Hà Nội

Ðau khớp gối - Dấu hiệu bệnh gì?

23-02-2019 08:43 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khớp gối là một khớp phức tạp có tầm hoạt động lớn và là khớp chịu trọng tải của cơ thể. Vì thế khớp gối dễ bị tổn thương và khi bị tổn thương có thể gây đau.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau ở đầu gối. Một số là biểu hiện thường gặp và ít nghiêm trọng, một số trường hợp lại đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Điều trị đau đầu gối sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để chẩn đoán đau đầu gối, vì một số nguyên nhân cần phải điều trị lâu dài để chữa lành hoàn toàn. Nguyên nhân có thể gây ra đau ở đầu gối bao gồm:

Chứng chuột rút

Khi bị chuột rút thường gây đau đằng sau đầu gối. Hiện tượng chuột rút xảy ra khi cơ bắp quá căng thẳng. Sự căng cơ này có thể là do cơ làm việc quá mức mà không được thư giãn, nghỉ ngơi. Căng cơ quá mức có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau của đầu gối. Chẳng hạn có thể cảm thấy một cơn co thắt ở đùi hoặc khoeo chân. Cảm giác giống như một cơn co cơ đột ngột, đau đớn. Đau có thể kéo dài vài giây hoặc vài phút và có thể từ khó chịu đến đau nghiêm trọng.

Cũng có các nguyên nhân khác gây ra chuột rút bao gồm: mất nước, nhiễm trùng uốn ván, bệnh gan, độc tố trong máu cao, một số vấn đề về thần kinh. Phụ nữ đang mang thai cũng có thể bị chuột rút chân như là một tác dụng phụ bình thường của thai kỳ.

U nang bao hoạt dịch

Khớp gối được bao bọc bởi bao khớp như một túi khép kín. Túi này được che phủ bên trong nhờ màng hoạt dịch. Khi bị chấn thương, bao hoạt dịch có thể tăng tiết dịch một cách quá mức gây tràn dịch khớp gối. Nó có thể thoát vị ra phía sau của gối, đó là u nang bao hoạt dịch còn được gọi là nang Baker (Baker’s cyst). Triệu chứng là đau, căng ở vùng hố khoeo. Nang lớn có thể gây chèn ép thần kinh vùng khoeo chân (nhưng rất hiếm). Các nang có thể phát triển với kích thước của một quả bóng bàn gây cảm giác áp lực ở sau đầu gối, có thể gây cảm giác ngứa rát, đau châm chích.

Ðau khớp gối - Dấu hiệu bệnh gì?Đau ở đầu gối có thể chỉ cần nghỉ ngơi, băng chun tại gối nhưng cũng có khi phải kiểm tra tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa.

Viêm khớp gối

Viêm khớp gối xảy ra do tai nạn, chấn thương, thoái hóa khớp gối... Ngoài ra, người mắc một số bệnh lý khác như bệnh gout, viêm gân, viêm bao hoạt dịch khớp gối, u nang... cũng có thể bị viêm khớp gối. Người bị viêm khớp gối sẽ có các triệu chứng như đau nhức ê ẩm ở khớp gối, đau tăng khi chơi thể thao, lên xuống cầu thang, đau nhiều khi thời tiết thay đổi, đầu gối phát ra tiếng kêu khi di chuyển, cử động khớp gối khó khăn. Viêm khớp gối có thể gây sưng nóng đỏ khớp gối, cứng khớp..., hiện tượng này có thể xuất hiện, mất đi, lặp lại theo chu kỳ.

Vận động viên chạy đường dài, người thường xuyên tập chạy cũng có thể mắc các triệu chứng tương tự do hoạt động quá mức, xương bánh chè, xương chày và xương đùi phải chịu quá nhiều áp lực, ma sát nhiều khiến lớp sụn khớp giữa các xương này dần bị bào mòn, trở nên xù xì thô ráp. Xương ở nơi này dày lên, hình thành các gai xương quanh viền khớp. Điều này gây hiện tượng đau ở khớp gối và hội chứng Runner.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh đau đầu gối, tốt nhất là tránh những chấn thương trực tiếp vào khớp gối. Không nên cử động khớp gối đột ngột như gập gối, vặn xoắn gối, nhảy từ trên cao xuống... Khi đau đầu gối có thể điều trị tại nhà giảm nhẹ các triệu chứng như chườm đá khi bị sưng, hạn chế vận động, để chân nghỉ ngơi, băng chun gối,... Tuy nhiên, nên đến bác sĩ khi đau không giảm, không gập hoặc duỗi được chân, đau chân kèm theo khó thở...

