Hà Nội

Ðau khớp háng và cách chữa

24-07-2018 13:35 | Đời sống
google news

SKĐS - Đau khớp háng có thể thoáng qua rồi biến mất, từ từ tăng dần. Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp háng từ đơn giản đến phức tạp, từ bệnh nhẹ tới nghiêm trọng phải phẫu thuật. Và việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Quan trọng là bạn không bỏ qua và đến bác sĩ để được khám và tư vấn.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp háng, sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Thoái hóa khớp háng: Thoái hóa khớp háng là bệnh phổ biến dẫn đến phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Thoái hóa khớp háng là hậu quả của quá trình mòn khớp, gặp nhiều ở người lớn tuổi. Bệnh thường xuất hiện ở một bên khớp tại một thời điểm. Khi bệnh tiến triển, lớp sụn khớp mất dần, khe khớp hẹp lại và xuất hiện nhiều gai xương. Biểu hiện trên lâm sàng là đau khớp háng, hạn chế biên độ vận động của háng (cứng khớp háng).

Viêm khớp dạng thấp: Không giống như thoái hóa khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khớp tại một thời điểm. Biểu hiện trên lâm sàng là nhiều khớp sưng, đau và cứng khớp tại cùng một thời điểm. Bệnh tiến triển nặng dần làm cho khớp bị biến dạng.Tập phục hồi chức năng thường xuyên giúp bệnh nhân giảm đau, duy trì biên độ của khớp. Ảnh: TM

Tập phục hồi chức năng thường xuyên giúp bệnh nhân giảm đau, duy trì biên độ của khớp. Ảnh: TM

Thoái hóa khớp sau chấn thương: Bề mặt khớp bị tổn thương do lực chấn thương.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch): Do một nguyên nhân nào đó (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi hoặc tự phát…) làm tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi dẫn đến phần chỏm xương đùi không có máu nuôi gây nên hoại tử. Lâm sàng có dấu hiệu đau và hạn chế vận động háng. Trên phim Xquang, chỏm xương đùi biến dạng, khe khớp hẹp.

Bệnh lý khớp háng ở trẻ em: Một số trẻ em và trẻ sơ sinh có vấn đề về khớp háng, thậm chí mặc dù đã được điều trị đúng đắn, song khớp háng vẫn có thể tiến triển thành viêm, thoái hóa khớp khi trưởng thành. Quá trình thoái hóa khớp diễn ra do sự biến đổi bất thường của khớp, ảnh hưởng đến diện khớp. Các bệnh thường gặp ở trẻ em như loạn sản khớp, bệnh Perthes, bong sụn tiếp đầu trên xương đùi…

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu của khớp háng thường xuất hiện từ từ tăng dần. Ban đầu, dấu hiệu đau khớp có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Đau khớp có thể chỉ xuất hiện khi bạn đi bộ trên một quãng đường dài, khi gấp háng hoặc khi leo cầu thang. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau có thể xuất hiện cả khi ngồi, nằm hoặc thậm chí khi ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hơn hoặc đau dai dẳng, thường xuyên khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Thông thường, lúc đầu đau có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt.

Người bệnh có cảm giác hơi khó khăn khi thực hiện các động tác như cắt móng chân, đi tất, đi giầy hoặc khi mặc quần áo. Khi ngồi ghế, cảm thấy khó khăn khi đứng dậy hoặc khó khăn khi bước lên hoặc xuống xe hơi, lên xuống cầu thang… Khi đi bộ, người bệnh cảm thấy khó bước trong vài bước đầu tiên, thậm chí đi tập tễnh hoặc phải dừng để nghỉ ngơi. Theo thời gian, người bệnh không thể duỗi thẳng gối, chân ngắn hơn chân lành.

Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau, cứng khớp háng, khó khăn khi bước đi… thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bác sĩ tìm nguyên nhân gây đau khớp háng. Thông thường chỉ cần làm một số xét nghiệm cơ bản và chỉ cần chụp phim Xquang thường quy cũng đủ để chẩn đoán nguyên nhân.Thoái hóa khớp háng.

Thoái hóa khớp háng.

Điều trị không phẫu thuật

Có nhiều phương pháp điều trị không phẫu thuật:

Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đầu tiên, người bệnh cần hạn chế hoặc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày mà có thể làm tổn thương tăng thêm cho khớp háng như không đi bộ quãng đường dài, hạn chế leo trèo cầu thang, hạn chế hoặc dừng chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như chơi tennis, cầu lông…

Giảm cân, tập luyện: Khi cân nặng của người bệnh giảm sẽ giúp giảm lực tải tác động lên khớp háng, phần nào giúp người bệnh giảm đau và giảm mức độ tiến triển của bệnh.

Một chương trình tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên sẽ giúp người bệnh giảm cân, duy trì biên độ vận động của khớp, tránh cứng khớp.

Thuốc: Một số thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng kháng viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen… giúp người bệnh kiểm soát cơn đau. Những thuốc này có thể sử dụng liên tục trong một thời gian hoặc chỉ sử dụng khi đau, theo sự hướng dẫn của bác sĩ kê đơn. Một số tác dụng phụ của thuốc người bệnh cần lưu ý như nôn, buồn nôn, loét hoặc chảy máu dạ dày…Cần đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu trên.

Điều trị bằng phẫu thuật

Nếu các biện pháp điều trị bảo tồn như trên không cải thiện, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống thì có chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần hoặc hàn cứng khớp là những phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương, tuổi người bệnh…


ThS.BS. Dương Đình Toàn
Ý kiến của bạn