Ðâu là giá trị đích thực?

25-06-2013 09:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lâu nay nhắc đến hội họa, người ta chỉ nghĩ đến những chất liệu truyền thống như sơn dầu, sơn mài...

Lâu nay nhắc đến hội họa, người ta chỉ nghĩ đến những chất liệu truyền thống như sơn dầu, sơn mài... Đó là những chất liệu được giới chuyên môn xếp vào hạng hàn lâm bởi không yếu tố nào có thể xóa bỏ sự tồn tại của chúng. Nếu như sơn dầu giúp Leonardo da Vinci tạo nên những tuyệt tác để đời, mang đến cho nhân loại nụ cười vô giá của nàng Mona Lisa, thì sơn mài lại mang đến cho các họa sĩ Việt một dòng chảy nghệ thuật riêng biệt, không lẫn với bất kỳ dòng tranh nào trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của hội họa không cho phép người nghệ sĩ ngừng tìm tòi, sáng tạo.

Sự xuất hiện mới lạ

Nhắc đến chất liệu mới trong hội họa, người “ngoại đạo” có lẽ chỉ nghĩ đến việc họa sĩ sẽ sử dụng “chất” gì để vẽ lên tranh, nhưng đó chỉ là cách nhìn khá hạn chế. Chất liệu trong hội họa còn là không gian mà tác phẩm “bám dính” lên. Người họa sĩ không chỉ vẽ tranh lên giấy, lên tường mà còn vẽ tranh lên quần áo và rất nhiều không gian khác nữa. Hội họa vốn là niềm cảm hứng bất tận của xã hội và loài người. Và mới đây, nó lại tiếp tục truyền cảm hứng cho mảnh đất thời trang. Từ đầu năm 2013, “Hội họa trong thời trang” là cụm từ mà người trong giới thường xuyên đề cập. Những nét bút ngang dọc, đầy ngẫu hứng, những chấm màu độc đáo hay thậm chí là một bản vẽ hoàn chỉnh đang ngập tràn các sàn diễn thời trang Việt. Trên nền những chất liệu truyền thống như lụa, satin, cùng các thiết kế sáng tạo, họa tiết nét bút tạo nên sự khoáng đạt, tinh thần tự do, đầy màu sắc và sự tươi mới cho các thiết kế khiến người xem có chung cảm nhận, thời trang có thể bước thẳng đến những cuộc triển lãm hội họa chứ không chỉ “dạo bước” trên sàn catwalk.

Ðâu là giá trị đích thực? 1
 Một bức tranh được tạo bằng khói rất ấn tượng, nhưng người ta còn phân vân giá trị hội họa đích thực của nó.

Vẽ tranh trên mặt nước, kỹ thuật này được đánh giá là một trong những sáng tạo đột phá của giới hội họa. Tất nhiên, nguồn gốc của nó không xuất phát từ Việt Nam nhưng lại được các họa sĩ Việt say sưa ứng dụng và tạo nên những dấu ấn riêng. Vẽ tranh trên mặt nước thực chất là kỹ thuật tô màu trong nước để tạo ra hiệu ứng trên giấy. Bằng cách sử dụng những loại chất liệu nổi trên nước như sơn, mực..., tác giả sẽ vẽ tranh trong nước sau đó cẩn thận áp giấy hoặc vải lên trên bề mặt nước để in tác phẩm vừa hoàn thành. Hiện nay, người ta vừa sử dụng loại mực truyền thống và cả sơn acrylic để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Một số nghệ nhân còn thực hiện các kỹ thuật vượt ra ngoài hiệu ứng thông thường để tạo ra nhiều hình ảnh cụ thể.

Cách đây không lâu, một người nông dân Việt Nam đã khiến giới hội họa sửng sốt bởi những bức tranh bằng khói tuyệt đẹp của ông. Chưa một ngày được đào tạo về mỹ thuật, nhưng với tài hoa của mình, ông đã sáng tạo ra những bức họa khiến nhiều họa sĩ danh tiếng phải nể phục. Từ phác họa cho đến khi hoàn thành một bức tranh khói không dễ dàng như việc vẽ một bức tranh trên giấy. Khi khuôn tranh đã được phủ một lớp khói, người vẽ tranh sẽ sử dụng một cây kim và bắt đầu phác họa từng nét nhỏ. Phác họa xong, họa sĩ dùng một con dao nhỏ để cạo đi lớp khói màu đen. Tranh khói vẽ theo phương thức cạo trắng khuôn tranh. Những đường nét, mảng khối được cạo trắng sẽ kết hợp với những chi tiết còn lại để cho ra đời bức tranh hoàn chỉnh.

Một cách đơn giản hơn để tạo nên những bức tranh khói, người họa sĩ có thể hơ giấy trên ngọn đèn dầu, lớp khói lưu lại trên bề mặt giấy có thể tạo nên một bức họa trừu tượng như thế nào, uyển chuyển ra sao không chỉ phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi tay mà còn rất ngẫu nhiên. Người ta có thể làm ra hàng trăm bức tranh khói để rồi chỉ chọn ra vài bức ưng ý. Tuy nhiên, tranh khói rất khó giữ vì chất liệu dễ “bay” nếu tác giả không tìm ra công nghệ bảo quản phù hợp.

Những lo ngại

Sự phát triển về chất liệu cũng như những ý tưởng đột phá của hội họa ngày nay là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện muôn vẻ đời sống văn hóa nghệ thuật. Hơn nữa, tranh được vẽ trên mặt nước hay tranh khói đều không thể sao chép, chúng là những tác phẩm độc nhất vô nhị, điều này mang đến những cảm hứng thú vị cho người sáng tác tranh. Tuy nhiên, những lo ngại cũng dần xuất hiện, người ta bắt đầu hoài nghi về khái niệm nghệ thuật và nghệ nhân khi mà bất cứ ai cũng có thể tạo ra tranh theo ý mình. Không chỉ dừng lại ở công nghệ vẽ tranh trên nước hay tranh khói, bất kỳ ai giỏi công nghệ cũng có thể “tạo” tranh. Ngày nay, sự phát triển của dòng tranh đồ họa - sản phẩm của máy tính cũng là dấu hỏi lớn dành cho giới nghệ sĩ, tranh đồ họa có phải là hội họa hay không? Rất khó để thẩm định!

Bởi quy luật “quý mới hiếm” nên giới chuyên môn đang lo lắng, nếu xuất hiện quá nhiều các tác giả, tác phẩm mà chưa được phân định rạch ròi vấn đề hội họa hàn lâm và hội họa công nghiệp thì khó mà khẳng định, hội họa của ta đang phát triển theo chiều hướng tích cực.          
 
Huyền Trang

Ý kiến của bạn