Cái kiểu ăn chơi hội hè lễ lạt có từ ngày xửa ngày xưa ấy, dĩ nhiên mang đậm dấu ấn, sắc thái, hương vị của nền văn minh lúa nước có từ hàng nghìn năm trên dải đất cong cong hình chữ S này. Bây giờ đã khác lắm rồi, càng hội nhập với nhân loại bao la, càng khác. Nền kinh tế thị trường tác động càng sâu rộng càng tạo ra những cách biệt xưa - nay, kể cả lễ hội vốn mang đậm nét văn hóa truyền thống bền vững lâu đời. Với Việt Nam thì lễ hội rải ra suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, trên khắp mọi miền đất nước, có trong các dân tộc, đâu chỉ mỗi tháng Giêng là tháng ăn chơi.
Lễ hội Đền Hùng.
Đất nước có lễ hội bốn mùa
Dẫu biết rằng, Việt Nam là xứ sở của lễ hội nhưng thú thực tôi vẫn bất ngờ khi biết ở nước ta có khoảng 8.000 lễ hội. Trong đó, lễ hội dân gian chiếm khoảng 88,36%; lễ hội lịch sử chiếm (4,16%); lễ hội Tôn giáo có 6,28%; lễ hội du nhập từ nước ngoài vào 0,12% và các lễ hội khác chiếm 0,5%. Có thể nói lễ hội là một đặc điểm đáng quan tâm khi nói về văn hóa nước ta. Hầu như mùa nào cũng có lễ hội mà tập trung nhất là xuân và thu, hai mùa đẹp nhất ở Việt Nam. Chắc chắn vùng miền nào, dân tộc nào cũng có lễ hội mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng miền, dân tộc mình, góp lại thành vườn hoa lễ hội đa dạng, tươi tắn, sinh động của đất nước. Có những lễ hội đã trở thành Di sản văn hóa thế giới và quốc gia như Giỗ tổ Hùng Vương (Phú Thọ), Hội Gióng (Hà Nội), các lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Yên Thế, Thổ Hà và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Côn Sơn và Kiếp Bạc (Hải Dương), Phủ Giầy (Nam Định), Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Nhảy lửa của người Pà Thẻn (Hà Giang), Gầu Tào (Lào Cai, Hà Giang), Roóng pọoc của người Giáy ở Tả Van và Pút tồng của người Dao đỏ (Sa Pa, Lào Cai), Lồng tồng của người Tày (Tuyên Quang), Cầu ngư và Tháp Bà Ponaga (Khánh Hòa), Kỳ Yên ở đình Gia Lộc (Tây Ninh), Nghinh Ông (Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh)…
Nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, ta thấy có những lễ hội xuất hiện từ rất lâu rồi. Hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội) có từ thời Tiền Lê, Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh) và Hội chùa Côn Sơn (Hải Dương) có từ thế kỷ XIV, từ đời nhà Đinh đã có Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội chùa Keo có từ thời nhà Lý... Các lễ hội ra đời và tồn tại theo dòng lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc mang trong nó nhiều giá trị văn hóa tích cực, vừa không ít về số lượng, vừa đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức. Đó là di sản quý báu của tổ tiên ông bà để lại cho con cháu mà chúng ta cần biết gạn đục khơi trong để gìn giữ, bảo tồn và phát huy phù hợp với thời đại mới.
Độc đáo bức tranh đa sắc
Lễ hội ở nước ta là những sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng rất cao. Lễ là hệ thống những hành vi, động tác biểu hiện sự tôn kính với các thần linh, tổ tiên, anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước... đồng thời cũng phản ánh khát vọng, ước mơ chính đáng của con người về cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống.
Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Ngọn núi Nghĩa Lĩnh với Đền Hùng linh thiêng trở thành nơi hội tụ của dân Việt từ ngày mồng mười tháng ba âm. Đấy là lễ hội suy tôn các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Những bước hành hương về Đất Tổ, những hướng vọng tâm linh của con cháu các Vua Hùng ở muôn nơi tới đây là minh chứng sinh động cho lòng yêu nước, thương nòi sâu đậm. Bánh chưng, bánh dày cùng mâm xôi nhiều màu sắc vừa mang trong nó bóng dáng của lịch sử, thời hồn nhiên Vua đi cày, dân đi cấy vừa chứa đựng đạo lý sống hiếu thảo của người Việt.
Cùng với điệu hát Xoan (hát Xuân) tương truyền có từ thời Hùng Vương và các trò chơi đu, đấu vật, đánh cờ người, chọi gà, thi kiệu làm cho Lễ hội mồng mười tháng ba thấm đẫm chất dân giã mộc mạc chan hòa. Hội Gióng tổ chức vào tháng tư ta có màn múa hát thờ và hội trận nhằm suy tôn Phù Đổng Thiên Vương đánh thắng giặc Ân.
