Việc sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV) sẽ giúp người nhiễm HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh... Thế nhưng, hiện nay nguồn lực mua thuốc điều trị ARV đang ngày càng giảm dần.
Nhu cầu điều trị tăng
Theo thống kê, đến hết 31/5/2013, toàn quốc có 213.413 người nhiễm HIV còn sống được báo cáo; Số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 63.373 người. Nhưng mới chỉ có 74.401 người nhiễm HIV đang dược điều trị miễn phí bằng thuốc ARV (trong đó 70.518 bệnh nhân là người lớn và 3.884 bệnh nhân là trẻ em). Ước tính trung bình mỗi tháng sẽ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân cần điều trị ARV. Đến năm 2015 sẽ có khoảng gần 200.000 bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc ARV và mục tiêu của ngành y tế đề ra đến năm 2015 sẽ diều trị cho 105.000 người nhiễm HIV.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc điều trị sớm bằng thuốc ARV, ông Michael Casell, Cố vấn cao cấp về dự phòng HIV/AIDS (USAID) cho biết, người nhiễm HIV được tiếp cận thuốc ARV càng sớm thì càng giảm được nguy cơ bị ốm đau và tử vong, mất sức lao động. Bằng chứng khoa học cho thấy rất rõ ràng những người chủ động đi xét nghiệm HIV và điều trị ARV sớm có thể duy trì cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hữu ích như bất kỳ ai khác.
Các loại thuốc kháng virut (ARV) là chìa khóa để biến việc nhiễm HIV từ một điều kiện sức khỏe bị xã hội kỳ thị và coi như một bản án tử hình thành một căn bệnh mạn tính có thể dự phòng và điều trị được, cũng giống như hầu hết bất kỳ căn bệnh nào khác. Mặc dù HIV vẫn sẽ còn tồn tại trong thời gian tới, nhưng thuốc ARV vẫn là một công cụ mạnh nhất chúng ta có được tính đến thời điểm này để có thể ngăn chặn và chấm dứt các loại bệnh tật liên quan đến AIDS.
Bên cạnh đó, ARV còn có tác dụng dự phòng lây truyền HIV. Các nghiên cứu đã cho thấy, nếu được tiếp cận sớm và duy trì điều trị ARV làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm sang cho bạn tình không nhiễm đến 96%, giảm nguy cơ nhiễm HIV cho người tiêm chích ma túy và các nhóm có nguy cơ cao khác. Đối với bà mẹ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị dự phòng ARV sớm, liên tục thì khả năng đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là dưới 5% trong khi trước đây không có thuốc thì tỉ lệ này tới 30-40%.
Việc không có ARV thì trước hết là làm gián đoạn điều trị bệnh nhân HIV, làm bệnh nặng thêm, khả năng kháng thuốc, tỷ lệ tử vong tăng, khả năng bùng phát dịch... Ðồng thời tăng chi phí điều trị do tái phát bệnh, kháng thuốc, điều trị nhiễm trùng cơ hội... Còn những bệnh nhân HIV mới phát hiện thì việc thiếu ARV là cơ hội để truyền dịch sang những người khác. |
Được biết, ở nước ta đã áp dụng điều trị ARV từ năm 2000. Từ năm 2007 đến nay, nước ta mở rộng điểm cung cấp dịch vụ ARV cho bệnh nhân nên số lượng bệnh nhân được điều trị ARV tăng rất nhanh. Cùng với việc điều trị ARV và hiệu quả triển khai các biện pháp can thiệp nên tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng giảm mạnh. Nếu như trước năm 2007, có tới 7.000- 8.000 bệnh nhân tử vong/năm, thì những năm gần đây, số người tử vong do HIV chỉ còn 1.000-1.500 bệnh nhân/năm.
Giải pháp nào?
Trong khi nhu cầu bệnh nhân cần điều trị ARV ngày càng tăng thì ngân sách nhà nước dành cho ARV còn rất khiêm tốn. Ông Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, riêng tiền thuốc mua ARV năm 2012-2013 là 22-23 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% nhu cầu kinh phí để mua thuốc ARV. Phần lớn kinh phí mua ARV chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó PEPFAR là 56% và Quỹ toàn cầu là 36%...
Hiện kinh phí mua ARV sử dụng tại Việt Nam có tới hơn 90% là từ các tổ chức quốc tế, nhưng nguồn lực này đang dần bị cắt giảm và sẽ không còn trong tương lai khiến chúng ta phải tìm lời giải bài toán nguồn kinh phí mua ARV để thay thế dần nguồn thuốc mua bằng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Ông Bùi Đức Dương cho biết, HIV là bệnh lây truyền mạn tính, việc mắc bệnh và tử vong rất cao ảnh hưởng cả tới vấn đề giống nòi, tác động cả đến kinh tế - xã hội đất nước... nên một trong những nguồn đầu tư lúc này vẫn là ngân sách nhà nước. Tiếp đó là nguồn đóng góp của người dân thông qua BHXH và BHYT. Việc người bệnh tự chi trả chúng ta cũng phải tính đến. Và bên cạnh đó cần phải kêu gọi sự đầu tư các tổ chức xã hội trong và ngoài nước... Thông qua các nguồn như thế, có thể sẽ hỗ trợ kinh phí cho mua thuốc ARV trong thời gian tới để đảm bảo người nhiễm HIV tiếp cận dễ dàng và điều trị lâu dài bằng ARV.
Về việc đảm bảo nguồn tài chính mua thuốc ARV, ông Michael Casell chia sẻ thêm: “Khi chương trình PEPFAR toàn cầu mới bắt đầu hỗ trợ mua sắm thuốc ARV 10 năm trước đây, chúng tôi đã hình thành các cơ chế mua sắm tập trung, tập hợp nhiều đơn hàng nhỏ về cùng một chỗ để mua chung và đạt được mức giá thấp hơn thông qua việc mua những đơn hàng số lượng lớn. Vì thế, với việc thiết lập một đơn vị mua sắm tập trung ở Trung ương, Việt Nam có thể áp dụng bài học tương tự để mua được nhiều thuốc hơn với giá thấp hơn. Cấp ngân sách mua sắm tập trung ngay tại Trung ương và tận dụng các cơ chế mua sắm quốc tế sẵn có với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ có thể tăng sức mua hiện nay lên 4 lần”.
Bài, ảnh: Thu Hương