Ðau lòng các vụ án mạng từ mâu thuẫn gia đình

06-09-2019 07:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên tiếp các vụ thảm sát đau lòng xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua khiến dư luận bàng hoàng, đau xót bởi hung thủ và nạn nhân đều là người trong gia đình.

Mới đây nhất, do tranh chấp đất đai, ngày 1/9, đối tượng Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1966, trú tại Cụm 2, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) đã vác dao đến thảm sát cả gia đình em ruột, khiến 1 người bị thương, 4 người tử vong, trong đó có cả trẻ nhỏ...

Ngày 22/8, Công an huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thủy để điều tra về hành vi “Giết người”. Nạn nhân chính là chồng của Thủy. Nguyên nhân xuất phát do sau khi nạn nhân đi nhậu say về, 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc xô xát, Thủy dùng dao đâm khiến nạn nhân chết tại chỗ. Trước đó, ngày 27/5, tại Bình Dương, đối tượng Trần Văn Cường đã dùng dao sát hại vợ đang mang thai và con nhỏ. Nguyên nhân ban đầu xác định do cuộc sống vợ chồng đã xảy ra mâu thuẫn.

Theo thống kê của Bộ Công an, nửa đầu năm 2019 đã xảy ra 447 vụ giết người. Qua phân tích các vụ giết người, có khoảng 15 - 17% số vụ là người thân trong gia đình gây án mà nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong gia đình. Dư luận cho rằng, ở đây có sự vô cảm của con người hay đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, lối sống và văn hóa ứng xử giữa con người với con người.

Theo các chuyên gia lĩnh vực tội phạm học, căn nguyên của những hành vi tội ác do lệch lạc về nhận thức, hành vi và lối sống. Suy nghĩ và quan điểm sống sai lầm dẫn đến hành động sai lầm và vi phạm pháp luật. Những người gây án thường có nền tảng giáo dục hạn chế. Phần đông họ không được giáo dục về lòng yêu thương, tính nhân văn, sự độ lượng, họ thường sống theo bản năng và làm mọi việc theo ý thích của bản thân.

Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Cũng theo một thống kê, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người, trong đó có 18-20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau. Nhiều ý kiến lo ngại cho rằng đây là một thực trạng rất đáng báo động khi mà ở đó, những chuẩn mực về đạo đức xã hội đang dần bị mất đi. Để ngăn chặn những vụ việc đau lòng như thế này có thể xảy ra, dư luận cho rằng cần có những giải pháp căn cơ, chủ động hơn nữa như tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người. Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình cần sát sao, quan tâm nắm bắt diễn biến tư tưởng và kịp thời giải tỏa những mâu thuẫn, không để bùng phát tiêu cực. Bên cạnh đó, cần phải xử lý kịp thời và nghiêm khắc các đối tượng gây án để phòng ngừa và răn đe chung.


Vũ Hải
Ý kiến của bạn