Bệnh lý này cần được điều trị sớm bởi có thể gây nhiều nguy cơ. Cụ thể là bệnh viêm khớp gối sẽ ngày càng trầm trọng nếu không được điều trị kịp thời, khớp dần bị biến dạng, teo cơ xảy ra và còn có thể gây nhiều biến chứng liên quan tới các cơ quan khác như tim mạch...

Chấn thương cơ gân khoeo

Các cơ gân khoeo là một nhóm ba cơ bắp chạy dọc theo mặt sau của đùi từ hông đến ngay dưới đầu gối. Khi bất kỳ một trong những cơ này kéo dài vượt quá giới hạn của nó trong quá trình hoạt động thể chất, chấn thương có thể xảy ra. Người dễ bị chấn thương này là vận động viên (chạy, nhảy, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt...), người tập yoga. Cũng có thể gặp chấn thương cơ gân khoeo khi chạy, nhảy quá mức hoặc dừng đột ngột hay bắt đầu tập luyện lại.

Chấn thương cơ gân khoeo có thể nhẹ không tổn thương quá nhiều. Tuy nhiên, những chấn thương nặng có thể gây đau đớn, khiến không thể đi bộ hoặc thậm chí đứng. Các triệu chứng khác của chấn thương cơ gân khoeo gồm: đau đột ngột và nghiêm trọng khi tập thể dục, cùng với cảm giác giật lên đột ngột; đau ở mặt sau của đùi và phần mông dưới khi đi bộ, thẳng chân hoặc cúi xuống; nhão cơ; bầm tím. Khi gặp những triệu chứng này cần đi khám bác sĩ sớm.

Rách sụn chêm

Sụn chêm nằm lót dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Có hai sụn chêm nằm phía trong và phía ngoài khớp gọi là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Rách sụn chêm có thể xảy ra khi khớp gối bị gập đột ngột hay gối bị vặn xoắn đột ngột trong tai nạn giao thông, chuyển hướng đột ngột trong khi di chuyển, chạy... Ban đầu có thể chưa có biểu hiện nhưng vài ngày sau gối dần dần sưng lên và cảm giác mất linh hoạt gối. Người bệnh có cảm giác đau gối, sưng và hạn chế vận động gối, khớp gối bị kẹt hoặc có tiếng lục cục trong khớp khi vận động, gối không thể duỗi hết tầm. Rách sụn chêm có thể trầm trọng đến mức phải phẫu thuật. Vì thế nên khám ngay chuyên khoa khi có dấu hiệu bị rách sụn chêm.

Tổn thương dây chằng chéo khớp gối

Các chấn thương dây chằng chéo trước hoặc sau thường xảy ra do đang chạy thì dừng hoặc do thay đổi hướng đột ngột hoặc chấn thương trực tiếp vào mặt trước gối, sau một cú nhảy từ trên cao rơi tiếp đất không thuận... Tương tự như rách sụn chêm, một chấn thương dây chằng chéo có thể gây đau và sưng. Sưng đau sẽ hết dần dù không được điều trị, tuy nhiên tổn thương này có thể nặng (đứt hoàn toàn) gây lỏng khớp gối, teo cơ, thoái hóa khớp gối.

Viêm huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)

Nhiều người bị DVT cảm thấy đau hơn khi đứng. Đau thường gặp ở chân và đầu gối. Các triệu chứng khác của DVT có thể bao gồm: da chỗ viêm có màu đỏ, cảm thấy ấm khi áp tay vào; khu vực viêm bị sưng; chân bị ảnh hưởng thấy m ỏi, yếu; các tĩnh mạch bề mặt nổi rõ.

Các yếu tố nguy cơ của DVT có thể bao gồm thừa cân,  tuổi già, hút thuốc lá. Những người có  lối sống tĩnh tại cũng có thể bị chứng DVT. DVT cần được điều trị, vì nó có thể trở nên trầm trọng hơn nếu cục máu đông vỡ ra trong huyết mạch. Nên khám bác sĩ nếu bị sưng, đỏ và đau chân. Nếu bạn bị sưng, đau chân cùng với khó thở hay đau ngực tăng khi hít sâu, hãy đến phòng cấp cứu. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể là huyết khối tĩnh mạch sâu. Đó là tình trạng nguy cơ cục máu đông bị bong ra và di chuyển theo tĩnh mạch để đến phổi.


BS. Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn