Ðau đầu với nạn hàng giả

29-05-2016 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Hàng giả, hàng nhái không chỉ làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thiệt hại nặng nề, phá sản.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thiệt hại nặng nề, phá sản. Đáng lo ngại là một vài năm gần đây, hàng giả vẫn tung hoành, vùng vẫy, “xuyên thủng” vòng kiềm tỏa của các lực lượng phòng chống. Vấn nạn gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đang đòi hỏi sự chung tay, quyết liệt của cả cơ quan quản lý lẫn người dân…

Hiếm có mặt hàng không bị làm giả

Không đâu xa mà ngay tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã rất nhức nhối. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, từ tháng 12/2014 đến tháng 4/2016, đơn vị này đã thu được 24.500 tỷ đồng cho Nhà nước về hàng giả, gian lận thương mại, phát hiện 1.556 vụ vi phạm.

Hàng nhái, hàng giả len lỏi vào mọi ngóc ngách của thị trường.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 4 tháng đầu năm, các lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ, xử phạt, truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng, trong đó khởi tố hơn 440 vụ và hơn 580 đối tượng vi phạm.

Tại Hội nghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng hàng giả đang len lỏi ở mọi ngóc ngách.

Ông Bảo cho biết, rất khó để tìm ra mặt hàng nào… không bị làm giả tại Việt Nam hiện nay trong khi rất dễ chỉ ra những mặt hàng nào bị làm giả đối với hàng chục ngành hàng. Đặc biệt là ở các vùng, tỉnh biên giới như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai…

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng, phá vỡ thị trường, triệt đường sống của doanh nghiệp. Thậm chí hàng giả, hàng nhái còn ngang nhiên cạnh tranh hàng thật, người tiêu dùng không thể phân biệt nổi và đành chấp nhận sống chung với hiện trạng này.

Công khai… lên mạng

Theo Cục QLTT - Bộ Công Thương, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên nền mạng xã hội như facebook thông qua việc lập các fanpage bán hàng, trang facebook cá nhân để bán hàng...

Hàng giả ở tuyến biên giới đang mở rộng về đồng bằng, trà trộn vào các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp, làng nghề, vùng quê gây khó khăn trong việc quản lý. Có tình trạng móc nối giữa thương nhân trong nước với người nước ngoài tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu.

Đặc biệt, các đối tượng bán hàng giả qua mạng chủ yếu là hàng thuốc tân dược xách tay, thực phẩm chức năng xách tay có yếu tố nước ngoài nhưng bị làm giả tem, mẫu mã và vỏ bao bì. Các trang web bán hàng trực tuyến, đặc biệt là hàng về điện tử, công nghệ cũng nằm trong đối tượng rà soát và kiểm soát về chất lượng hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Nhiều lực lượng, thiếu chế tài

Trong khi các cơ quan chức năng đều nói lực lượng mỏng, thiếu phương tiện và tài chính nhưng điểm ra có rất nhiều lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại như ở cơ sở có quản lý thị trường, có công an kinh tế, Trung ương có Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu, các bộ ngành như Công Thương đều có lực lượng chuyên trách, thuế và hải quan trong ngành tài chính cũng tham gia.

Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, những tồn tại về sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định của pháp luật về lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chậm so với yêu cầu, chưa tháo gỡ được những khó khăn thực tiễn. Như quy định thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng 1.500 bao trở lên sẽ bị xử lý hình sự khiến các đối tượng lợi dụng chia nhỏ hàng thành các số lượng từ 500 - 1.200 bao nên không xử lý hình sự được. Hay quy định về việc tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu nhưng thực tế lại không tịch thu được phương tiện do các đối tượng chủ xe thường vận chuyển thuê, không phải là chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Thiết nghĩ, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 đã có một số thay đổi về tội danh và hình phạt, lúc đó, cơ quan quản lý rất thuận lợi để xử lý. Bên cạnh việc cụ thể và mạnh tay về mặt chế tài xử phạt, lực lượng chức năng cần có biện pháp khai thác thông tin tốt, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân bởi bên cạnh trách nhiệm và quyền lợi liên quan, “độ phủ sóng” rộng rãi của lực lượng ngoài ngành này là yếu tố mà không cơ quan nào có được.


Hải Phong
Ý kiến của bạn