Điều độc đáo ở hội trận là dân làng chọn những cô gái chưa chồng xinh tươi nhất, các thôn nữ mặt hoa da phấn, đáy thắt lưng ong đóng tướng giặc. Phải chăng, đây là sự nhắc nhở khéo về lòng cảnh giác; mầm họa chiến tranh đôi khi được ngâm ủ trong thời bình, vì thế giữ nước phải lo toan phòng thù từ xa, từ trước.
Hội xuân Yên Tử khắc ghi công lao, tài năng, đức độ của Minh chủ đồng thời là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người cùng Trần Hưng Đạo Đại vương hai lần đánh thắng giặc Nguyên hung hãn; người có công sáng lập ra Trúc Lâm thiền phái gắn đạo với đời, tràn ngập lòng yêu nước thương dân… Còn nhiều lắm, từ Bắc vào Nam, từ miền biển lên vùng cao, bao nhiêu lễ hội mang trong nó những thông điệp cao đẹp của con người.
Nếu như lễ hội Lồng tồng của người Tày với các trò chơi dân gian như ném còn, hát lượn… hướng tới việc cầu phúc cho muôn người, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm thì lễ hội Hoa ban của dân tộc Thái ngợi ca tình yêu đôi lứa thủy chung, hạnh phúc gia đình bền vững.
Những cô gái Thái áo cóm khăn piêu cực kỳ duyên dáng trong các khúc hát giao duyên. Sẽ là thiếu sót khi muộn mằn nhắc tới Hội Lim với những liền chị, liền anh đến hẹn lại lên của miền Kinh Bắc, vang rền nền nẩy trong muôn câu quan họ huê tình. Không phải vô tình mà người Kinh Bắc không gọi hát quan họ mà dùng từ chơi quan họ. Một cuộc chơi thanh lịch duyên dáng mà sang trọng trong sáng vô cùng.
Quên đi điều cốt yếu đó sẽ làm vẩn đục cuộc chơi. Lễ hội Chùa Hương được coi là kéo dài nhất ở nước ta, từ mồng 6 tháng Giêng hoa đào nở thắm cho đến hết tháng ba, khi đom đóm bay ra hoa gạo đỏ. Chính hội là rằm tháng hai, khi hoa xoan đã thoang thoảng tím. Hàng nghìn, hàng vạn người đi về Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) chốn non nước hữu tình tĩnh lặng được coi là Cõi Phật, nơi thờ Phật Bà Quan Âm.
Đây là một trong những lễ hội tâm linh rất nổi tiếng ở nước ta. Xuôi về Nam, cũng không thiếu các lễ hội đặc sắc như Cầu ngư ở Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa có các trò chơi mô tả nghề đánh cá; lễ hội Dinh Thầy - Thím ở Bình Thuận với các trò Chèo Bá Trạo, diễn tích Thầy - Thím, thi lắc thúng, thi gánh cá đi bộ, đấu võ nhằm cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc; lễ hội Ka tê của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận; lễ Cơm mới tôn vinh Thần Lúa, lễ Đâm trâu dâng tế các thần linh, hội Đua voi ở Tây Nguyên…
Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa Tôn giáo nên lễ hội cũng rất phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Những giá trị văn hóa được bảo tồn lưu giữ trong lễ hội có tác dụng không nhỏ trong giáo dục nhân cách, đạo đức con người đặc biệt là lòng yêu nước, sống lương thiện, hòa đồng.
Những khoảng tối đáng lo ngại
Trong mấy năm gần đây, chúng ta không khỏi giật mình lo ngại những biểu hiện tiêu cực ở một số lễ hội. Trước hết, cần nói tới động cơ, ý thức của người đi lễ hội. Không phải không có những người đi lễ hội với mục đích rất thực dụng, ích kỷ. Những hiện tượng như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc trong một số lễ hội là mấy ví dụ về vấn đề vừa nêu.
Có nơi được coi là chốn linh thiêng cũng đã từng mọc lên các điểm thắp hương giả trá, nhan nhản quán mời chào đặc sản thịt rừng. Lẽ ra đến lễ hội bằng cái tâm trong sáng, có kẻ lại thích phô trương sự sang giàu bằng những mâm cao cỗ đầy. Chốn thiêng liêng thành nơi buôn thần bán thánh, vàng mã đốt nghi ngút mù mịt, rất tốn kém mà chẳng mang ý nghĩa gì tốt đẹp lại làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan. Yếu tố mê tín dị đoan trà trộn trong những nghi lễ, nghi thức, sinh hoạt của lễ hội. Đó là chưa nói tới việc gìn giữ.