Theo nhật báo The Guardian của Anh số ra ngày 2/11/2013, các cơ quan tình báo Tây Âu cũng phối hợp làm việc trong một chương trình giám sát internet và điện thoại có quy mô tương đương với Hoa Kỳ.
Dựa trên các tài liệu mật do cựu nhân viên Edward Snowden của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cung cấp, nhật báo The Guardian cho biết, châu Âu thu thập các dữ liệu được chuyển qua cáp quang hay bí mật hợp tác với các công ty viễn thông tư nhân. Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hà Lan nằm trong số các nước mà cơ quan tình báo triển khai các phương pháp trên khi hợp tác với các cơ quan khác như tình báo Anh (GCHQ).
Các ông lớn “nghe lén”. |
Thông tin do tờ báo Anh đưa ra gây bối rối cho Đức và Pháp, hai nước vừa tỏ thái độ giận dữ trước việc NSA nghe lén trên diện rộng tại châu Âu. Đức và Brazil đã trình một dự thảo nghị quyết lên Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu chấm dứt việc giám sát điện tử quá trớn và việc vi phạm trắng trợn cuộc sống riêng tư. Dư luận Đức đặc biệt bị sốc khi biết điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel cũng bị Mỹ nghe lén.
Các tài liệu của GCHQ do Edward Snowden tiết lộ cho thấy, tình báo Anh tự hào là đã tư vấn cho các đồng nghiệp châu Âu những cách tốt nhất để tránh né luật pháp sở tại nhằm hạn chế khả năng giám sát. Dẫn một báo cáo của GCHQ năm 2008, The Guardian cho biết gián điệp Anh quốc đặc biệt ấn tượng trước tình báo liên bang Đức (BND) vì có “tiềm năng kỹ thuật khổng lồ và xâm nhập được vào trung tâm internet”. Cơ quan tình báo Anh cũng ca ngợi DGSE (tình báo Pháp), nhất là quan hệ của cơ quan này với một công ty viễn thông không được nêu tên, một quan hệ mà GCHQ hy vọng sẽ lợi dụng được.
Những phân tích tương tự về Tây Ban Nha, Thụy Điển hay Hà Lan cũng được đưa ra. Trung tâm Tình báo Quốc gia Tây Ban Nha (CNI) được khen về quan hệ với một công ty viễn thông Anh, FRA của Thụy Điển thì có lợi thế nhờ một luật thông qua năm 2008 mở rộng quyền giám sát. Chỉ có Italy không làm tình báo Anh hài lòng vì sự dẫm chân giữa nhiều cơ quan và quá nhiều luật hạn chế hoạt động tình báo.
Các nhà ngoại giao Phần Lan cũng là nạn nhân của một mạng lưới gián điệp. Số là vừa qua, truyền hình Phần Lan tiết lộ rằng, quan chức ngoại giao nước này bị theo dõi từ lâu bởi “gián điệp nước ngoài”. “Nước ngoài” nào? Chính phủ Phần Lan chưa dám nói rõ, còn kênh MTV3 của nước này thì khẳng định thủ phạm là gián điệp của Nga và Trung Quốc.
Ngược lại, vấn đề quan hệ Đức - Mỹ xấu đi sau khi một nghị sĩ Đức đã sang Matxcơva và khi trở về đã trao cho bà Merkel bức thư của cựu nhân viên NSA Edward Snowden. Trong bức thư, Snowden kêu gọi sự giúp đỡ của Đức, mà cụ thể là xin quyền tị nạn. Bởi vì trong hiện tại, nếu ra khỏi Nga, Snowden có nhiều nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ. Đối với Đức, nhiều chính khách đã lên tiếng đề nghị để Snowden đến Đức trực tiếp trình bày sự việc với nhà cầm quyền Đức. Luật sư của Snowden cũng đã cho biết là anh ta sẵn sàng làm việc đó. Thế nhưng, vấn đề là Chính phủ Đức có phần “bối rối” vì sợ phản ứng quá mạnh sẽ gây mất lòng Washington. Bằng chứng là có nghị sĩ đảng cầm quyền Đức cho rằng, Đức có thể nghe lời chứng của Snowden nhưng với điều kiện là “không làm phương hại” đến quan hệ Đức - Mỹ.
(Theo The Guardian, Le Figaro, RFI)
Hương Linh
Scandal nghe lén, người chịu hậu quả nặng nề không chỉ có NSA, mà các tập đoàn internet tại Hoa Kỳ cũng muôn phần khổ sở. Theo tiết lộ của Edward Snowden thì nhiều tập đoàn internet tại Mỹ đã “hợp tác một cách rộng rãi” với NSA và thường xuyên cung cấp thông tin mật của người sử dụng cho NSA. Để xoa dịu tình hình, các tập đoàn này đã cho công bố bản yêu cầu cung cấp thông tin của NSA để chứng tỏ rằng dù họ có cung cấp thông tin cho mật vụ Mỹ nhưng không phải một cách tràn lan, mà là “có giới hạn”. Thế nhưng, cơn sóng này chưa qua thì cơn sóng khác đã ập đến khi mà tờ Washington Post đã tiết lộ thêm thông tin từ Snowden cho biết, mật vụ Mỹ không chỉ lén thu thập thông tin các tập đoàn trong phạm vi nước Mỹ mà còn thu thập thông tin của hàng trăm triệu người sử dụng dịch vụ internet trên thế giới. Và thế là các đại gia Google, Yahoo, Facebook, Apple, Microsoft... càng bị khách hàng nghi ngờ về độ an toàn của dịch vụ mà họ cung cấp. Trong bối cảnh đó, đương nhiên con đường làm ăn của họ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nhiều đại gia internet đã ký một bức thư chung gửi lên Thượng viện Mỹ đề nghị siết chặt luật chống xâm phạm thông tin cá nhân. |