệ thuật hát ru tuy chưa nhiều, nhưng cũng là một “cú hích” quan trọng để hát ru có cơ hội tìm lại giá trị đích thực, góp phần giữ gìn một nét đẹp văn hóa truyền thống.            
 
Thu Thảo

Ý kiến của bạn